Nhằm đảm bảo cân đối cung cầu các hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu của người dân TPHCM, UBND TPHCM đã ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu năm 2015 - Tết Bính Thân 2016, Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2015 - 2016, Chương trình bình ổn thị trường các mặt sữa năm 2015 - 2016, Chương trình bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm thiết yếu năm 2015 - Tết Bính Thân 2016. Các chương trình này sẽ triển khai đồng loạt kể từ ngày 1-4-2015, kết thúc ngày 31-3-2016.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng nhận Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp phát triển ngành Công thương Việt Nam.
Nhiều hình thức hỗ trợ vốn
Năm 2015, TP tiếp tục không sử dụng vốn ngân sách mà thực hiện xã hội hóa, thông qua hình thức kết nối doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh với ngân hàng tham gia chương trình với hạn mức và lãi suất ưu đãi. Theo đó, tổng hạn mức tín dụng các ngân hàng đăng ký là 11.850 tỷ đồng, tăng 3.550 tỷ đồng so năm 2014; lãi suất giảm 0,5% - 2%. Cụ thể: gói dành cho DN Chương trình vay vốn lưu động ngắn hạn 12 tháng là 6.100 tỷ đồng, lãi suất 5% - 6%/năm (giảm 1% - 2% so năm 2014); gói dành cho DN ngoài Chương trình tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất hàng bình ổn thị trường vay ngắn hạn 12 tháng là 2.750 tỷ đồng, lãi suất 6,5% - 8,5%/năm (giảm 0,5% - 1% so năm 2014); gói cho DN trong chương trình vay trung và dài hạn để đầu tư cơ sở vật chất, chuồng trại, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối là 2.100 tỷ đồng, lãi suất 7% - 10%/năm (giảm 1% so năm 2014); gói tín dụng hỗ trợ DN bình ổn thị trường đẩy mạnh xuất khẩu (gói bổ sung mới) có hạn mức 900 tỷ đồng, lãi suất 2% - 4%/năm.
Ngoài triển khai 4 gói tín dụng: Chương trình vay vốn lưu động ngắn hạn 12 tháng; Chương trình tham gia chuỗi cung ứng hàng hóa, nguyên liệu sản xuất hàng bình ổn thị trường vay ngắn hạn 12 tháng; Chương trình vay trung và dài hạn để đầu tư cơ sở vật chất, chuồng trại, sản xuất, đổi mới công nghệ, phát triển hệ thống phân phối; hỗ trợ DN bình ổn thị trường đẩy mạnh xuất khẩu thì Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đăng ký gói tín dụng 1.500 tỷ đồng hỗ trợ tiểu thương chợ truyền thống.
Đa dạng sản phẩm
Không chỉ đa dạng các hình thức hỗ trợ vốn, Chương trình BOTT 2015-2016 cũng mở rộng và đa dạng hóa các mặt hàng. Hàng hóa trong chương trình đã được bổ sung thêm chủng loại. Cụ thể, Chương trình lương thực, thực phẩm ngoài tiếp tục thực hiện bình ổn thị trường 9 nhóm mặt hàng: lương thực, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản thì năm nay bổ sung thêm gà pha lóc, bún tươi, bánh phở tươi, hủ tiếu tươi, cà chua cô đặc, nha đam, chuối laba…
|
Chương trình mùa khai giảng năm nay tổng cộng có 498 mẫu sản phẩm, tăng 61 sản phẩm so với năm 2014, trong đó bổ sung thêm nhãn hiệu tập vở Thuận Tiến, giày Ananas. Chương trình sữa: tiếp tục thực hiện 6 nhóm hàng sữa thiết yếu, gồm: sữa bột dành cho trẻ em; sữa bột dành cho người cao tuổi, người bệnh; sữa bột dành cho bà mẹ mang thai; sữa bột dành cho người gầy, giảm cân; sữa bột dinh dưỡng dành cho gia đình; sữa nước dinh dưỡng bổ sung vi chất; tổng cộng có 82 mẫu sản phẩm, tăng 12 mẫu so năm 2014. Chương trình dược phẩm: tiếp tục thực hiện 21 nhóm thuốc với 170 hoạt chất (tăng 20 hoạt chất so năm 2014), hơn 500 mặt hàng dùng để điều trị các bệnh thường gặp ở nhiều người, các bệnh mãn tính, có nhu cầu sử dụng nhiều bao gồm các thuốc giảm đau - hạ sốt, chống dị ứng, trị tiêu chảy, trị bệnh đau dạ dày, trị ho - hen phế quản, thuốc tim mạch, trị tiểu đường, thuốc kháng sinh, kháng viêm…
Lượng hàng phân bổ cho DN thực hiện bình ổn thị trường năm 2015 - 2016 dựa trên kết quả thực hiện năm 2014 - 2015, sự thay đổi trong tập quán, thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân thành phố và dựa trên kế hoạch sản xuất, tạo nguồn hàng, lượng hàng đăng ký của doanh nghiệp. Cụ thể: Các mặt hàng lương thực, thực phẩm: lượng hàng bình ổn thị trường chiếm khoảng 25% - 30% nhu cầu thị trường các tháng thường, chiếm 30% - 40% nhu cầu thị trường các tháng tết; tăng bình quân 30% - 35% so kết quả thực hiện năm 2014. Các mặt hàng Chương trình mùa khai trường: lượng hàng bình ổn thị trường chiếm 35% - 40% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố và tăng bình quân 15% - 20% so kết quả thực hiện năm 2014. Các mặt hàng sữa: tổng lượng hàng hóa tham gia thực hiện chương trình năm 2015 - 2016 là 3.978,24 tấn/năm (331,52 tấn/tháng), tăng 10,4% so kết quả thực hiện năm 2014 - 2015. Các mặt hàng dược phẩm: lượng hàng hóa thực hiện chiếm 50% thị phần của các nhóm thuốc thiết yếu người dân thành phố sử dụng trong năm 2014.
Hỗ trợ các tỉnh, thành thực hiện bình ổn
Thực hiện Chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM và các tỉnh, thành Đông Tây Nam bộ, các năm vừa qua Sở Công thương đã triển khai sâu rộng nhiều nội dung quan trọng như: kết nối cung - cầu, hỗ trợ đào tạo, trao đổi thông tin thị trường, trao đổi kinh nghiệm quản lý nhà nước… Năm 2015, Sở Công thương tiếp tục mở rộng nội dung hợp tác, trong đó trọng tâm là khuyến khích DN trong Chương trình tham gia thực hiện Chương trình bình ổn thị trường các địa phương thông qua đơn vị phân phối lớn của thành phố là Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đối với Chương trình lương thực thực phẩm và Công ty CP Phát hành sách thành phố (Fahasa) đối với Chương trình mùa khai giảng.
Theo đề nghị của các địa phương, trước mắt trong năm 2015 các DN sẽ tham gia thực hiện với 6 tỉnh, thành: Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Cà Mau, Đồng Nai, Lâm Đồng.
Bên cạnh việc hỗ trợ các địa phương thực hiện bình ổn, chương trình năm nay TP sẽ triển khai việc hỗ trợ DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Thông qua Chương trình bình ổn thị trường, các DN đã đầu tư cơ sở vật chất, nhà máy, cải tiến công nghệ hiện đại… hiện các sản phẩm trong chương trình đủ tiêu chuẩn, đủ sản lượng để xuất khẩu. Do đó, năm 2015, chương trình sẽ hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, triển khai các nội dung như các hệ thống phân phối trong chương trình như Saigon Co.op, Lotte, BigC… làm đầu mối tiếp nhận hàng hóa bình ổn thị trường để xuất khẩu; Các ngân hàng đăng ký gói tín dụng ưu đãi để cấp vốn các doanh nghiệp thực hiện xuất khẩu. Đồng thời, TP tiếp tục hỗ trợ các DN đầu tư, tiêu chuẩn hóa các sản phẩm bình ổn thị trường để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu. Đây cũng là những điểm mới của chương trình bình ổn.
| |
HẠNH NHUNG - HẢI HÀ
Ngày hội tuyên dương những đơn vị xuất sắc
Vừa qua, tại Hội nghị sơ kết Chương trình bình ổn thị trường năm 2014 - Tết Ất Mùi 2015 và triển khai kế hoạch thực hiện chương trình năm 2015 - Tết Bính Thân năm 2016 ở TPHCM do Sở Công thương TPHCM tổ chức, Bộ Công thương đã trao các phần thưởng cho các cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc. Báo SGGP ghi nhận một số hoạt động trong hội nghị sơ kết.
Hiện tại TPHCM số điểm bán hàng bình ổn thị trường đã có gần 9.000 điểm, nguồn vốn thực hiện 8.300 tỷ đồng, 76 doanh nghiệp tham gia chương trình tạo ra nguồn hàng hóa dồi dào với giá cả ổn định dẫn dắt giá thị trường.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh trao cờ thi đua cho các đơn vị thực hiện xuất sắc Chương trình bình ổn thị trường 2014.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng trao bằng khen cho các đơn vị
Các tập thể nhận bằng khen
CAO THĂNG