Chương trình cho thiếu nhi - Ngoại lấn lướt nội

Chương trình cho thiếu nhi - Ngoại lấn lướt nội

Trong khi các sân khấu kịch coi mùa hè là “mùa vàng” với nhiều chương trình nghệ thuật, tạp kỹ, xiếc, kịch… dành cho thiếu nhi thì trên truyền hình cũng như các rạp chiếu bóng, phim Việt dành cho trẻ em dường như vắng bóng. Nơi đây từ lâu đã trở thành sân chơi độc diễn của các bộ phim hoạt hình 2D, 3D, các tác phẩm bom tấn của nước ngoài.

        Thiếu nhi vẫn dài cổ chờ phim Việt

Bức tranh ảm đạm của dòng phim truyền hình thiếu nhi Việt Nam ai cũng thật dễ dàng nhận thấy. Mùa hè nào cũng vậy, nếu không phải là phát đi, phát lại những bộ phim cũ rích của nhiều năm trước như Đất phương Nam, Đội đặc nhiệm nhà C21… thì khán giả nhỏ tuổi gần như không có lựa chọn nào khác ngoài các bộ phim nước ngoài. Tình trạng khan hiếm các bộ phim trong nước dành cho thiếu nhi vẫn tồn tại dai dẳng như một điệp khúc buồn. Năm nay cũng vậy, trên lĩnh vực truyền hình chỉ mới ghi nhận sự ra mắt Dòng sông thương nhớ - phim hiếm hoi dành cho thiếu nhi trong dịp hè này (do TFS sản xuất, được biên tập bởi đạo diễn Nguyễn Mỹ Khanh - từng rất thành công với phim dành cho thiếu nhi Xóm cào cào), với câu chuyện hé mở thế giới tuổi thơ ở nông thôn ngập tràn cảm xúc. Còn các nhà sản xuất phim truyền hình khác dường như chưa có một kế hoạch cụ thể nào dành cho phim thiếu nhi.

Một tiết mục trong chương trình Bước nhảy hoàn vũ nhí.

Một tiết mục trong chương trình Bước nhảy hoàn vũ nhí.

Lý giải về sự thiếu vắng của dòng phim này, đạo diễn Đỗ Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm sản xuất phim Đài Truyền hình Việt Nam (VFC) đã chia sẻ rằng số lượng phim dành cho thiếu nhi chưa nhiều, bởi để làm được những bộ phim cho đối tượng này đòi hỏi sự đầu tư lâu dài và phải biết chấp nhận những thách thức từ yếu tố khách quan. Chẳng hạn: số lượng diễn viên nhí ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực phía Bắc không nhiều. Hơn nữa, các em vẫn phải tập trung chủ yếu vào việc học tập ở trường nên khó có thể tham gia những dự án phim dài tập với thời gian quay kéo dài vài tháng liên tục. Như đoàn làm phim Dòng sông thương nhớ chẳng hạn, các phụ huynh của diễn viên nhí đã phải rong ruổi với đoàn phim các tỉnh miền Tây suốt 3 tháng hè năm ngoái.

Bên cạnh đó, nhiều lý do khác khiến các nhà làm phim không mặn mà với lứa tuổi thiếu nhi chính là dòng phim này ít khi nhận được đặt hàng, lại không có cơ hội ra rạp chiếu, kịch bản dành cho thiếu nhi ít, yếu… So với thế giới, công nghệ làm phim của ta đã cũ cả về hình thức và nội dung. Những nhà làm phim Việt Nam lại hay đi vào lối mòn cũ, cố gắng chuyển tải những thông điệp giáo dục một cách cứng nhắc vào các tình tiết, cảnh huống phim. Do đó khả năng xuất xưởng của những bộ phim thiếu nhi Việt Nam đã kém lại càng thêm yếu trước sự cạnh tranh áp đảo của phim thiếu nhi nước ngoài. Nếu có nhà sản xuất nào mạo hiểm bước chân vào lãnh địa vốn được coi là màu mỡ nhưng vô cùng khó tính này đều ít thành công trong việc thu hồi nguồn vốn.

Khó khăn này không chỉ đối với phim truyền hình mà ngay cả phim hoạt hình, thể loại được coi là đặc thù riêng của trẻ em, tình trạng cũng không khá khẩm hơn là bao. Phim hoạt hình Việt dành cho thiếu nhi không chỉ thiếu về số lượng mà chất lượng cũng không thể đưa ra so sánh. Rất nhiều ông bố, bà mẹ muốn cho con em mình xem phim hoạt hình Việt Nam để qua đó giúp các em hiểu về ngôn ngữ, lịch sử, phong tục tập quán, truyền thống con người Việt Nam nhưng mong muốn đó cũng không dễ thực hiện. Vì thế cũng dễ hiểu khi giải pháp đưa ra trong thời điểm cầu thì cao mà cung thì ít này vẫn là trình chiếu phim thiếu nhi nước ngoài. Theo đó, cùng việc ra mắt nhiều phim hoạt hình bom tấn tại hàng loạt các rạp trên cả nước thì Trung tâm Chiếu phim Quốc gia cũng không có lựa chọn nào khác khi đưa ra một chương trình phim Hè dành cho thiếu nhi với 7 bộ phim hoạt hình nổi tiếng thế giới Cơn mưa thịt viên 2, Câu chuyện Lego, Nữ hoàng băng giá, Dạo bước cùng khủng long, Phi vụ hạt dẻ, Cuộc phiêu lưu của Peabopdy và Sherman và Rio 2.

        Chương trình truyền hình cho thiếu nhi: mỏ vàng cho nhà sản xuất

Trong khi các nhà làm phim trong nước đang quay lưng lại với khán giả nhí thì 3 tháng hè của trẻ em là mùa vàng để các chương trình truyền hình thực tế nhắm vào. Ngoài các chương trình đã bắt đầu rơi vào sự nhàm chán như Con đã lớn khôn, Ước mơ của em, Chung sức nhí phát sóng rầm rộ trên các kênh truyền hình trung ương và địa phương trong nhiều năm nay thì mùa hè 2014, có hàng loạt các chương trình mới. Bên cạnh chương trình Bước nhảy hoàn vũ phiên bản nhí chuẩn bị lên sóng vào đầu tháng 6 tới thì gameshow Thử thách cùng bước nhảy - So you think you can dance dành cho trẻ em Giọng hát Việt nhí, Đồ rê mí đôi… cũng rậm rịch bước vào giai đoạn cao điểm.

Thực ra việc cho con trẻ tham gia vào các hoạt động vui chơi giải trí vào mùa hè sau một năm học căng thẳng là việc rất nên khuyến khích, tuy nhiên, trách nhiệm của các bậc phụ huynh khá nặng nề khi họ phải biết chọn lựa để tìm một môi trường tốt cho con cái mình. Song hầu như không có chương trình nào kết thúc trọn vẹn trong 3 tháng hè mà vì lịch phát sóng thường phải kéo dài ra đến 6, 7 tháng thậm chí hơn. Các thí sinh nhí đang trong độ tuổi học sinh cấp 1, cấp 2, lịch học, lịch thi của các em chắc chắn bị xáo trộn, tâm lý bị ảnh hưởng khi phải dành hết mọi tâm trí và sức lực cho việc tham gia thi thố, chắc chắn việc học sẽ bị giảm sút đáng kể. Song điều đáng lo ngại hơn cả là tính giải trí trong các trò chơi đã bị lấn lướt và các em nhỏ đã bị cuốn vào cuộc ăn thua, được mất của người lớn. Trong nhiều chương trình, người xem không còn thấy được sự vui sướng, ngây thơ, thái độ tự tin và đầy mơ ước của các em nhỏ mà thay vào đó là rất nhiều nước mắt của cả các em và gia đình mình.

Chuyên gia tâm lý Nguyễn Thị Mai cho biết: “Nổi tiếng sớm là một lợi thế, nhưng cùng với đó, khi còn đang ở tuổi vị thành niên, các thí sinh nhí sẽ sớm phải đối mặt với những mặt trái của sự nổi tiếng không hề dễ chịu và có khả năng sẽ bị ảnh hưởng đến phát triển tâm lý. Đó là những thực tế mà các bậc phụ huynh nên cân nhắc kỹ khi quyết định cho con mình tham dự một cuộc thi truyền hình thực tế”.

Việc các nhà đài tập trung vào đối tượng thiếu nhi với mong muốn mang đến cho các em thêm những sân chơi bổ ích là điều tốt, nhưng việc phát triển ồ ạt các chương trình truyền hình thực tế như vậy khiến nhiều người không khỏi lo ngại. Liệu nhà sản xuất có bất chấp, lợi dụng các em nhỏ để làm “mồi” kiếm tiền cho mình?

MAI AN

Tin cùng chuyên mục