Chương trình "đinh" của Festival Huế chưa ngã ngũ về tên gọi

Đơn vị đăng cai tổ chức Festival Huế 2016 dù đã thông báo với Ban Tổ chức (BTC) về tên gọi dự kiến cho chương trình trình diễn áo dài là “Rực rỡ kinh kỳ”. Song đến thời điểm này, tên gọi cụ thể cho chương trình này vẫn đang trong quá trình đàm phán.
Chương trình "đinh" của Festival Huế chưa ngã ngũ về tên gọi

(SGGPO).- Đơn vị đăng cai tổ chức Festival Huế 2016 dù đã thông báo với Ban Tổ chức (BTC) về tên gọi dự kiến cho chương trình trình diễn áo dài là “Rực rỡ kinh kỳ”. Song đến thời điểm này, tên gọi cụ thể cho chương trình này vẫn đang trong quá trình đàm phán.

Sáng nay 29-3, ông Chế Công Chung, Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết, trình diễn áo dài được xem là chương trình “đinh” trong khuôn khổ Festival Huế 2016, chủ đề “710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế _ Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.

Về thông tin BTC Festival Huế sử dụng tên gọi “Rực rỡ Kinh kỳ” cho chương trình áo dài dự kiến tổ chức trong khuôn khổ Festival Huế 2016 khi chưa được sự đồng ý từ phía đối tác, ông Chung khẳng định: Đây là một trong những chương trình nghệ thuật được thực hiện theo hình thức xã hội hóa tại kỳ Festival Huế lần này, đơn vị đăng cai tổ chức đã thông báo với BTC về tên gọi dự kiến cho chương trình này là “Rực rỡ kinh kỳ”. Song đến thời điểm này, tên gọi cụ thể cho chương trình này như thế nào thì vẫn đang trong quá trình đàm phán. Thông tin chính thức về chương trình áo dài sẽ được công bố ngay khi các nội dung liên quan được BTC Festival Huế 2016 và các đối tác thỏa thuận, thống nhất xong.

Các người mẫu biểu diễn trang phục áo dài tại Festival Huế

Ông Chế Công Chung cũng cho biết, đến thời điểm này, Festival Huế 2016 đã “lên khuôn” với thời gian diễn ra từ 29-4 đến 4-5. Ngoài các chương trình trọng tâm còn có 46 hoạt động văn hóa, nghệ thuật hưởng ứng; 18 quốc gia tham gia với 22 đoàn nghệ thuật quốc tế và 12 đoàn nghệ thuật trong nước biểu diễn.

Đặc biệt, Festival Huế 2016 tiếp tục quy tụ các đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia ở cả 5 châu lục, như: Pháp, Bỉ, Nga, Anh, Đan Mạch, Ba Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel, Sri Lanka, Australia, Hoa Kỳ, Mexico, Colombia...

Những chương trình nghệ thuật trọng tâm được khẳng định, gồm: Đêm khai mạc, bế mạc; Lễ Tế giao; Đêm Hoàng cung; Giới thiệu tinh hoa nghệ thuật truyền thống Huế; Lễ nhạc và múa Phật giáo; Lễ hội đường phố “Di sản và sắc màu văn hóa” các nước Đông Á - Mỹ Latinh; chương trình nghệ thuật quảng diễn đường phố L’Homme Debout Vùng Poitou-Charentes, Pháp; Chương  trình  Âm nhạc  Trịnh  Công  Sơn; Chương trình áo dài; Chương trình nghệ thuật bế mạc.

Lễ hội đường phố Di sản và sắc màu văn hóa các nước Đông Á - Mỹ Latinh sẽ được trình diễn phục vụ người dân và du khách tại Festival Huế 2016

Ông Chế Công Chung, Giám đốc Trung tâm Festival Huế cho biết thêm: “Để có được nguồn kinh phí 29,48 tỷ đồng, BTC Festival Huế 2016 đã làm việc với 20 đối tác ở Hà Nội, TPHCM và 30 đơn vị trong tỉnh để kêu gọi tài trợ".

Lầu đầu tiên Trung tâm Festival Huế phối hợp với Trung tâm Công nghệ thông tin tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trường Cao đẳng Công nghiệp và Công ty GOSU cơ bản hoàn chỉnh việc xây dựng ứng dụng Festival Huế trên thiết bị di động.

Ứng dụng Festival Huế trên thiết bị di động

Đây là công cụ tra cứu mọi hoạt động (chương trình, nghệ sĩ, vé và điểm bán vé, chỉ đường, lập kế hoạch cá nhân…) và các thông tin liên quan (vận chuyển, lưu trú, ẩm thực, tham quan, mua sắm…) của Festival Huế trên điện thoại, máy tính bảng bằng 2 ngôn ngữ Việt và Anh, với đầy đủ phiên bản cho các hệ điều hành phổ biến (iOS, Android, Window Phone).

Song song với đó, Trung tâm Festival Huế còn phối hợp với Công ty Insight (Hà Nội) xây dựng đề án lắp đặt hệ thống 18 trạm phát wifi miễn phí tốc độ cao theo hình thức xã hội hóa tại các khu vực sân khấu, điểm diễn chính phục vụ khán giả. Dự kiến sẽ đưa vào vận hành trước Festival Huế 2016 khoảng nửa tháng.

VĂN THẮNG

Tin cùng chuyên mục