Chương trình kích cầu tiêu dùng 2020: Đặc sản “cháy hàng”, thêm nhiều hợp đồng mới

Chương trình kích cầu tiêu dùng 2020 do Sở Công thương TPHCM thực hiện từ ngày 2-7 đến 5-7 (tại số 19 đường Đào Trinh Nhất, phường Linh Tây, quận Thủ Đức) đã khép lại. Tuy chưa có những con số thống kê chính thức kết quả nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) khá hài lòng về chương trình. Đây là nền tảng để TPHCM tiếp tục thực hiện Chương trình kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TPHCM và các tỉnh thành vào tháng 9-2020 sắp tới.
Khu gian hàng tỉnh Đồng Tháp trong Chương trình kích cầu tiêu dùng. Ảnh: CAO THĂNG
Khu gian hàng tỉnh Đồng Tháp trong Chương trình kích cầu tiêu dùng. Ảnh: CAO THĂNG

Giới thiệu đặc sản đến từ nhiều vùng, miền

Chương trình kích cầu tiêu dùng 2020 được xem là chương trình xúc tiến thuơng mại có quy mô lớn nhất kể từ trước đến nay. Với số lượng tham gia lên tới gần 500 DN, trưng bày và giới thiệu hàng ngàn sản phẩm tại 650 gian hàng, trong đó chủ yếu là hàng nông sản, đặc sản, hàng công nghệ phẩm, sản phẩm công nghiệp có thế mạnh của 29 tỉnh thành cả nước, đã tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng thành phố. Với các DN, đây là cơ hội vàng để đưa sản phẩm tiếp cận trực tiếp với người tiêu dùng, đồng thời tìm kiếm thêm các đối tác tiêu thụ mới, tạo ổn định cho sản xuất kinh doanh.

Cô Minh Tuệ, chủ một nhà hàng bún bò nổi tiếng ở quận Thủ Đức, cho biết, lâu lắm rồi gia đình cô được đi tham quan và mua sắm trong một không gian rộng lớn, với vô số mặt hàng đặc sản đến từ các vùng, miền cả nước. Tại đây, cô đã mua được tôm đất Cà Mau, mắm cá linh, cá sỉu, khô cá dứa Cần Giờ, bơ sáp Đắk Nông, tiêu sọ Chư Sê, sầu riêng Bến Tre, cùng nhiều sản phẩm quần áo, giày dép, đồ điện máy,… giá bán rất ưu đãi.

Tương tự, chị Thanh Hà, ngụ tại chung cư đường Phạm Văn Đồng, cho hay, ngay trong tối khai mạc Chương trình kích cầu, nhiều gia đình đã rủ nhau đi tham quan, giải trí nhưng vì hàng hóa bán tại đây rất đa dạng, phong phú, khi mua hàng còn được tham gia các chương trình bốc thăm trúng thưởng có giá trị lớn nên khi ra về ai cũng “tay xách nách mang”.

Anh Huỳnh Dương Hào, chủ cơ sở tôm khô Thanh Trang (Bạc Liêu), cho biết, ngay trong ngày đầu khai mạc đã bán hơn 60kg tôm, cá khô các loại và phải nhập thêm hàng lên để bán vào những ngày cuối tuần. Sức mua vượt xa so với kỳ vọng ban đầu của anh.

Ở nhóm các mặt hàng đặc sản trái cây cũng được người tiêu dùng thành phố lùng mua, khiến nhiều điểm bán bị “cháy” hàng ngay trong ngày khai mạc. Bà Nguyễn Thị Thinh, Tổ trưởng tổ hợp tác sầu riêng phụ nữ xã Tân Phú (tỉnh Bến Tre), cho biết, do đường xa nên tổ hợp tác chỉ mang lên 200kg sầu riêng tham gia hội chợ để giới thiệu với các DN phân phối, người tiêu dùng TPHCM, với mong muốn kết nối được các hệ thống phân phối để ổn định sản xuất và giá cả, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản của tỉnh. Vì số lượng không nhiều nên ngay trong ngày khai mạc, bà Thinh đã bán gần hết và để lại một số ít làm hàng trưng bày.

"Bộ Công thương đánh giá cao việc TPHCM tổ chức Chương trình kích cầu tiêu dùng 2020. Chính phủ yêu cầu cần thúc đẩy phát triển thị trường nội địa, có biện pháp kích cầu, đẩy mạnh tiêu dùng để tháo gỡ khó khăn về đầu ra sản phẩm cho doanh nghiệp. Do vậy, Chương trình kích cầu tiêu dùng 2020 do UBND TPHCM phối hợp với các tỉnh thành tổ chức là một trong những giải pháp để triển khai hiệu quả các mục tiêu nêu trên của Chính phủ" - Thứ trưởng Bộ Công thương ĐỖ THẮNG HẢI

Gia tăng cơ hội kết nối cung - cầu cho DN

Chị Lâm Thị Thanh, đại diện cơ sở đặc sản Lâm Thanh (Tây Ninh), cho biết, các sản phẩm mới như bánh phồng tôm hàu, thịt heo ướp gia vị, ướp mật ong, há cảo thanh long, tỏi Tây Ninh… cũng được người dùng chọn mua nhiều nhất, doanh thu vượt kỳ vọng với khoảng 30 triệu đồng trong hai ngày đầu tham dự. Theo đó, chị Thanh cũng đã tiếp xúc, đưa sản phẩm giới thiệu trực tiếp với các nhà phân phối trong chương trình. Tại đây, các đối tác đặt vấn đề nhập hàng, nếu cơ sở đáp ứng tốt yêu cầu, một số hệ thống siêu thị sẽ mua hàng với số lượng lượng lớn.

“Trên thực tế, việc bán hàng lần này chỉ là trước mắt, cũng là thăm dò thị hiếu người tiêu dùng. Điều quan trọng là đơn vị cần cơ hội hợp tác với các đối tác về lâu dài và đây là điểm cộng lớn nhất mà Chương trình kích cầu tiêu dùng đã mang lại”, chị Thanh nói.

Điểm đáng lưu ý, trong Chương trình kích cầu 2020, nhiều tỉnh thành đã đầu tư rất lớn cho khu vực trưng bày các sản phẩm chủ lực của mình. Nếu như đơn vị chủ nhà TPHCM giới thiệu nhiều mặt hàng là sản phẩm công nghiệp chủ lực, hàng tiêu dùng, hàng nông sản thực phẩm, hàng may mặc… thì tại gian hàng của các tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, Đồng Tháp, Bến Tre, Bình Thuận, Lâm Đồng… cũng trưng bày đầy ắp những sản phẩm chủ lực, hàng đặc sản để giới thiệu đến khách hàng và đối tác thành phố.

Chẳng hạn, tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức khu vực với 33 gian hàng, trong đó có 6 gian hàng ẩm thực của Làng bột Sa Đéc, 2 gian hàng múa nghệ thuật, 4 gian giới thiệu hàng đặc sản trong Chương trình OCOP và 21 gian bố trí cho khoảng 50 DN của tỉnh trưng bày các mặt hàng khác. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho hay, địa phương đã đưa 39 mặt hàng chủ lực là gạo thơm, trà, thực phẩm chế biến… để giới thiệu với các đối tác và người dân thành phố. Đây cũng là cách để Cần Thơ gia tăng hoạt động xúc tiến, hỗ trợ DN phát triển sản xuất, kinh doanh sau dịch, đồng thời tìm kiếm các đối tác chuẩn bị cho mùa sản xuất cuối năm.

Theo thông tin từ ông Võ Tiến Thành, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại - du lịch và đầu tư tỉnh Đồng Tháp, trong 50 DN của địa phương tham gia kích cầu dịp này, có 10 DN ký kết được biên bản ghi nhớ với các hệ thống phân phối hiện đại. Sau kết nối ban đầu, hai bên sẽ tiếp tục làm việc để đảm bảo các tiêu chuẩn hàng hóa đưa vào siêu thị. Đồng Tháp cũng là địa phương đầu tiên làm việc với Công ty An Khang Land - đơn vị cho mượn mặt bằng tổ chức Chương trình kích cầu tiêu dùng 2020 - để tiếp tục mở một gian hàng riêng trưng bày sản phẩm, đặc sản của các DN Đồng Tháp, giới thiệu các mặt hàng chế biến sẵn từ sen đến người tiêu dùng thành phố.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, là trung tâm kinh tế của khu vực phía Nam, hàng hóa từ các địa phương đổ về TPHCM không chỉ phục vụ người tiêu dùng thành phố mà còn được đưa đi khắp cả nước, trong đó có các tỉnh miền Trung và phía Bắc. Các hoạt động kết nối còn là cơ hội để DN phát triển thêm hệ thống đại lý phân phối, tạo điều kiện tái sản xuất sau những ngày chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.

Tin cùng chuyên mục