Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP - Tổ chức hành trình Trở lại chiến trường xưa

(SGGP).- Nhân kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 – 19-5-2012), từ ngày 10 đến 13-5-2012, Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn - Báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ tổ chức cuộc gặp mặt với chủ đề “Trở lại chiến trường xưa” dành cho 40 cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… từng tham gia lãnh đạo, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn năm xưa.
Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP - Tổ chức hành trình Trở lại chiến trường xưa
  • 8 vị tướng và hơn 30 cựu chiến binh Trường Sơn tham gia

(SGGP).- Nhân kỷ niệm 53 năm Ngày thành lập Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn (19-5-1959 – 19-5-2012), từ ngày 10 đến 13-5-2012, Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn - Báo Sài Gòn Giải Phóng sẽ tổ chức cuộc gặp mặt với chủ đề “Trở lại chiến trường xưa” dành cho 40 cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến… từng tham gia lãnh đạo, chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên chiến trường Trường Sơn năm xưa.

Trong đó có 6 tướng lĩnh đã từng giữ các trọng trách của Bộ đội Trường Sơn là: Thiếu tướng Phan Khắc Hy, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn; Thiếu tướng Võ Sở, nguyên Chính ủy Sư đoàn 471, nguyên Phó Chủ nhiệm Chính trị BTL Trường Sơn; Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Cán bộ Tiểu đoàn 52 ô tô, Chính trị viên Tiểu đoàn vận chuyển đường thủy 166, Chính ủy Trung đoàn 515 Công binh Trường Sơn…

Đoàn còn có sự góp mặt của Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Viết Sinh, người vừa được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam trao bằng kỷ lục gia về thành tích đã đi bộ gùi hàng với chiều dài bằng một vòng trái đất và nhiều họa sĩ, ca sĩ đoàn văn công, nhà văn, nhà thơ… với nhiều kỷ niệm đáng nhớ trên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại.

Đặc biệt, tham gia cuộc hành trình “Trở lại chiến trường xưa” còn có Trung tướng Trần Hoa, Thiếu tướng Trương Văn Thanh, nguyên Tư lệnh và Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng - lực lượng kế tục xứng đáng Bộ đội Trường Sơn bảo vệ gìn giữ Trường Sơn nói riêng cũng như toàn tuyến biên giới quốc gia nói chung.

Lễ khởi công xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ tại bến phà Long Đại (Quảng Bình) tháng 7-2011. Ảnh: Việt Nga

Lễ khởi công xây dựng đài tưởng niệm liệt sĩ tại bến phà Long Đại (Quảng Bình) tháng 7-2011. Ảnh: Việt Nga

Chuyến đi này xuất phát từ tâm nguyện của nhiều cựu chiến binh Trường Sơn mong muốn có một lần cùng nhau về lại chiến trường, ôn lại những kỷ niệm của một thời tuổi trẻ, khó khăn mà oanh liệt, kề vai sát cánh cùng nhau chiến đấu và cũng là dịp để thắp nén nhang cho những đồng đội đã hy sinh.  

Theo hành trình dự kiến, đoàn sẽ đến dâng hương Nghĩa trang Trường Sơn, thăm hơn một vạn đồng đội đã hy sinh trên chiến trường Trường Sơn; dâng hương Đài tưởng niệm ở Thành cổ Quảng Trị, thăm dòng sông rực lửa Thạch Hãn. Sau đó sẽ về thăm một số địa danh không thể nào quên của chiến sĩ Trường Sơn. Đó là Làng Ho - Quảng Bình, điểm tập kết đầu tiên của đơn vị “soi đường lập tuyến” - tiền thân của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn sau này.

Làng Ho hiện có công trình Bản Văn hóa - di tích lịch sử Trường Sơn kiểu mẫu do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn thực hiện từ nguồn tài trợ của Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn; thăm đường 20 Quyết Thắng, con đường “rọc ngang” Trường Sơn, tuyến đường trọng điểm khốc liệt nhất của chiến trường Trường Sơn suốt thời kỳ 1966 - 1972. Tìm về Khe Ve, nơi đặt Sở Chỉ huy của Đoàn 559 (1965), theo đường 12 qua Bãi Dinh, vượt Cổng Trời lên Cha Lo, tuyến đường vận chuyển cơ giới đầu tiên chi viện cho chiến trường miền Nam. Qua biên giới Cha Lo theo đường 12 sang đất bạn Lào, huyện Lằng Khằng - tỉnh Khăm Muộn, rẽ theo đường 129 ra đường số 9 thăm ngầm Sương Phan, nơi Anh hùng Nguyễn Viết Xuân với khẩu hiệu nổi tiếng “nhằm thẳng quân thù mà bắn” để bảo vệ các đoàn xe Nam tiến.

Đoàn sẽ có 2 đêm ngủ tại Làng Ho và Cha Lo, giao lưu văn nghệ với những chiến sĩ biên phòng và bà con dân tộc địa phương. Đặc biệt ban tổ chức cũng đã chuẩn bị các phương tiện để các cựu chiến binh có thể ngủ trên những cánh võng giữa Trường Sơn đại ngàn.

Đồng hành với Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo Sài Gòn Giải Phóng trong chuyến hành trình này là Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình, Tỉnh Đoàn Quảng Bình, Vietcombank Quảng Bình và Trung tâm Bảo tồn Di tích và danh thắng tỉnh Quảng Trị. Toàn bộ kinh phí tổ chức chuyến đi do các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm: Công ty CP Truyền thông và dịch vụ viễn thông Hadny, Công ty CP Cơ khí Đại Dũng, Thượng tọa Thích Thanh Phong và các phật tử chùa Vĩnh Nghiêm... tài trợ trực tiếp.

Sáng hôm nay, 10-5, hai đoàn cựu chiến binh xuất phát từ Hà Nội và TPHCM đã lên đường bắt đầu hành trình. Chiều 10-5, đoàn sẽ “hội quân” tại Đồng Hới (Quảng Bình).

NTTS

Tin cùng chuyên mục