Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn - Nối dài truyền thống Trường Sơn huyền thoại

“Ba cùng” với chiến sĩ Trường Sơn

Ngày 6-4, tại Hà Nội, Ban tổ chức chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP cùng Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã có cuộc họp bàn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công việc giai đoạn 2 và chuẩn bị triển khai nhiều hoạt động góp phần “Đưa Trường Sơn về với thành phố, đưa biên phòng vào lòng dân”.

“Ba cùng” với chiến sĩ Trường Sơn

Bên cạnh việc ghi nhận sự nỗ lực của các bên trong việc xác định danh sách nhằm triển khai xây dựng 600 căn nhà tình nghĩa dành tặng các đối tượng là cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong (TNXP) Trường Sơn gặp khó khăn, hộ đồng bào nghèo đang sinh sống tại các bản làng dọc tuyến đường Trường Sơn; xây dựng các trạm xá, công trình cầu, đường, giếng nước sạch phục vụ đời sống sinh hoạt tại một số tuyến điểm dân cư, các thành viên cũng đã có nhiều ý kiến thiết thực trong việc triển khai nhiều chương trình hoạt động xã hội ghi dấu ấn về Trường Sơn huyền thoại.

Gần 40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thế hệ làm nên huyền thoại Trường Sơn cũng như những chứng tích của chiến trường Trường Sơn huyền thoại đang dần bị mai một. Trong khi đó, thế hệ trẻ ngày nay ít hiểu biết về Trường Sơn và ít cơ hội được trải nghiệm cuộc sống nơi chiến trường xưa huyền thoại. Vì thế, để thông điệp “Không được lãng quên Trường Sơn” tiếp tục được lan tỏa, ban tổ chức đã đề xuất xây dựng chương trình Học kỳ bộ đội Trường Sơn, du lịch khám phá Trường Sơn huyền thoại và biên soạn cuốn sách Bản đồ di tích lịch sử, thắng cảnh thiên nhiên, phong tục tập quán độc đáo của các dân tộc Trường Sơn và biên giới Việt Nam.

Theo đó, chương trình Học kỳ bộ đội Trường Sơn sẽ hướng tới các đối tượng là học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn quốc. Tại học kỳ đặc biệt tại các đồn biên phòng dọc đường biên, các em sẽ được tìm hiểu cuộc sống của người lính Trường Sơn năm xưa và hơn thế là được rèn luyện kỹ năng sống, học hỏi ý chí, tinh thần và ý thức trách nhiệm của các bạn trẻ với chính bản thân, gia đình và Tổ quốc.

Bày tỏ sự ủng hộ hoạt động đầy ý nghĩa này, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn cho rằng việc các em được cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt chung với các chiến sĩ bộ đội biên phòng đóng quân trên dọc tuyến biên giới, nơi có đường Hồ Chí Minh đi qua là cách học lịch sử hữu ích và thú vị.

Đồng tình với hoạt động này, Thiếu tướng Vũ Hiệp Bình, Chủ nhiệm chính trị Bộ đội Biên phòng cho biết mặc dù cơ sở vật chất tại một số đồn biên phòng có thể chưa thích hợp cho việc ăn, nghỉ của các em nhưng các đơn vị sẽ nỗ lực giúp đỡ thực hiện thành công kỳ học ngoại khóa nhiều ý nghĩa này.

Khám phá tài nguyên vùng “phên dậu” Tổ quốc

Đề án xây dựng tuyến du lịch khám phá Trường Sơn huyền thoại đáp ứng mong muốn, nguyện vọng của người dân tìm hiểu, khám phá danh lam thắng cảnh, những di tích lịch sử gắn liền với Trường Sơn, với vùng biên cương của Tổ quốc cũng nhận được nhiều ý kiến đồng tình. Để tăng tính khả thi, chương trình sẽ kết hợp với các công ty lữ hành có kinh nghiệm để xây dựng các chuyến khảo sát, xây dựng thí điểm các tuyến, điểm du lịch gắn với giáo dục truyền thống trước khi quyết định triển khai trên quy mô lớn.

Riêng đề án về việc biên soạn cuốn sách Bản đồ di tích lịch sử, thắng cảnh thiên nhiên, phong tục tập quán độc đáo của các dân tộc Trường Sơn và biên giới Việt Nam, đã nhận được sự phản hồi tích cực của lãnh đạo Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Hội Truyền thống Trường Sơn. Đây không chỉ đơn thuần là một cuốn sách giới thiệu địa danh mà là một công trình mang tính khoa học cao, thẩm định đánh dấu và mô tả chi tiết các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, phong tục tập quán, truyền thống văn hóa của các dân tộc cư trú trên dãy Trường Sơn cũng như toàn tuyến biên giới Tổ quốc là việc làm vô cùng cần thiết. Nhất là trong bối cảnh thời gian đang dần xóa đi các dấu tích chiến tranh, những di tích lịch sử cũng như các nhân chứng lịch sử, các cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến…

Ủng hộ và đánh giá cao những sáng kiến, góp phần giáo dục truyền thống về Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại cho thế hệ trẻ, ý thức về chủ quyền lãnh thổ đồng thời khơi dậy tiềm năng kinh tế, du lịch của vùng đất Trường Sơn nói riêng và tuyến biên cương của Tổ quốc, Trung tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng cũng bày tỏ mong muốn việc xây dựng đề án chi tiết sẽ được thực hiện sớm để có thể triển khai các hoạt động ý nghĩa này trong thời gian tới.

Vĩnh Xuân

Tin cùng chuyên mục