(SGGP).- Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) TPHCM, TP hiện có 91 xã, phường sản xuất rau với diện tích canh tác 3.486 ha. Trong đó, huyện Củ Chi có 21 xã, thị trấn sản xuất rau với diện tích 2.398 ha; Bình Chánh có 15 xã, diện tích 544 ha; Hóc Môn có 10 xã, diện tích 528 ha, phần còn lại là ở các quận, huyện vùng ven.
Tính đến cuối năm 2015, diện tích sản xuất rau an toàn ước đạt 15.800 ha, tăng 18,94% so với năm 2011, đạt 105% kế hoạch. Năng suất bình quân đạt 25 tấn/ha. Sản lượng rau bình quân đạt 375.000 tấn/năm, tăng 33,79% so với năm 2011. Về sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hiện TP đã chứng nhận cho 721 tổ chức, cá nhân sản xuất rau, quả trên địa bàn, gồm xã viên của 7 HTX và tổ hợp tác như HTX Ngã Ba Giồng, HTX Phú Lộc, HTX Thỏ Việt, HTX Phước An, HTX Nhuận Đức, HTX Nông nghiệp xanh, 10 công ty và các nông hộ. Tổng diện tích trồng rau VietGAP là 448 ha, tương đương 2.111 ha diện tích gieo trồng, sản lượng ước đạt 47.082 tấn/năm.
Thực hiện đề án phát triển rau an toàn tại các xã nông thôn mới, trong giai đoạn 2011-2015, tổng số mô hình sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP đã triển khai là 178 mô hình, diện tích 741,3 ha với 2.106 hộ tham gia gồm các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cánh đồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, sản xuất rau theo hướng hữu cơ sinh học…
Theo Sở NN-PTNT, các mô hình theo tiêu chuẩn VietGAP đã làm giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống bình quân 30 triệu đồng/ha/năm. Một số vùng chuyên canh mới được hình thành tại TPHCM, tập trung tại các xã Nhuận Đức, Trung Lập Hạ, Tân Phú Trung (Củ Chi); xã Tân Quý Tây, Hưng Long, Bình Chánh, Qui Đức (Bình Chánh); xã Xuân Thới Sơn, Xuân Thới Thượng, Thới Tam Thôn (Hóc Môn).
Song song đó, công tác xây dựng thí điểm “chuỗi an toàn thực phẩm” của TPHCM cũng đã được ký kết thỏa thuận hợp tác sản xuất và tiêu thụ rau quả an toàn với các tỉnh có thế mạnh về nguồn hàng cung ứng như Lâm Đồng, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Vĩnh Long. Từ năm 2013 đến nay, có 20/21 cơ sở đăng ký tham gia chuỗi thực phẩm rau an toàn đủ điều kiện tham gia vào chuỗi, trong đó TPHCM có 6 cơ sở, Lâm Đồng 11 cơ sở, Long An 2 cơ sở, Tiền Giang 1 cơ sở. Tổng sản lượng rau đăng ký tham gia chuỗi là 33.276 tấn.
Cũng theo Sở NN-PTNT, nhờ những giải pháp đồng bộ nên chương trình đã tạo được chuyển biến tích cực trong sản xuất. So với giai đoạn 2006-2010, diện tích chứng nhận rau theo tiêu chuẩn VietGAP đã tăng hơn 95%, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp. Số lượng chuỗi sản phẩm rau an toàn tăng hàng năm và đã hình thành 6 chuỗi sản phẩm so với năm 2013.
Mua rau củ quả VietGAP tại Co.opMart Cống Quỳnh Ảnh: CAO MINH
Bên cạnh những mặt tích cực, còn nhiều tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện. Đó là diện tích rau theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra so với kế hoạch của chương trình phát triển rau an toàn giai đoạn 2011-2015, chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm rau an toàn và rau VietGAP. Giá thu mua rau theo VietGAP không khác biệt nên chưa tạo động lực cho người sản xuất. Chưa thể kiểm tra, giám sát được sản phẩm rau lưu thông trên thị trường, đặc biệt là các cơ sở chế biến. Việc phát triển chuỗi thực phẩm an toàn trên rau còn hạn chế, chưa gắn kết chặt chẽ giữa các thành phần tham gia trong chuỗi cung ứng. Người tiêu dùng chưa nhận diện được rau an toàn và rau VietGAP. Nguyên nhân chính dẫn đến những hạn chế nêu trên là do tiêu chí rau theo tiêu chuẩn VietGAP chưa phù hợp với yêu cầu tiêu thụ nội địa (chưa là tiêu chí bắt buộc nên người tiêu dùng chỉ quan tâm đến tiêu chí rau an toàn nên rau VietGAP phát triển không bền vững). Mặt khác, rau VietGAP chưa thực sự trở thành hàng rào kỹ thuật để kiểm soát lượng rau lưu thông trên thị trường…
NGUYÊN PHƯƠNG