Theo các nguồn tin từ phương Tây, CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) được cho là có hơn 1.000 tên lửa các loại, trong đó có tên lửa tầm xa trong tương lai có khả năng vươn tới Mỹ.
Từ pháo đến tên lửa tầm ngắn, tầm trung và tầm xa
Tính từ những năm 1960, 1970, Triều Tiên chỉ có pháo chiến thuật. Tới những năm 1980, 1990, Triều Tiên đã có tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tiếp tục nghiên cứu để có tên lửa tầm xa. Chương trình tên lửa của Triều Tiên lấy tên lửa Scud của Liên Xô làm nền. Theo Hội đồng đối ngoại - một nhóm nghiên cứu độc lập tại Mỹ - tên lửa Triều Tiên có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Triều Tiên nhận tên lửa chiến thuật từ Liên Xô đầu năm 1969 nhưng tên lửa Scud đầu tiên lại đến từ Ai Cập vào năm 1976. Theo BBC, Ai Cập lúc bấy giờ được cho là ủng hộ Triều Tiên bằng tên lửa và kỹ thuật thiết kế tên lửa. Để đổi lại, Triều Tiên ủng hộ Ai Cập trong cuộc chiến tranh Yom Kippur năm 1973 giữa các nước Arập mà đứng đầu là Ai Cập và Syria với Israel.
Năm 1984, Triều Tiên bắt đầu phát triển tên lửa Scud của chính mình cùng với tên lửa Hwasong-5, Hwasong-6 và một tên lửa tầm trung mang tên Nodong. Tên lửa tầm xa mới nhất của Triều Tiên mang tên Taepodong được xem là sự tổng hợp các kỹ thuật của các tên lửa này. Năm 2006 và 2009, Triều Tiên đã bắn thử tên lửa Taepodong-2. Các chuyên gia cho rằng tên lửa này có tầm bắn lên đến hàng ngàn kilômét nhưng cả hai lần thử nghiệm đều thất bại.
Phương Tây nghi ngờ Triều Tiên đang sở hữu nhiều loại tên lửa tầm ngắn như KN-02, có tầm bắn 120km, có thể nhắm tới các vị trí quân sự tại Hàn Quốc. Theo Trung tâm Nghiên cứu giải trừ vũ khí của Mỹ, tên lửa Hwasong-5 và Hwasong-6 hay còn gọi là Scud-B và Scud-C có tầm bắn từ 300km đến 500km. Những tên lửa này có khả năng mang đầu đạn quy ước nhưng cũng có khả năng mang đầu đạn hóa học, sinh học hoặc hạt nhân. Các chuyên gia quốc phòng Mỹ tin rằng cả Hwasong-5 và Hwasong-6 đều được thử nghiệm và triển khai, có thể bắn trúng bất cứ nơi nào ở Hàn Quốc.
Cuối những năm 1980, Triều Tiên phát triển tên lửa mới mang tên Nodong với tầm bắn 1.000km có khả năng bắn tới Nhật Bản. Nhưng theo Cơ quan Nghiên cứu chiến lược quốc tế, hiện chưa rõ thông tin về khả năng của tên lửa này cũng như việc sản xuất và triển khai tên lửa này. Nhiều chuyên gia cho rằng, độ chính xác của tên lửa này không đủ để có thể nhắm vào các mục tiêu quân sự, chẳng hạn các căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật Bản.
Tên lửa Musudan còn được gọi là Nodong-B hay Taepodong-X là tên lửa tầm trung có khả năng bắn tới Okinawa, Nhật Bản hay các căn cứ của Mỹ ở Thái Bình Dương. Tầm bắn tên lửa này mặc dù vậy cũng gây ra nhiều tranh cãi. Tình báo Israel tin rằng nó có khả năng ở tầm 2.500km trong khi Cơ quan Phòng thủ tên lửa Mỹ ước tính nó có tầm bắn 3.200km, một số khác cho rằng tầm của nó là 4.000km. Nguyên nhân của sự khác biệt này là do Taepodong-X được thử nghiệm bí mật.
Tên lửa Taepodong-1 được xem là tên lửa nhiều tầng đầu tiên của CHDCND Triều Tiên. Dựa trên hình ảnh từ vệ tinh, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ (FAS) tin rằng tầng đầu của tên lửa này là tên lửa Nodong và tầng thứ hai là tên lửa Hwasong-6.
Tên lửa Taepodong-1 ước tính có tầm bắn 2.200km nhưng độ chính xác không bằng tên lửa Nodong. Taepodong-1 được thử nghiệm một lần vào tháng 8-1998 mang theo một vệ tinh nhỏ lên quỹ đạo trái đất. Theo FAS, 2 tầng đầu của tên lửa hoạt động tốt nhưng tầng thứ ba có gắn vệ tinh không hoạt động như dự định nên không thể đưa vệ tinh vào quỹ đạo. FAS tin rằng, có thể Taepodong-1 có chức năng làm tên lửa đẩy hơn là tên lửa quân sự tầm trung.
Tên lửa Taepodong-2 hay còn gọi là Paektusan-2 là tên lửa có từ 2 đến 3 tầng, cải tiến từ Taepodong-1, có tầm bắn từ 5.000km đến 15.000km. Tên lửa này được thử nghiệm 2 lần vào năm 2006 và năm 2009. Trong cuộc thử nghiệm vào ngày 5-7-2006, tên lửa này chỉ bay được 42 giây rồi phát nổ. Taepodong-2 sau đó lại được dùng để phóng vệ tinh vào tháng 4-2009 nhưng cũng thất bại. Nếu tên lửa Taepodong-2 được thử nghiệm thành công thì Australia và một phần lãnh thổ Mỹ sẽ nằm trong tầm bắn của nó.
Tên lửa Triều Tiên xuất phát từ Liên Xô?
Theo hai chuyên gia người Đức là Robert H. Schmucker và Markus Schiller, những tài liệu thu thập của họ cho thấy Triều Tiên phát triển tên lửa từ công nghệ của Liên Xô và sau này là Nga. Theo hai chuyên gia này, nhiều nhà khoa học tên lửa của Liên Xô đã tới làm việc cho Triều Tiên sau khi Liên Xô tan rã.
Cụ thể, năm 1993, các chuyên gia tại Cục Thiết kế tên lửa Makeyev ở TP Miass, gần Chelyabinsk được mời tới Bình Nhưỡng. Cục Thiết kế Makeyev chuyên thiết kế tên lửa phóng từ tàu ngầm nhưng đơn đặt hàng lúc đó không còn. Thông qua một người trung gian, Triều Tiên đã tuyển các nhà thiết kế tại đây với mục tiêu giúp Triều Tiên chế tạo tên lửa để đưa vệ tinh dân sự vào vũ trụ. Một trong số các nhà thiết kế là Yuri Bessarabov phát biểu trên tờ Moscow News rằng thu nhập của ông thậm chí còn thấp hơn công nhân tại một nhà máy sữa địa phương trong khi phía Triều Tiên đề nghị mức lương 1.200 USD/tháng.
Vào tháng 12-1993, khoảng 20 nhà khoa học tên lửa và gia đình tới sân bay quốc tế Mátxcơva chuẩn bị lên đường sang Triều Tiên nhưng khi đến nơi thì bị chính quyền chặn lại và đưa về nhà. Một nhân viên an ninh liên bang Nga sau đó cho biết đó là lần đầu tiên Nga phát hiện Triều Tiên muốn lấy công nghệ tên lửa từ Nga.
Mặc dù vậy, theo hai chuyên gia Schmucker và Shiller, nhiều chuyên gia Liên Xô và sau đó là Nga đã tới được Triều Tiên. Ông Schmucker là một trong những chuyên gia hàng đầu của thế giới về công nghệ tên lửa cho rằng Triều Tiên không thể đạt tiến bộ nhanh về phát triển tên lửa nếu không có các chuyên gia từ Liên Xô và Nga, đặc biệt là với một nước kinh tế khó khăn như Triều Tiên.
Theo quy định của Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ, tầm của tên lửa bao gồm: * Tầm ngắn: tối đa 1.000km. * Tầm trung: từ 1.000 tới 3.000km. * Tầm trung cao: từ 3.000 đến 5.500km. * Tầm xa (liên lục địa): trên 5.500km. |
THỤY VŨ Tổng hợp