Chương trình truyền hình thực tế - Bao giờ hết cảnh phản cảm?

Những năm gần đây, với sự xuất hiện của hàng loạt chương trình truyền hình thực tế được mua bản quyền từ các chương trình ăn khách hàng đầu thế giới, đã thổi luồng gió mới góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt của truyền hình giải trí trong nước. Tuy nhiên, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy, mà một trong số đó là tình trạng lạm dụng scandal với rất nhiều những phản cảm, dung tục…
Chương trình truyền hình thực tế - Bao giờ hết cảnh phản cảm?

Những năm gần đây, với sự xuất hiện của hàng loạt chương trình truyền hình thực tế được mua bản quyền từ các chương trình ăn khách hàng đầu thế giới, đã thổi luồng gió mới góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt của truyền hình giải trí trong nước. Tuy nhiên, kéo theo đó là rất nhiều hệ lụy, mà một trong số đó là tình trạng lạm dụng scandal với rất nhiều những phản cảm, dung tục…

Ngày càng nhiều scandal

Khi ngày càng nhiều những phiên bản chương trình truyền hình thực tế nước ngoài được “bê” về tung lên sóng truyền hình thì cũng ngày càng nhiều những nhố nhăng, phản cảm, dung tục liên tục xuất hiện. Điều này vốn không có gì khó hiểu bởi cũng như phiên bản gốc, scandal là yếu tố không thể thiếu của các chương trình truyền hình thực tế.

Tuy nhiên, để chạy theo lợi nhuận và câu kéo khán giả (cũng nhằm hướng đến việc tối đa hóa lợi nhuận) giữa một rừng chương trình ngày một nở nồi vô tội vạ, các nhà sản xuất ngày càng mạnh tay nêm nếm “gia vị” scandal vào trong các chương trình của mình. Hệ quả là scandal ngày càng xuất hiện với tần suất nhiều hơn, “đô” cũng nặng hơn.

Những chương trình hài nhàn nhạt đang ngày càng lấn sóng. Trong ảnh: chương trình truyền hình Chết cười.

Giờ đây, hiếm có chương trình nào không dùng kịch bản “lộ kết quả đã được dàn xếp”; thí sinh có hoàn cảnh éo le, khác thường; thí sinh tự nhận mình chuyển giới, đồng tính… tham gia để thu hút sự chú ý của truyền thông và dư luận. Cũng hiếm có chương trình nào không có sự cố đáng tiếc xảy ra. Từ chuyện thí sinh cởi đồ xuất hiện trong “Big Brother - Người giấu mặt” được phát trên VTV6 - kênh giáo dục, giải trí dành cho thanh thiếu niên đến nghi án dàn xếp kết quả trong The Voice - Giọng hát Việt mùa đầu tiên. Từ vụ thí sinh Huyền Minh (vốn là ca sĩ Anh Thúy) “lừa dối” đến sự cố thí sinh lấy khăn piêu của đồng bào dân tộc Thái làm khố trong chương trình X-Factor - Nhân tố bí ẩn.

Từ vụ thí sinh uống nhầm axít trong chương trình Vietnam’s Got Talent đến sự cố sập sân khấu khi thí sinh đang trình diễn trong Giọng hát Việt nhí mùa thứ 2. Thậm chí, sát giờ diễn ra chương trình The Remix - Hòa âm ánh sáng mới đây cũng lùm xùm những tin nhắn tố chương trình gian lận kết quả…

Thí sinh lấy khăn piêu của đồng bào dân tộc Thái làm khố trong chương trình X-Factor - Nhân tố bí ẩn.

Sự nở rộ của các chương trình hài hước, gây cười thời gian gần đây cũng là vấn đề đáng lo ngại, bởi các chương trình hài gần đây thiên về yếu tố bất ngờ, ngẫu hứng và hoàn toàn không có kịch bản. Việc tập trung khai thác khả năng ứng biến của các nghệ sĩ trên sân khấu với sức ép phải gây cười cho khán giả bằng mọi giá đã gây ra không ít những hình ảnh phản cảm, dung tục khiến khán giả phát ngượng.

Sau ca hát, nhảy múa, hài hước thì những trò chơi kinh dị, quái chiêu được các nhà sản xuất sử dụng như một chiêu thức mới để hấp dẫn khán giả. Vì thế, những trò nguy hiểm xuất hiện trên truyền hình vào khung giờ “vàng” không phải là chuyện hiếm gặp. Từ nhai lưỡi lam, bóng đèn, xát ớt vào mắt đến nuốt kiếm, nuốt rắn lục, thậm chí uống axít để xảy ra sự cố như đã nói ở trên ngày càng xuất hiện nhan nhản trên sóng truyền hình.

Lờn thuốc?

Cho đến nay, câu hỏi làm thế nào để hạn chế các chương trình truyền hình nhảm, vô bổ vẫn chưa có lời giải đáp hoặc ít nhất chưa được đặt ra một cách thấu đáo và có trách nhiệm từ những người liên quan.

Từng lăn lộn nhiều năm trong ngành truyền hình, một nhà biên kịch nhận định, thực ra, việc các đài truyền hình liên kết với các công ty truyền thông thực hiện các chương trình, chủ trương ban đầu là tốt, giúp đa dạng hóa chương trình, nội dung phong phú hơn.

Nhất là thời gian đầu, khi gửi chương trình qua chào hàng cho nhà đài, bao giờ các công ty truyền thông cũng làm tốt. Nhưng khi chương trình đã bắt đầu chạy, để tăng thêm lợi nhuận, các công ty bắt đầu cắt chi phí sản xuất lại, thuê nhân sự kém nghề, giá rẻ, chạy tiến độ dồn ép dẫn đến tình trạng chất lượng ngày càng đi xuống. Thay vào đó, có thông tin cho rằng, các công ty còn bỏ phí “bôi trơn” cho bộ phận kiểm duyệt của nhà đài để chương trình được cho qua dễ dàng.

Có lẽ điều đó phần nào lý giải việc thời gian qua, gần như liên tục, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) luôn dính án phạt liên quan đến những sự cố trong các chương trình truyền hình phát sóng trên kênh này. Điều đáng nói, đa phần các sự cố trên đều liên quan đến những chương trình liên kết sản xuất với các đối tác bên ngoài. Chính vì vậy, dư luận vẫn băn khoăn là vai trò kiểm duyệt, trách nhiệm của VTV ở đâu khi để xuất hiện những sự cố như trên?

Thật ra không phải không có thuốc “đặc trị” cho tình trạng trên. Mới đây, khi Bộ Thông tin và Truyền thông tỏ ra mạnh tay rà soát các chương trình truyền hình, trong đó sai phạm chủ yếu thuộc về các chương trình liên kết, tập trung vào lĩnh vực giải trí, game show phát sóng trên kênh VTV3 được dư luận đặc biệt quan tâm, những cái tên chương trình và công ty truyền thông được đưa vào “danh sách đen” khiến dư luận phấn khởi.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, ngoài những “án phạt” thì mọi chuyện dường như đâu vào đấy. Điệp khúc “dính phốt”, bị phạt, xin lỗi, kiểm tra khắc phục hậu quả xong tiếp tục phát sóng và tiếp tục “dính phốt” vẫn cứ tiếp diễn. Dư luận cho rằng, đã đến lúc cần mạnh tay bỏ những chương trình để xảy ra sự cố đáng tiếc, góp phần làm đảo lộn những giá trị, chuẩn mực của cuộc sống, đồng thời “cấm cửa” những đơn vị sản xuất để xảy ra nhiều sai phạm.

Có như vậy mới góp phần làm trong sạch môi trường giải trí trên truyền hình, vốn đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đại bộ phận người dân. Bên cạnh đó, trách nhiệm của các đài truyền hình khi để xảy ra sai phạm cũng cần được xử lý nghiêm túc và kiên quyết.

Có ý kiến cho rằng, từ khi “bán sóng” cho các đơn vị sản xuất chương trình, dường như một số đơn vị truyền hình chỉ còn quan tâm tới doanh thu quảng cáo và mức lợi nhuận khổng lồ từ những “cỗ máy kiếm tiền” là các chương trình truyền hình thực tế mang lại mà lơ là những giá trị nhân văn, hướng đến mục tiêu chân thiện mỹ vốn là sứ mệnh tiên quyết cần hướng đến.

Gia Bình

Tin cùng chuyên mục