Chương trình truyền hình thực tế - Càng cãi nhau càng hút quảng cáo

Phát ngôn gây sốc, cãi nhau loạn xạ, khen chê tá lả… là những nội dung chính đọng lại trong các chương trình truyền hình thực tế. Nhưng chính những thứ loạn này lại nằm trong kịch bản.
Chương trình truyền hình thực tế - Càng cãi nhau càng hút quảng cáo

Phát ngôn gây sốc, cãi nhau loạn xạ, khen chê tá lả… là những nội dung chính đọng lại trong các chương trình truyền hình thực tế. Nhưng chính những thứ loạn này lại nằm trong kịch bản.

  • Nỗi khổ bản quyền...

Việc thương lượng mua bán bản quyền chương trình truyền hình thực tế thường từ 3 đến 5 năm. Sau khi đã sản xuất và tạo được uy tín, những chương trình sau đó chỉ còn từ 6 tháng đến 1 năm. Phía giữ bản quyền chỉ đồng ý bán sau khi biết chắc về khả năng sản xuất chương trình của đối tác VN, ngoài ra là một lô các điều kiện khác được thỏa mãn như: chương trình phải được một đài truyền hình đồng ý cho giờ phát sóng, có nhà tài trợ phù hợp, ban giám khảo là những người có cá tính, am tường trong nhiều lĩnh vực…

Để có được giờ phát sóng, nhà sản xuất hết sức vất vả trong việc thuyết phục đài truyền hình về nội dung, chất lượng chương trình; đảm bảo chương trình hay để bán được quảng cáo; thuyết phục phía cung cấp bản quyền về những chi tiết phải thay đổi phù hợp với lối sống, văn hóa người Việt…

Đông đảo khán giả đến đăng ký tham gia thi Vietnam’s Got Talent.

Đông đảo khán giả đến đăng ký tham gia thi Vietnam’s Got Talent.

Với kinh nghiệm thực hiện nhiều chương trình truyền hình thực tế, bà Ngô Bích Hiền, Giám đốc phía Nam Công ty BHD, chia sẻ: “Làm chương trình truyền hình thực tế vất vả gấp nhiều lần so với làm trò chơi truyền hình (games show)”. Bà Quỳnh Trang, Giám đốc Công ty MultiMedia, đơn vị đang nắm giữ bản quyền sản xuất chương trình Vietnam’s Next Top Model tại Việt Nam cho biết thêm: “Việc thương lượng mua bản quyền chương trình rất khó khăn. Vừa chạy lo tài trợ, vừa phải làm đúng cam kết với đài truyền hình… là một áp lực rất lớn với chúng tôi”.

  • Thu hút vì... những ồn ào!

Điểm lại những chương trình truyền hình thực tế gây được chú ý, thu hút nhiều quảng cáo thời gian vừa qua mới thấy, chương trình nào càng nhiều điều tiếng càng… thu hút sự chú ý của khán giả và doanh nghiệp cần quảng cáo! Vietnam Idol 2010 thu hút sự chú ý ngay từ những ngày đầu vì sau 1 năm “đứt đoạn”, chương trình chọn nhà sản xuất mới (BHD thay vì Đông Tây Promotion) và được phát sóng trên VTV (thay vì HTV như các năm trước). Chương trình càng gây chú ý khi giám khảo có những nhận xét cay nghiệt với thí sinh khuyết tật, thí sinh chửi thề như “hát hay” bị ghi âm và tung lên mạng, thí sinh Đăng Khoa tự nguyện rút lui nhường chỗ cho Uyên Linh…

Chương trình Vietnam’s Next Top Model ngay năm đầu tiên thực hiện đã vấp phải sóng gió. Nào là việc thay đổi giám khảo, những đấu khẩu giữa ban tổ chức và một số thành viên ban giám khảo, khán giả sốc trước những nhận xét của Hà Anh… Đến năm thứ 2, tưởng chương trình đã quy củ và kinh nghiệm hơn, dè đâu vẫn vướng phải những lùm xùm đòi bồi thường giữa ban tổ chức và thí sinh mà con số lên tới 15 tỷ đồng, cách nhận xét của giám khảo theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa cũng nhận nhiều phản ứng từ khán giả!

Đến thời điểm này, chương trình Cặp đôi hoàn hảo có lẽ là chương trình được chú ý nhiều nhất về cả độ hấp dẫn của một cuộc thi và chuyện hậu trường. Bởi sau mỗi đêm thi, tranh cãi giữa giám khảo với giám khảo, tranh cãi giữa giám khảo với thí sinh, những phát ngôn gây sốc… loạn xạ. Và càng lùm xùm, càng khen chê tá lả lại càng thu hút quảng cáo. Vì thế, Cặp đôi hoàn hảo được xem là thành công lớn về doanh thu quảng cáo.

  • Khán giả “sập bẫy”

Là những chương trình của nước ngoài, nên có những điểm không phù hợp với văn hóa người Việt. Thế nên, khi đem về Việt Nam, nhà sản xuất buộc phải điều chỉnh. Tuy nhiên, việc tưởng chừng nhỏ ấy, lại không hề đơn giản. Phía giữ bản quyền đôi khi không chịu nhượng bộ vì muốn giữ sự nhất quán tại tất cả những nước mà chương trình được thực hiện. Trong đó có chuyện giám khảo tranh cãi, mâu thuẫn nảy lửa với thí sinh hoặc với chính những giám khảo khác; hoặc chương trình cho phép các giám khảo phát huy tối đa cái tôi của mình… nhưng áp dụng điều ấy khi phát sóng tại Việt Nam, gặp ngay phản ứng của khán giả.

Rồi khi dư luận phản ứng dữ dội vẫn không thấy ban tổ chức có “động tĩnh” gì, khán giả, giới truyền thông lại càng phản ứng dữ hơn, mà càng nói thì chương trình càng thu hút người xem và thế là khán giả… “sập bẫy” nhà sản xuất. Thành công của các chương trình truyền hình thực tế chính là tìm mọi cách kích thích tính tương tác cao giữa người xem với chương trình và cố tạo những mâu thuẫn, xung đột là một phần trong “đường dây” kịch bản!

Ngày nay, truyền hình thực tế đang trở thành xu thế được ưa chuộng vì khán giả được chứng kiến một tình huống thật, phản ứng thật và những diễn biến bất ngờ.

Tới đây, khán giả sẽ tiếp tục được xem những chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng trên thế giới đã được các công ty truyền thông tại Việt Nam mua bản quyền và đưa lên sóng truyền hình. Thời của truyền hình thực tế đang ngự trị các đài truyền hình và không chỉ có các đài truyền hình lớn mà đài truyền hình một số địa phương cũng đã bắt đầu rục rịch vào cuộc. Và tiếp tục một lượng lớn khán giả “sập bẫy”. 

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục