(SGGPO).- Hôm nay, 12-10, Chương trình “Tuyển sinh đi liền tuyển dụng” do Trường Cao đẳng nghề CNTT iSpace, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM (Falmi) tổ chức đã chính thức tiếp nhận hồ sơ các ứng viên. Đây là chương trình tuyển sinh để đào tạo và cung ứng nhân sự ngành CNTT theo yêu cầu doanh nghiệp và góp phần thực hiện “Chương trình phát triển nguồn nhân lực CNTT đến 2020” của Chính phủ.
Theo số liệu thống kê của Falmi năm 2012 cho thấy chỉ 50% học sinh – sinh viên sau đào tạo tìm được việc làm phù hợp năng lực và phát triển tốt, còn lại phải làm trái ngành, thu nhập thấp, không ổn định. Lý do cơ bản là đa số ứng viên mới ra trường không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn và kỹ năng mềm. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tham gia đào tạo, cung cấp thiết bị thực tập và cam kết nhận sinh viên sau khi tốt nghiệp. Các doanh nghiệp CNTT hiện nay quan tâm đặt hàng về các lĩnh vực đào tạo như bác sĩ máy tính thực hành; an ninh mạng, quản trị, lập trình ứng dụng trên thiết bị di động, thiết kế đồ họa và Internet marketing…
Thầy Nguyễn Hoàng Anh, Hiệu trưởng Trường iSpace cho biết, Chương trình “Tuyển sinh đi liền tuyển dụng” với mong muốn mang tới một phương án đào tạo gắn kết được nguyện vọng của ứng viên với yêu cầu của doanh nghiệp. Cụ thể, nhà trường sẽ đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp với những tiêu chuẩn chuyên môn và kỹ năng được yêu cầu. Chính doanh nghiệp cũng trực tiếp tham gia vào huấn luyện ứng viên. Sinh viên trong chương trình sẽ có 70% thời gian thực hành, mỗi sinh viên đều được trải nghiệm khoảng 500 giờ làm việc thực tế tại xưởng thực tập như một nhân viên thực sự để cảm thụ được văn hóa doanh nghiệp và quen dần với môi trường làm việc trước khi ra trường.
Đặc biệt, trong quá trình học và thực tập, sinh viên được nhận thù lao trung bình từ 1 - 1,5 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đào tạo chuyên môn và kỹ năng theo phương pháp đặc thù của “Học kỳ trải nghiệm”, sinh viên còn được chú trọng rèn luyện về kỹ năng mềm, trình độ Anh ngữ TOEIC 350 – 400 và kỹ năng sử dụng tin học văn phòng theo chuẩn quốc tế (MOS).
Hiếu Nghĩa