Chương trình ứng dụng, đổi mới công nghệ tại TPHCM - Hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia

Kinh phí cho khoa học, đem... làm đường, đắp đê
  • Nhiều vấn đề nóng về khoa học - công nghệ

Ngày 5-5, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân đã đối thoại trực tuyến với nhân dân qua Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Tại đây, rất nhiều vấn đề về lựa chọn đầu tư các chương trình khoa học sao cho hiệu quả, nguyên nhân cháy nổ xe, cây trồng biến đổi gen hay xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên ở Việt Nam... đã được người dân gửi tới Bộ trưởng Nguyễn Quân.

Kinh phí cho khoa học, đem... làm đường, đắp đê

Trả lời về vấn đề đầu tư điện hạt nhân, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định đây là lựa chọn duy nhất hợp lý trong điều kiện hiện tại. Các nhà máy điện dùng nguồn nhiên liệu hóa thạch thải ra lượng khí nhà kính khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các nhà máy thủy điện cũng vậy, các hồ chứa gây rất nhiều hệ lụy về môi trường. Chúng ta cũng không còn nguồn tiềm năng để làm thủy điện. Vì vậy, chúng ta cần phải sử dụng điện hạt nhân. Vấn đề ở chỗ, chúng ta yêu cầu các đối tác phải nâng mức độ an toàn lên cao hơn, và trong quá trình khảo sát địa điểm xây dựng nhà máy cũng phải thận trọng hơn.

Bộ trưởng nhấn mạnh, khi đã có thể dành ra hàng chục tỷ USD để xây dựng điện hạt nhân thì chúng ta nên dành một tỷ lệ thích đáng để đào tạo và đãi ngộ đội ngũ cán bộ làm việc trong lĩnh vực này. Có như thế chúng ta mới đảm bảo được sự an toàn cũng như hiệu quả hoạt động của điện hạt nhân trong tương lai.

Một vấn đề được các nhà khoa học cũng như công chúng quan tâm nhiều là việc đầu tư và sử dụng kinh phí đầu tư cho khoa học và ai là đối tượng có thể được nhận kinh phí này? Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, thời gian qua, có hiện tượng kinh phí được cấp về một số địa phương, song đã được dùng cho việc... xây dựng trụ sở, làm đường, đắp đê, chứ không được sử dụng cho các chương trình khoa học phù hợp. Bộ trưởng thẳng thắn thừa nhận, có một số đề tài được đưa ra chỉ để nhận kinh phí, hay xu hướng nhập công nghệ cũ và lạc hậu ở một số doanh nghiệp, thậm chí đã nhập và đang sử dụng công nghệ cũ từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước.

“Chúng ta có đủ năng lực để chế tạo thiết bị có trình độ công nghệ cao, nhưng cái thiếu của chúng ta là công nghệ và bí quyết công nghệ của những thiết bị này. Do vậy, thay vì nhập khẩu cả một nhà máy hay dây chuyền thiết bị lớn, hãy hỗ trợ doanh nghiệp mua công nghệ, thuê chuyên gia và sau đó đặt hàng các doanh nghiệp trong nước chế tạo những thiết bị đồng bộ hay dây chuyền sản xuất có hiệu quả cao hơn” - Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.

Kiểm soát chất lượng xăng dầu

Về vấn đề cháy nổ xe cơ giới gây bức xúc xã hội trong thời gian qua, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, việc cháy nổ xe cơ giới không phải hiện tượng cá biệt của Việt Nam, tất cả các nước trên thế giới đều có hiện tượng này, chỉ khác nhau về mức độ. Ngay khi xảy ra các vụ cháy nổ xe cơ giới liên tiếp trong 2 năm 2010 và 2011, xăng dầu được “đặt vào vòng ngắm” đầu tiên. Tuy nhiên, xăng dầu chỉ là chất cháy, để nó cháy phải có tác động của nguồn nhiệt.

Vì vậy, khi xảy ra các vụ cháy nổ ô tô, xe máy, cơ quan công an cùng các bộ ngành liên quan đã tiến hành điều tra xác minh. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng lấy mẫu xăng, dầu từ các xe bị cháy còn sót lại, lấy mẫu từ các cây xăng mà các xe này đã mua để xét nghiệm. Tất cả các mẫu xét nghiệm này đều không vi phạm quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xăng dầu.

Vì thế, có thể nói, kết luận bước đầu của Bộ Công an đánh giá nguyên nhân cháy nổ khoảng trên 30% do chập điện, trên 15% do sự cố kỹ thuật khác, còn lại nhiều nguyên nhân như vô tình hữu ý của người sử dụng xe hay những nguyên nhân do tai nạn... Thời gian tới, song song với việc tiếp tục điều tra nguyên nhân gây cháy nổ, các bộ, ngành phải kiểm soát thật chặt chất lượng xăng dầu kể từ thời điểm này cho tới giai đoạn tiếp theo, để hạn chế xảy ra cháy nổ trong giai đoạn tới.

Về vấn đề cây trồng biến đổi gen, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho rằng Việt Nam phải hết sức thận trọng. Hiện nay một số tập đoàn đa quốc gia muốn đưa vào Việt Nam những cây trồng biến đổi gen. Nhưng các cơ quan quản lý của Việt Nam trong đó có Bộ KH-CN, Bộ NN-PTNT đề xuất với Chính phủ phải có một giai đoạn khảo nghiệm hết sức thận trọng. Hiện nay chỉ cho phép sử dụng một cách hạn chế với 3 loại cây trồng là bông, đỗ tương (đậu nành), ngô (bắp). Đỗ tương và ngô trước mắt chỉ phục vụ cho thức ăn chăn nuôi và dầu công nghiệp, chưa trực tiếp đưa vào nguồn thực phẩm dành cho con người.

Bộ NN-PTNT, các cơ quan khoa học phải có giai đoạn khảo nghiệm thật thận trọng, khi nào kết luận những sản phẩm cây trồng biến đổi gen không gây hại với sức khỏe con người, không gây ô nhiễm môi trường, lúc đó chúng ta mới có thể cho sử dụng đại trà.

Trần Lưu


Nâng cao nhận thức về KH-CN cho cán bộ

Sáng 5-5, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà đã báo cáo tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư KH-CN TP giai đoạn 2006-2011. Trong 6 năm qua, tổng chi đầu tư KH-CN TPHCM hơn 14.000 tỷ đồng, chuyển giao hơn 400 kết quả nghiên cứu cho các đơn vị ứng dụng; tỷ lệ đề tài ứng dụng sau nghiệm thu khoảng 25%-35%; tỷ lệ đặt hàng đạt trung bình khoảng 30%-40%/năm để giải quyết các vấn đề bức xúc của TP như: xây dựng phần mềm kiểm tra hố ngầm và công trình ngầm, chống ngập nước, dự báo động đất, giảm thiểu kẹt xe…

Thực hiện chủ trương lấy doanh nghiệp làm trung tâm ứng dụng và đổi mới công nghệ, TPHCM đã có hơn 2.000 doanh nghiệp tham gia chương trình, hỗ trợ đầu tư 24 dự án KH-CN vào các lĩnh vực cơ khí chế tạo và điện tử - viễn thông - CNTT với tổng vốn đầu tư 54,378 tỷ đồng, tiết kiệm ngoại tệ khoảng 9,14 triệu USD…

Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà cũng nhấn mạnh, dù TPHCM đã áp dụng các biện pháp đột phá như phân cấp nhiều hơn cho giám đốc sở, mua sản phẩm KH-CN cùng mức đầu tư cao nhưng hiệu quả còn là dấu hỏi lớn. Con số 25%-35% đề tài nghiên cứu được ứng dụng vẫn chưa thật sự ấn tượng. Cơ chế quản lý hiện vẫn bị phân tán, chưa tập trung đúng chuyên môn. Đơn cử, lĩnh vực CN-TT có số vi phạm sở hữu trí tuệ nhiều nhất, đơn vị có thẩm quyền xử lý là Sở VH-TT-DL, trong khi đơn vị có đủ chuyên môn để thẩm định lại ở Sở KH-CN.

“KH-CN luôn được nhắc đến như là động lực để phát triển kinh tế nhưng nhận thức về tầm quan trọng của KH-CN ở cấp quản lý nhà nước lại chưa cao. Nếu đã có lớp cao cấp chính trị, cao cấp an ninh, quốc phòng, tại sao không có lớp cao cấp về KH-CN để thay đổi cách nhìn của cán bộ”, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà kiến nghị. 

T.Hân

Tin cùng chuyên mục