Chương trình vaccine tiêm chủng mở rộng - “Lép vế” trong bệnh viện công?

“Cá bé nuốt cá lớn”
Chương trình vaccine tiêm chủng mở rộng - “Lép vế” trong bệnh viện công?

Theo số liệu thống kê tại các bệnh viện lớn ở TPHCM, số trẻ được tiêm vaccine 5 trong 1 (Quinvaxem) của chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia thời gian qua chiếm tỷ lệ thấp hơn nhiều so với số trẻ tiêm vaccine dịch vụ từ 5 đến 30 lần. Có hay không việc bệnh viện tuyến trên ưu ái cho vaccine dịch vụ khiến vaccine chương trình TCMR bị “lép vế”?

Tiêm vaccine ngừa bại liệt cho trẻ em. Ảnh: Mai Hải

Tiêm vaccine ngừa bại liệt cho trẻ em. Ảnh: Mai Hải

“Cá bé nuốt cá lớn”

Chị N.T.T. ngụ tại Gò Vấp đưa con đi tái khám theo hẹn của Bệnh viện Từ Dũ tại khoa Trẻ em Lành mạnh. Tuy nhiên, lúc gặp bác sĩ, chị T. không khỏi ngạc nhiên khi nghe bác sĩ Nguyễn Thị Kim Hạnh - phòng khám số 3, tư vấn: “Bệnh viện hiện có hai chương trình tiêm chủng là TCMR và tiêm chủng theo dịch vụ. Tuy nhiên, vaccine TCMR miễn phí là thuốc do Hàn Quốc chế để cho mình xài, chớ thuốc đó không có nước nào xài cả nên chất lượng không tốt bằng thuốc dịch vụ. Bên cạnh đó, bệnh viện tập trung vào việc chích ngừa cho những trẻ em trong danh sách theo dõi đặc biệt, còn với trẻ bình thường nếu muốn chích miễn phí thì ra phường chích, đỡ tốn tiền xe lên đây”.

Thế nhưng, một số phụ huynh có con trong chương trình theo dõi của Bệnh viện Từ Dũ lại thắc mắc khi đem con đến chích ngừa theo lịch hẹn thì lại được thông báo vaccine TCMR hết thuốc. Chị P.T.T.N. quận Thủ Đức than thở, trong tháng 7 khi chị đưa con tới Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ thì cũng là lúc bệnh viện thông báo vaccine bị hết. Khi nghe bác sĩ bảo chị đem cháu về chờ khi nào có vaccine lại thì đem cháu tới chích (nhưng bác sĩ cũng không thể cho biết khi nào vaccine mới về). Sợ ảnh hưởng đến hiệu quả phòng ngừa bệnh cho con nên chị N. đành bấm bụng bỏ hàng trăm ngàn đồng đem con đi chích ngừa dịch vụ. Chị N. tâm sự: “lương nhân viên ba cọc ba đồng như tôi thì việc mua vaccine dịch vụ là một khoản tiền khá lớn”.

Anh Phạm Văn Hường ở quận 2, TPHCM cho biết, cách đây 2 tháng, lúc đó cũng gần tới ngày hẹn chích ngừa thì con anh có triệu chứng bị tiêu chảy. Sau khi đưa cháu đến khám tại một bệnh viện nhi ở TPHCM, anh Hường hỏi thăm bác sĩ về nguyện vọng muốn cho con chích ngừa vaccine TCMR tại bệnh viện thì được bác sĩ tư vấn là bệnh viện chỉ chích ngừa vaccine dịch vụ còn muốn chích vaccine theo chương trình TCMR thì cho cháu đến trạm y tế phường.

Theo thống kê của Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, từ đầu năm đến nay bệnh viện đã thực hiện tiêm chủng cho hơn 53.000 trẻ. Trong đó có 41.900 trẻ tiêm vaccine dịch vụ và 11.500 trẻ tiêm vaccine Quinvaxem. Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, tháng 9 vừa qua có 31 trẻ được chích ngừa bằng vaccine Quinvaxem nhưng có tới 1.111 trẻ được chích ngừa vaccine dịch vụ. Khoa Trẻ em Lành mạnh Bệnh viện Nhi đồng 2 có 120 trẻ tiêm Quinvaxem, nhưng có tới gần 650 trẻ tiêm vaccine dịch vụ.

Vaccine dịch vụ chiếm ưu thế hơn vaccine chương trình TCMR không khác nào việc “cá bé nuốt cá lớn”. Do vậy, dư luận nghi ngờ có hay không việc bệnh viện chỉ chăm chăm làm dịch vụ kiếm tiền còn sau đó đùn đẩy trẻ có nguyện vọng TCMR về phường? Tại sao vaccine thuộc chương trình TCMR lại hết thuốc trong khi vaccine dịch vụ lúc nào cũng có. Có phải người ta làm thế để bán vaccine dịch vụ?

Lý do bất khả kháng?

Theo lý giải của các bệnh viện, thời gian qua vẫn thực hiện song song 2 chương trình là TCMR và tiêm chủng dịch vụ. Tuy nhiên, bệnh nhân được tư vấn, lựa chọn tiêm loại vaccine nào là do gia đình bệnh nhân quyết định. Không có chuyện bác sĩ cố tình hướng bệnh nhân chọn tiêm vaccine dịch vụ để kiếm lời.

Dược sĩ Huỳnh Thị Thanh Thủy, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ, chia sẻ, tuy “mang tiếng” là vaccine dịch vụ nhưng bệnh viện không lấy lãi mà giá vaccine dịch vụ tiêm tại bệnh viện chỉ bằng giá gốc cộng với chi phí khấu hoa vật tư tiêu hao (bơm, kim tiêm…). Bên cạnh đó, vaccine dịch vụ có nhiều loại và phòng ngừa nhiều bệnh khác ngoài 5 bệnh mà vaccine Quinvaxem phòng ngừa (là bạch hầu, ho gà uốn ván, viêm gan siêu vi B, viêm màng não mủ). Đồng thời một lý do đáng chú ý nữa là, việc tiêm vaccine dịch vụ hiện được khá nhiều gia đình lựa chọn để tiêm cho trẻ vì chất lượng tốt, nhanh chóng tiện lợi, chi phí cũng chấp nhận được so với mức sống và thu nhập hiện nay của người dân. Việc vaccine hết thuốc là sự cố ngoài ý muốn của bệnh viện. Bệnh viện chỉ được quyền nhận theo chỉ tiêu phân phối. Riêng về vụ việc liên quan đến bác sĩ Hạnh, có khả năng bác sĩ Hạnh (do mới chuyển về) giải thích không rõ ràng, gây hiểu lầm cho người bệnh. Bệnh viện sẽ làm việc với bác sĩ Hạnh và xem xét, có hướng giải quyết. Bệnh viện khuyên người nhà nếu muốn tham gia chương trình TCMR thì nên tiêm ở phường vì hiện nay bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải.

Trong khi cũng là bệnh viện công và cũng thuộc bệnh viện tuyến trên nhưng Bệnh viện Nhi đồng 2 vẫn tiếp nhận và chích ngừa cho bệnh nhân có nguyện vọng tiêm vaccine chương trình TCMR khi họ không muốn chích ngừa ở địa phương.

Bác sĩ Phạm Lê Thanh Bình, Trưởng khoa khám Trẻ em Lành mạnh (Bệnh viện Nhi đồng 2), chia sẻ, bệnh nhân có quyền lựa chọn và quyết định vaccine, còn bệnh viện luôn chủ trương thực hiện giải pháp tối ưu nhất để đem lại sự hài lòng, an tâm cho người bệnh. Không phân biệt dịch vụ và TCMR. Vì lẽ, chúng ta làm dịch vụ được thì tại sao lại không làm TCMR?

Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TPHCM, cho biết, vaccine của chương trình TCMR rất an toàn và hiệu quả. Việc một số bệnh viện công không thể “gánh” nổi chương trình TCMR cũng có những lý do bất khả kháng. Tuy nhiên, vấn đề này không gây ảnh hưởng gì lớn đến chương trình TCMR. Vaccine TCMR được nước ngoài tài trợ và được quản lý chặt chẽ theo hồ sơ nên không có chuyện thất thoát hay tiêu cực.

Tiến Đạt

Tin cùng chuyên mục