
Những năm gần đây, người nuôi cá chất chà, kéo lưới trên sông, rạch, ao, hồ ĐBSCL thường bắt được khá nhiều cá lau kính. Hiện tượng loại cá này xuất hiện ngày càng nhiều trong môi trường tự nhiên ĐBSCL là điều đáng lo ngại về nguy cơ xâm hại môi trường sinh sống các loài thủy sản bản địa.
Cá lau kính xuất hiện khắp nơi

Ông Nguyễn Bá Thọ (xã Tân An Luông, Vũng Liêm ,Vĩnh Long) bắt được 2 con cá lau kính. Ảnh: HUY HOÀNG
Chuyện ông Hà Tiến Mạnh, ngụ tại phường 5, thị xã Trà Vinh (tỉnh Trà Vinh) tát ao bắt được chưa đầy 3kg cá thì có đến hơn 1kg cá lau kính - một giống cá hút nhớt, thường được nuôi chung với cá cảnh trong bể kính - gây sự ngạc nhiên, hiếu kỳ cho nhiều người.
ông Mạnh cho biết: “Tuy hình thù xấu nhưng thịt cá ngọt, dai, thơm, rất ngon và nghe đâu được các nhà hàng, khách sạn thu mua không hạn chế”.
Thực ra không riêng ở Trà Vinh, những năm trở lại đây, tại các ao, hồ, sông, rạch ở ĐBSCL, cá lau kính xuất hiện ngày một nhiều.
Dịp Tết Kỷ Sửu 2009, ông Nguyễn Bá Thọ (ở xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long) tát ao bắt được khoảng 10kg cá, tôm các loại. Điều ông ngạc nhiên là có một loại cá lạ - sau này tìm hiểu ông mới biết đây là cá lau kính - chiếm gần phân nửa, trong đó có nhiều con nặng khoảng 1kg.
Ở Tiền Giang, trên các con mương, ao, hồ của các xã Thanh Bình (huyện Chợ Gạo), Tân Mỹ Chánh, Mỹ Phong (TP Mỹ Tho) và các địa phương khác cũng xuất hiện và tồn tại rất nhiều cá lau kính, mà người dân địa phương cho biết thì “chỉ cần quăng một chài là bắt mệt nghỉ”.
Những người dân ở đây cũng không biết giống cá này từ đâu mà ra. Điều đáng lo ngại là mức độ sinh sản của loài cá này tăng nhanh khó có loài thủy sản nào sánh kịp, khả năng xâm hại môi trường sinh sống các loài thủy sản khác là rất lớn.
Vì sao cá lau kính ngày xuất hiện một nhiều trên sông, rạch, ao, hồ ở ĐBSCL? Thực tế tìm hiểu, chúng tôi được biết nhiều người nuôi cá kiểng theo kiểu phong trào, khi nhàm chán hoặc không có thời gian chăm sóc đã thả loại cá này ra ao, hồ, sông, rạch... Từ đó cá sinh sôi phát triển, nhân mật độ ngày một nhiều.
Hiểm họa thủy sinh!
Theo các nhà khoa học, cá lau kính có nguồn gốc ở Trung và Nam Mỹ từ Panama đến Uruguay, phần lớn tập trung ở lưu vực sông Amazon. Tên tiếng Anh của cá là suckermouth catfish, hay còn được gọi là janitor fish; tên khoa học là Hypostomus plecostomus.
Loại cá này có chiều dài lên đến 70cm và trọng lượng có thể tới vài ký. Thức ăn chính của loài cá này là các loại rong, rêu, tảo bám trên bề mặt thực vật hoặc nền đáy. Cá lau kính có thể sống trong nhiều điều kiện môi trường sinh thái khác nhau nên khả năng phát triển đàn rất nhanh.
Ở nhiều nơi trên thế giới, sự phát triển đàn của cá lau kính đã trở thành vấn nạn đối với hệ sinh thái và nguồn lợi thủy sản. Theo số liệu của Cục Tài nguyên sinh học Mỹ, cá lau kính là một loài có biên độ sinh thái rất rộng đối với nhiều yếu tố môi trường.
Chúng sinh sống ở nơi nước tĩnh và cả ở các suối có nước chảy nhanh. Chúng có mặt ở các ao cạn và cả ở các hồ sâu, chủ yếu phân bố trong vùng nước ngọt nhưng có thể sống được trong vùng nước lợ ở cửa sông.
Tác hại về môi trường của cá lau kính hiện chưa được biết rõ. Ở Hawaii đã ghi nhận sự phong phú của cá lau kính dẫn đến việc suy giảm một số loài cá bản địa trên các dòng chảy. Theo Cục Tài nguyên sinh học Mỹ, một khi cá lau kính đã xâm lấn với mật độ cao thì việc kiểm soát chúng rất khó khăn. Ở Hawaii đã thử nghiệm nhiều biện pháp, kể cả dùng sốc điện, nhưng không thành công.
Theo Giáo sư Nguyễn Lân Dũng: “ở nước ta, đặc biệt lo ngại là việc cá lau kính sẽ phát triển với mật độ cao trong các khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước như Tràm Chim, U Minh Thượng, Láng Sen, Tân Hưng, Lung Ngọc Hoàng, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Sự phát triển mạnh mẽ của cá lau kính chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều xáo trộn trong hệ sinh thái thủy vực thông qua việc mất cân bằng trong chuỗi thức ăn cũng như sự cạnh tranh trực tiếp đối với các loài cá bản địa có cùng tập tính. Hậu quả cuối cùng có thể là việc giảm thiểu đa dạng sinh học”.
Thảm họa ốc bươu vàng, cá chim trắng… tràn ngập sông, kênh, mương, ao, hồ, đồng ruộng gây hại cho cây trồng là bài học nhãn tiền đáng suy ngẫm, nay hiện tượng cá lau kính có mặt khắp sông, rạch, ao, hồ là thông điệp cảnh báo về sự mất cân bằng thủy sinh ở “vựa cá” cả nước.
Người dân “vương quốc tôm, cá” rất mong sự vào cuộc của ngành chức năng và các nhà khoa học.
Đình Cảnh (SGGP 12G)