Điện ảnh Việt Nam 2005

Chuyện buồn, chuyện vui...

Chuyện buồn, chuyện vui...

Điện ảnh Việt Nam trải qua năm 2005 với nhiều niềm vui lớn báo hiệu bước phát triển mới và sẵn sàng hội nhập quốc tế, song cũng có không ít nỗi buồn.

  • Tiền đề tích cực
Chuyện buồn, chuyện vui... ảnh 1

Cảnh trong phim “Hạt mưa rơi bao lâu”.

Dự án xây dựng Luật Điện ảnh trình Quốc hội khóa VIII (tháng 11-2005) đã trở thành sự kiện xã hội nổi bật thu hút sự quan tâm của giới nghệ sĩ, các nhà hoạt động điện ảnh và những người yêu thích điện ảnh nước nhà. Tuy còn nhiều điều cần chỉnh sửa và bổ sung, hoàn thiện để phù hợp với tình hình thực tế của Điện ảnh Việt Nam hiện nay và trong tương lai, dự kiến tháng 5-2006 Luật Điện ảnh sẽ được ban hành và chính thức áp dụng.

Cùng với Luật Điện ảnh, Cục Điện ảnh Việt Nam đã chính thức thông báo về dự án đấu thầu kịch bản làm phim trong diện phim đặt hàng của Nhà nước thay vì phân bổ chỉ tiêu làm phim theo kế hoạch, theo biên chế đối với 3 hãng phim Nhà nước như mọi năm. Dự kiến đầu năm 2006, tiêu chí đấu thầu kịch bản được hoàn chỉnh và đưa vào thực hiện. Người ta hy vọng, với chuyện đấu thầu kịch bản, chất lượng phim đặt hàng của nhà nước sẽ được tăng lên. Chủ trương đấu thầu kịch bản làm phim góp phần đẩy nhanh hơn việc tiến trình cổ phần hóa các hãng phim nhà nước trong năm 2006 như dự kiến trước đây.

Như vậy, sự ra đời của Luật Điện ảnh và dự án Đấu thầu kịch bản làm phim đã mở ra cho Điện ảnh Việt Nam những tiền đề tích cực trong việc phát triển đến một tầm cao mới, chuyên nghiệp và đủ sức hội nhập khi Việt Nam gia nhập WTO nay mai.

  • Vinh danh phim Việt ở nước ngoài
Chuyện buồn, chuyện vui... ảnh 2

Cảnh trong phim “2 trong 1”.

Năm 2005 là năm ghi nhận sự có mặt của phim Việt ở nhiều LHP quốc tế khắp các châu lục và mang về kha khá giải thưởng. Bộ phim Mùa len trâu giành Giải thưởng lớn (Grand Frix) tại LHP Asian Marine (Nhật Bản), giải Quay phim xuất sắc tại LHP châu Á-Thái Bình Dương, giải Đạo diễn xuất sắc tại LHP Cape Town; Thời xa vắng đoạt giải Nữ diễn viên chính xuất sắc ở LHP quốc tế Singapore và giải âm nhạc tại LHP Thượng Hải; Hạt mưa rơi bao lâu lọt vào danh sách 15 phim tranh giải Golden Zenith tại LHP Montreal (Canada)…; Thời xa vắng tham dự LHP Delhi (Aán Độ), LHP Munich, Bách Hoa-Kim Kê (Trung Quốc); Sống trong sợ hãi tham dự LHP NHK (Nhật Bản)…

Đặc biệt Mùa len trâu đã được chọn vào danh sách 58 bộ phim dự tranh giải Oscar’ 2006 dành cho Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất.

Về phía cá nhân, đạo diễn Đặng Nhật Minh vinh dự là một trong 5 đạo diễn được trao giải thưởng Thành tựu trọn đời nhờ những cống hiến nổi bật cho điện ảnh châu Á tại LHP QT Gwangju (Hàn Quốc). Ngoài ra, chúng ta còn tổ chức thành công nhiều tuần lễ phim Việt ở Cuba, Mỹ…; tham gia một số hội chợ phim có tên tuổi trong khu vực và thế giới. Qua đó, ngày càng có thêm nhiều dự án làm phim của nước ta được các tổ chức, quỹ hỗ trợ phát triển cho ngành điện ảnh ở nước ngoài quan tâm, góp vốn làm phim.

  • Trong nước, chỗ đứng cho phim Việt quá hẹp

Trong khi phim Việt ngày càng có mặt ở nhiều LHP quốc tế thì ở trong nước, điểm lại năm 2005, người ta lại xót xa vì nỗi “phim nghệ thuật đang chết”. Chết vì không len được chân vào rạp, vì thời gian “đứng” ở rạp quá ngắn ngủi. Phim Việt vẫn tiếp tục bị phim ngoại “nốc ao trên sân nhà”.

Mùa len trâu là ví dụ điển hình. Trong năm 2005, phim này đã chiếu ở khá nhiều quốc gia như Mỹ, Pháp, Australia…, từng đứng trong danh sách 10 phim ăn khách nhất khi trình chiếu ở Pháp. Trong khi đó, ở trong nước, sau khi hoãn đi hoãn lại nhiều lần, phim mới chen nổi chân vào rạp Cinebox không trống giong cờ mở, không quảng cáo và tiếp thị tưng bừng như nhiều bộ phim ngoại khác nên khối người khi đến rạp hỏi thăm thì… phim đã cất kho rồi.

 Năm 2005, số phim Việt sản xuất chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng vẫn có nhiều phim không vào được rạp, thậm chí có phim làm xong 2 năm vẫn chưa có một buổi chiếu ra mắt. Cả nước có trên 40 rạp chiếu phim trang bị hiện đại đủ tiêu chuẩn chiếu phim nhựa nhưng vì yếu tố lợi nhuận nên khó trông chờ vào lòng hảo tâm của chủ rạp đối với phim Việt. Trong đợt góp ý xây dựng dự án Luật Điện ảnh, rất nhiều ý kiến mong muốn Nhà nước có chính sách ưu đãi về thuế, phần trăm doanh thu, bảo hộ cho phim Việt bằng luật về thời gian “đứng” rạp cho phim Việt.

Phim tài trợ, phim nghệ thuật bị động đã đành, ngay phim giải trí, phim của tư nhân “mạnh tiền” cũng “run rẩy” trước chuyện rạp và khả năng thu hồi vốn vì quá ít rạp chiếu và thời gian ở rạp quá ngắn ngủi. Năm 2006, với sự ra đời của một số cụm rạp lớn như cụm rạp của Phương Nam phim và một số rạp của nước ngoài đầu tư hy vọng phim Việt sẽ rộng đường đến với khán giả hơn.

PHÚC NHƯ THỦY

Tin cùng chuyên mục