Trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, ông Bành Văn Xám là Chính trị viên Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 2, Sư đoàn 9 (hiện là Thượng tá đang nghỉ hưu tại phường 15, quận Tân Bình) được giao nhiệm vụ chỉ huy một cánh quân tiến đánh sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 0 giờ đêm 30 Tết…
Ông kể: “Ngày đó được ra trận tham gia một chiến dịch lớn, ai cũng tự hào vì đã chờ đợi cơ hội ngàn năm một thuở này từ lâu rồi…”. Để chuẩn bị đánh chiếm sân bay, đơn vị do Bành Xám (tên đồng đội thường gọi) chỉ huy được trang bị đầy đủ từ pháo đánh xe tăng đến súng B-40, B-41 và cả tên lửa mặt đất H-12 nhằm đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất nhanh chóng. Thế nhưng đang chuẩn bị tấn công thì Bành Xám được lệnh không tấn công sân bay nữa mà quay ra bắn cháy xe tăng để giải vây cho Tiểu đoàn 4. Thế là Bành Xám liền chỉ huy các tay súng quay ra bắn vào xe tăng địch khi chúng đang tạo thành “lá chắn thép” ngăn bước tiến quân ta.
Đêm thứ nhất, Bành Xám chỉ huy 45 tay súng tập kích đồn Mỹ Hạnh diệt gọn 200 tên lính Mỹ, tiêu hủy 40 xe tăng địch. Đêm thứ 2, Bành Xám chỉ huy bộ đội tập kích vào xã Vĩnh Lộc tiêu diệt hơn 100 tên lính Mỹ và 45 xe tăng địch.
Hỏi ông nhớ nhất kỷ niệm nào trong đợt tham gia Chiến dịch Xuân Mậu Thân, ông bồi hồi nhớ lại: “Đó là lần tôi dám liều mạng cãi lệnh cấp trên…”. Hồi đó, Bành Xám dẫn một cánh quân tiến về Sài Gòn, khi đi đến Long An, bộ đội phải đào hầm ngoài ruộng và dùng rơm rạ phủ lên nắp hầm ngụy trang để trú ẩn, đợi thời cơ thuận lợi sẽ tiến công. Nào ngờ, địch đánh hơi thấy có quân ta nên chúng dùng cặp đôi máy bay trực thăng “con cá rô” (để trinh sát) và “con cá lẹp” (để phóng hỏa tiễn) nhằm tiêu diệt quân ta. Chứng kiến “con cá rô” phát hiện ra hầm bộ đội ta rồi ra hiệu cho “con cá lẹp” thả lựu đạn, phóng hỏa tiễn vào hầm đồng đội làm 9 chiến sĩ ta hy sinh, Bành Xám ngồi bên hầm chỉ huy mà máu căm thù cứ sôi lên... Dẫu vậy, anh vẫn được lệnh cấp trên: “Không được bắn! Không được để lộ mặt trận của ta, nếu để lộ là đứt đầu đó!”.
Thấy địch mặc sức đảo lộn trên đầu như chuồn chuồn, chỉ cách nắp hầm khoảng 5m, Bành Xám nghĩ ngay: “Nếu mình không tiêu diệt nó thì nó cũng tiêu diệt mình, đằng nào cũng chết, phải quyết liều mình với chúng…”. Nghĩ thế, Bành Xám đợi máy bay địch xà đến gần, anh ngắm chính xác và nhả đạn bắn chết hai tên lính Mỹ ngồi trên máy bay, thừa thắng xông lên, Bành Xám chờ “con cá lẹp” bay tới gần liền xả súng bắn chính xác, cứ thế anh tiêu diệt được 7 máy bay địch khiến chúng hoảng loạn bỏ chạy, nhờ vậy quân ta không bị tử vong, bảo đảm an toàn lực lượng. Từ thế bị động quân ta đã nhanh chóng lấy lại thế chủ động tấn công địch.
Sau trận đánh đó, Bành Xám không khỏi lo lắng trước án tử hình vì tội cãi lệnh cấp trên, bởi trong chiến tranh “quân lệnh như sơn”, ai cãi lệnh có nghĩa phải lãnh án tử hình. Biết vậy, Bành Xám sẵn sàng chấp nhận hy sinh để cứu đồng đội. Khi chỉ huy gọi lên, Bành Xám chào từ biệt đồng đội vì nghĩ sẽ không bao giờ còn gặp lại họ nữa. Thế nhưng khi đến sở chỉ huy, anh bàng hoàng khi được cấp trên không những không tử hình mà còn trao… Bằng khen “Dũng sĩ diệt máy bay”!
Sau này, không chỉ nhận bằng khen về dũng sĩ diệt máy bay, Bành Xám còn nhận nhiều bằng khen dũng sĩ diệt xe tăng và dũng sĩ diệt Mỹ. Anh bộc bạch: “Trong chiến dịch Xuân Mậu Thân, tôi tự hào vì còn có ba người anh cũng chỉ huy các cánh quân khác tiến đánh vào Sài Gòn. Cuối trận đánh, ba người anh của tôi là: Bành Văn Trân, Anh hùng LLVTND; Bành Văn Xây và Bành Văn Thiều đều đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc. Riêng tôi, sau chiến dịch Xuân Mậu Thân còn được vinh dự tham gia nhiều trận đánh khác, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước…”.
NGỌC LAN