Việc ký kết và xuất khẩu gạo tháng 3 diễn ra khá nhộn nhịp. Chỉ trong 19 ngày đầu tháng 3, các doanh nghiệp (DN) đã ký xuất khẩu (XK) 555.000 tấn gạo, nâng tổng số lượng xuất khẩu từ đầu năm lên 2,6 triệu tấn gạo, tương đương cùng kỳ năm 2011.
Với đà này, cuối tháng 3 lượng hợp đồng XK ký được khoảng 3 triệu tấn, cao hơn cùng kỳ năm rồi khoảng 20%. Điều này trái ngược với diễn biến 2 tháng trước đó, lượng gạo xuất thấp hơn cùng kỳ, và số hợp đồng ký được cũng ít hơn trong khi lượng gạo tồn kho lại nhiều hơn. Như vậy, sau thời gian trầm lắng khi nhà nhập khẩu chuyển qua mua gạo của Ấn Độ, Pakistan, Myanmar… giá gạo Việt Nam đã phải điều chỉnh xuống cho phù hợp, có lúc, DN nôn nóng ký bán bằng hoặc rẻ hơn Ấn Độ, giờ đã nhích lên, cao hơn khoảng 20USD/tấn so với gạo Ấn Độ.
Năm 2011, việc thay đổi cách mua và lượng gạo nhập khẩu của Philippines giảm khiến không ít người lo lắng, bởi đây là thị trường truyền thống nhập lượng gạo khá lớn mỗi năm của VN. Cùng với Indonesia, việc nhà nhập khẩu Bangladesh, Trung Quốc trở lại mua gạo VN đã góp phần giải quyết đầu ra của hạt gạo VN. Ông Trương Thanh Phong, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực miền Nam, kiêm Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cho biết, trong số hơn nửa triệu tấn gạo ký trong nửa đầu tháng 3 có khoảng 260.000 tấn gạo XK đi Trung Quốc, nâng lượng gạo XK vào thị trường này khoảng 500.000 tấn bằng đường chính ngạch, tính từ đầu năm 2012 đến nay. Đó là chưa kể lượng gạo XK qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc từ đầu năm đến nay khoảng 400.000 tấn. Như vậy, có gần 1 triệu tấn gạo đã và sẽ XK sang Trung Quốc trong năm nay, thay vì 258.000 tấn như năm 2011. Dự báo con số này sẽ còn tăng thêm nữa khi Trung Quốc vẫn đang có nhu cầu mua gạo từ VN.
Việc VFA chuẩn bị ra mắt Trung tâm Xúc tiến xuất khẩu gạo cao cấp VN gồm những DN Việt Nam và Trung Quốc vào tháng 4 là bước đi tiếp theo trong việc xâm nhập sâu hơn và căn cơ hơn của hạt gạo VN vào thị trường trên 1,3 tỷ người. Ngày 22-3, VFA đã dẫn đoàn 60 DN Việt Nam lên đường đi Trung Quốc tham gia hội chợ nông sản quốc tế ở Quảng Châu, sau đó sẽ đi khảo sát và làm việc với các cơ quan phụ trách về lương thực của một số thành phố lớn ở Trung Quốc để có những mối quan hệ lâu dài thay vì chỉ XK từng chuyến với những DN nhỏ từ Hongkong hay bằng đường tiểu ngạch như trước đây.
Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu gạo của các nước, nhất là ở châu Á cũng sẽ tăng thời gian tới. Do bị sâu bệnh, mất mùa nên dự báo Indonesia sẽ nhập khẩu sớm hơn so với hàng năm và nhiều hơn với trên 2 triệu tấn. Philippines nhập bằng năm rồi, khoảng 1,2 - 1,5 triệu tấn… Thị trường chính vẫn là các nước châu Á như Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Philippines… Các nước châu Phi còn tồn một lượng hàng khi tranh thủ mua vào cuối năm do lo ngại giá gạo thế giới tăng mạnh khi Thái Lan nâng giá mua lúa trong dân lên cao, nhưng cũng sẽ mua trở lại thời gian tới. Vì vậy có thể nói, đầu ra hạt gạo vụ đông xuân 2011-2012 với khoảng 3,5 triệu tấn gạo hàng hóa đi vào ổn định.
Nói ổn định là vì, với việc tồn kho lớn, dù đã xuất khẩu 4 triệu tấn gạo, Ấn Độ vẫn còn trên 54 triệu tấn lương thực, trong đó riêng gạo chiếm trên 33 triệu tấn, trong khi nhu cầu nội địa chỉ cần số đó. Nhưng do phải đảm bảo an ninh lương thực nên vẫn chưa cho xuất khẩu tiếp. Nếu Ấn Độ có động thái gì chắc chắn giá gạo thị trường thế giới sẽ biến động theo chiều hướng xấu. Đó là chưa tính đến Myanmar cũng được dự báo là trúng mùa năm nay. Một điều cũng không kém phần quan ngại, đó là không loại trừ khả năng Thái Lan sẽ XK trở lại với giá cạnh tranh để giải phóng bớt lượng gạo tồn kho hiện nay trên 6 triệu tấn và có thể lên 10 triệu tấn vào thời gian tới.
Nhưng ông Trương Thanh Phong cho rằng, diễn biến thời tiết thất thường trên thế giới sẽ là yếu tố bất ngờ khác trong thời gian tới mà chưa ai có thể lường trước. Điều cần làm hiện nay là vụ sản xuất lúa hè thu tới cần có sự cân đối giống phù hợp thị trường. Các địa phương nên khuyến cáo bà con sử dụng giống lúa phẩm cấp trung bình trở lên để không bị động trước sự cạnh tranh mạnh mẽ hạt gạo của Ấn Độ và các nước vùng Nam Á khác.
ĐĂNG LÃM