Chuyện “chúa đảo” hòn Nồm

Chuyện “chúa đảo” hòn Nồm

Sống ở quần đảo Nam Du, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang, một ngư trường có tiếng mà cả tháng rồi chúng tôi không được ăn con cá đỏ. Chuyện về nạn tận diệt nguồn lợi thủy sản tưởng không có minh họa nào sinh động hơn thế.

        Tam đại đồng đường trên đảo vắng

Trong 21 hòn đảo của quần đảo Nam Du, 11 đảo có dân ở nhưng chỉ có một đảo là riêng một đại gia đình sinh sống. Đó là đại gia đình ông Dương Văn Sáu (Sáu Ánh), 67 tuổi. Từ hòn Lớn, ghe máy chạy chừng 20 phút thì thấy một chòm ba hòn đảo xanh rì nằm lẻ loi giữa bốn bề nước biếc, đó là hòn Nồm Ngoài, hòn Nồm Giữa và hòn Nồm Trong. Chúng tôi cập ghe vào hòn Nồm Giữa, tiến vào một ngôi nhà cấp bốn nằm giữa vườn cây trái xanh um. “Chú Sáu có nhà không? Có khách từ đất liền ra thăm”. Đáp lời khách, một ông già chống gậy ra hiên cười tươi chào đón.

Ông Sáu Ánh, chủ nhân đời thứ hai của đảo hòn Nồm.

Ông Sáu Ánh, chủ nhân đời thứ hai của đảo hòn Nồm.

Khuôn mặt của ông chủ nhà tươi trẻ hơn nhiều so với cái tuổi 67. Năm 1960, nghe tiếng quần đảo Nam Du nhiều cá, vắng người, cha ông mang theo gia đình rời quê nhà ở xã Dương Hòa, huyện Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang rong thuyền lênh đênh trên biển cả đi tìm miền đất hứa. Thuyền căng buồm ăn gió, ngày đi đêm nghỉ suốt ba ngày thì thấy một chòm ba đảo, thấy cảnh vật tươi tắn, gia đình ông quyết định dừng chân. Lên núi đốn gỗ, chặt lá dựng tạm cái chòi làm chỗ che nắng trú mưa rồi ban ngày họ lên rừng đào khoai mì, củ từ, củ nầng về ăn đỡ lòng. Tối đến, cả nhà đi câu cá, thẻ mực.

Chỉ với con dao, cây búa cùi, ông Vương Văn Kiều - cha ông Sáu, đốn cây khai hoang lập vườn. Bà Cơn - mẹ ông Sáu, thì mò ốc, đục hàu quanh ghềnh đá. May mắn một tháng, hai tháng mới có ghe hàng đến, họ đổi cá khô, mực khô thì mới có gạo ăn, dầu thắp. Còn ngày ngày phải ăn rau rừng, cá biển trừ bữa. Sống giữa trời nước mênh mông, họ biết nhìn mây, nhìn gió, nhìn trăng, nhìn sao, nhìn nước để đoán thời tiết: mây đen đóng cục là trời sắp mưa, mây thổi xé gió nhìn biết gió từ cấp năm trở lên, mây nằm gió thổi mạnh là có dông. Sao Bắc Đẩu ở phía Bắc, sao Chữ Thập (sao Đồng Cân) ở phía Nam. Nhìn sao nhấp nháy, thế nào một hôm, hai hôm nữa trời cũng xuống gió, sao trôi êm là trời êm, gió nhẹ. Mặt trăng quầng vàng trời nắng, quầng đen trời mưa. Với biển, trời đang êm cho xuồng đậu ngay bãi rạn, âm thanh nổ rắc rắc phát ra từ lòng biển là trời sắp thổi gió mạnh. Còn lặn xuống chạm vào rạn san hô, nghe tiếng động rắc rắc thì chắc chắn một vài hôm biển động…

Ông Sáu Ánh nhớ lại: “Buồn nhất là những ngày tết, ba, mẹ và tôi trơ trọi giữa biển, rừng, trong nhà không có trà, bánh, không rượu, không người thân. Nghĩ mà thương cho ba tôi, thèm trà, ông ra ghềnh hái lá bàng vàng đốt lửa than lên nướng có mùi thơm nấu nước uống đỡ buồn. Mẹ tôi nước mắt lưng tròng, cả gia đình khao khát được gặp người”…

Năm 1967, Sáu Ánh 20 tuổi gặp cô gái Võ Thị Huông ở Đồng Tháp đến hòn Ngang làm mướn. Hai người bén duyên chồng vợ. Miếng đất ở hòn Nồm cũng đã thành hình, trong vườn hơn 200 cây dừa lên cao vừa chắn gió vừa cho nước uống. Cả nhà không những trồng mít, xoài, mận, khoai mì, bắp, đậu xanh quanh nhà mà còn trồng lúa. Đó là giống lúa nàng cum trồng tháng tư đến tháng mười thu hoạch, mỗi công được chừng mười giạ. Gia đình ông gói ghém cũng tạm đủ gạo ăn qua ngày.

Rồi nơi hoang đảo thêm sinh khí khi có những tiếng khóc chào đời của con trẻ. Bà Sáu Huông lần lượt sinh chín người con, sáu gái, ba trai. “Chỉ có hai đứa ăn lương là con gái thứ sáu - Dương Ngọc Nhuận lấy chồng là bác sĩ ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kiên Giang nên vào bờ làm nội trợ, may vá, ăn ké lương chồng và con trai thứ bảy - Dương Ngọc Trung, đội Tham mưu hành chính, Công an huyện Kiên Hải; còn thì đều ăn cá”, ông Sáu Ánh vui vẻ. Ông thì hăng say đi biển câu, đánh lưới, thẻ mực. Mỗi chuyến đi biển về, ông Sáu Ánh chất đầy thuyền những là cá đao, cá hường, cá sủ… Nhưng lộc biển dễ kiếm chứ lộc đất thì khó nhằn. Mồ hôi, nước mắt và cả máu của ông bà, cha con, vợ chồng đổ xuống bao năm tháng để phá đá, phát rừng, bồi bổ đất mà đến nay diện tích đảo là mười hécta nhưng chỉ trồng trọt được ba hécta, còn thì toàn đá. Cha ông Sáu Ánh - chúa đảo Vương Văn Kiều mất năm 1982, thọ 77 tuổi, mẹ ông cũng tạ thế năm 2005, vậy là cả đại gia đình ba thế hệ “tam đại đồng đường” nhà họ Dương sống đầm ấm, yên vui trên đảo đã 53 năm!

Kể chuyện làm ăn, ông Sáu Ánh chép miệng thở dài ngao ngán: “Từ ngày tôi bệnh (năm 1988, đi lặn mò điệp, ngọc nữ, ông ham lặn sâu đến 40m nên bị nước ép. Gia đình đưa vào thành phố Rạch Giá cấp cứu may thoát chết nhưng để lại di chứng, nay thành tật bị tê từ chân lên ngực), con cái làm không lại ai. Làm biển phải nhớ con nước mà đi thì mới trúng. Nay con cái ngày nào thích thì đi, thích chơi thì nghỉ”. Nghe cha mắng, anh Dương Văn Thạnh, con út, chỉ cười trừ.

Theo ước tính của ông Sáu Ánh, lượng cá bây giờ so với ngày xưa đã giảm đến 70%. Xưa cá tràm nổi vàng nước, nay còn đâu. Xưa ngư dân Thái Lan, Singapore sang đánh trộm cá của mình, nay thì ngược lại. Xưa cá hường, cá đỏ nổi đỏ cả mấy công đất, nay cả tháng rồi ông không được ăn con cá đỏ. Giờ muốn ăn con cá kẽm phải câu từ sáng đến chiều không có. Xưa cạy con còm cọp (sống bám vào đá như con ngao), lấy ruột câu một tí là đầy khoang. Xưa cá đỏ từ ba cân đến bốn cân/con, cá hường bóng năm cân/con, cá sủ nặng từ mười cân đến mười lăm cân mỗi con. Năm 1960, lần đầu tiên câu được con cá sủ, kéo lên ông run cả người, mang về cân thì được hai mươi cân. Nhưng chưa thấm vào đâu. “Xưa cá đao nặng hai, ba tấn tôi kiếm được hàng nóc tàu. Cá đao ăn tươi, phơi khô đều ngon. Vi cá đao ăn ngon hơn vi cá mập. Đời tôi chưa thấy thứ gì ngon như cá đao. Nay con cái tôi không biết con cá đó thế nào. Cháu ngoại tôi hai mươi bảy tuổi có lần đánh lưới được một con cá nặng mười bốn cân đã hốt hoảng kêu toáng lên: Con cá gì to quá ngoại ơi!”, ông buồn bã so sánh. Không nối nghiệp cha tung hoành các ngư trường xa nữa, con cái ông Sáu Ánh chỉ đánh bắt ven bờ và chuyên bủa lưới bắt cá xanh xương (cá nhái).

Mỗi năm gia đình ông Sáu Ánh sản xuất hai tấn cá khô, bán được 70 triệu đồng, trừ chi phí, lãi được 50 triệu đồng.

Mỗi năm gia đình ông Sáu Ánh sản xuất hai tấn cá khô, bán được 70 triệu đồng, trừ chi phí, lãi được 50 triệu đồng.

        Thấy số tiền phạt mà hãi

Ông Trần Chí Viễn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, cho biết: Sản lượng khai thác thủy sản hàng năm của tỉnh đạt 421.201 tấn. Toàn tỉnh hiện có 12.365 tàu cá, trong đó 255 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá, tổng công suất trên 1,67 triệu CV, bình quân 135 CV/chiếc. Trong những năm qua, công tác quản lý tàu cá đã được tăng cường nhưng do số lượng tàu lớn, ngư trường rộng nên vẫn còn nhiều khó khăn; tàu cá hoạt động không đúng với nghề đăng ký và vi phạm các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản vẫn còn nhiều. Qua tuần tra, kiểm soát, năm 2012, cơ quan chức năng đã lập biên bản và xử phạt vi phạm hành chính 909 tàu cá vi phạm. Hiện nay, vùng bờ biển Kiên Giang đã được phủ sóng thông tin di động nên khi phát hiện lực lượng kiểm ngư, các tàu cá thông báo cho nhau tìm mọi cách lẩn tránh lực lượng kiểm tra, để khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Theo Nghị định 31/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và Nghị định số 33/2010/NĐ-CP quản lý hoạt động khai thác thủy sản của tổ chức, cá nhân Việt Nam trên các vùng biển; với hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường sống của các loài hải sản sẽ bị xử phạt tối đa tới 10 triệu đồng, bị tịch thu trang bị, phương tiện (trừ tàu cá và thiết bị an toàn hàng hải) và tước giấy phép khai thác sáu tháng, buộc phải khôi phục tình trạng ban đầu môi trường tự nhiên. Với loại vi phạm quy định bảo vệ các loài thủy sản có thể bị phạt tới 40 triệu đồng với lượng khai thác từ 500kg trở lên... Ông Viễn bảo sở dĩ số vụ vi phạm không giảm, nguyên nhân một phần là do xử phạt quá nhẹ, thiếu sức răn đe. Nhưng ông Lê Văn Lắm, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kiên Giang, trước đây từng làm Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Kiên Giang, có cái nhìn khác.

Ông cho biết, toàn tỉnh có mười tàu kiểm ngư. Trước đây một năm phạt tổng cộng 1,2 tỷ đồng đã hết hồn rồi, nay Chi cục Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Kiên Giang công bố số tiền phạt lên đến 8-9 tỷ đồng mỗi năm. Xưa ông Lắm cho tàu đỗ ở vùng bảo vệ để dân biết mà tránh. Nay người ta cho tàu núp, rình tàu cá của dân vào đánh tại vùng bảo vệ là ập vào phạt. Theo ông, phải đẩy mạnh tuyên truyền để dân hiểu, từ đó tự giác chấp hành việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Làm sao mỗi năm thấy số tiền phạt thấp là mừng. Có như vậy mới hết cảnh người ở giữa biển khơi như cháu ngoại ông Sáu Ánh mà đánh lưới được con cá nặng có 14kg đã… hốt hoảng.

"Lưới bao đánh một lần cả chục tấn. Mắt lưới nhỏ, vét không chừa con nào, cá không kịp lớn. Biển bây giờ chỉ tôm là nhiều, vì ít bị cá ăn"

Anh TRẦN NGỌC ẨN, ngư dân ở bãi Cây Mến, xã An Sơn, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang

ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG

Tin cùng chuyên mục