Ngay sau khi bài “Đằng sau việc cuộc thi hoa hậu thế giới chuyển về Tiền Giang bất thành: Lộ diện rút ruột tài sản công?”, đăng trên báo Sài Gòn Giải Phóng hôm qua 10-5, trở lại tỉnh Tiền Giang, chúng tôi phát hiện thêm nhiều tình tiết mới liên quan đến việc cổ phần hóa cũng như chuyện làm ăn của Công ty cổ phần Du lịch Tiền Giang (CTDLTG).
Gia đình Hoàng Kiều giữ trên 96% cổ phần?
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch- Đầu tư tỉnh Tiền Giang, CTDLTG được thành lập vào tháng 1-1983, đến tháng 2-1987 sáp nhập vào Công ty Ăn uống - Khách sạn Tiền Giang và đổi tên thành Công ty Du lịch Tiền Giang. Năm 2005 công ty được đổi tên thành CTDLTG, tiến hành đại hội cổ đông lần đầu vào ngày 4-3-2005.
Tất nhiên, cổ phần bán đợt đầu tiên là dành cho cán bộ, viên chức làm việc trong công ty. Còn những đợt bán cổ phần sau, ông Huỳnh Thanh Hiền, một cán bộ của Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Tiền Giang nhớ lại: “Ban đầu cổ phần nhà nước chiếm 51% vốn điều lệ, năm sau công ty có công văn đề nghị bán hết phần cổ phiếu còn lại. Tỉnh mới bàn, nếu chuyển cái rụp thì sốc quá, chấp thuận chỉ bán 21%. Đợt bán đấu giá đó phải tổ chức 2 lần, vì lần đầu một cá nhân tại TPHCM trúng đấu giá với giá rất cao so với giá khởi điểm. Tuy nhiên vị khách này đã “bỏ chạy”, chịu mất tiền cọc, cuộc đấu giá bất thành. Sau đó tiến hành tổ chức đấu giá lại, ông Hoàng Kiều mua hết toàn bộ số cổ phiếu, tôi nhớ giá trên 30.000 đồng/cổ phiếu”.
Sau đó, đến năm 2008, số cổ phần nhà nước còn lại của CTDLTG được chuyển giao cho Tổng Công ty Quản lý vốn Nhà nước. Vì thế số liệu về kết quả bán đấu giá lần cuối cùng vào tháng 3-2009 nằm ngoài tầm quản lý của Sở Kế hoạch- Đầu tư. Tuy nhiên, khi đại diện của CTDLTG đến sở này đăng ký, thì người trúng đấu giá chính là Hoàng Sammy Hùng.
Hiện nay có 3 cổ đông lớn của CTDLTG là bà Đào Thị Lan Phương, ông Hoàng Kiều và ông Hoàng Sammy Hùng, vậy có liên quan gì với nhau? Ông Nguyễn Hồng Minh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, khẳng định “đó là gia đình của Hoàng Kiều”. Ông phân tích: “Trong hồ sơ tôi thấy, bà Phương và ông Hùng có cùng địa chỉ ngụ tại TPHCM, còn ông Hùng và ông Hoàng Kiều có cùng địa chỉ ngụ tại Mỹ, tổng số cổ phiếu của CTDLTG họ nắm giữ là trên 96%. Hơn 3% số cổ phần còn lại chỉ là của cán bộ công nhân viên mà thôi”.
Như vậy, CTDLTG đã hoàn toàn “lột xác”. Điều chúng tôi cố gắng tìm hiểu chính là số tiền nhà nước đã thu được bao nhiêu sau khi cổ phần hóa (có phải 7,5 tỷ đồng mà dư luận hoài nghi như bài báo trước đã nêu). Việc cho thuê mặt bằng theo giá nào thì các vị lãnh đạo Sở Kế hoạch - Đầu tư tỉnh Tiền Giang cho rằng không quản lý, chỉ sang các cơ quan khác.
Phơi bày con nợ
Có thể nói, trong những công trình hiện diện rõ nét nhất của CTDLTG tại tỉnh Tiền Giang chính là khu du lịch tại cù lao Thới Sơn, thuộc TP Mỹ Tho. Ông Mai Thanh Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Mỹ Tho cho biết, tỉnh phê duyệt quy hoạch và công bố vào cuối năm 2009, đầu năm nay mới tiến hành cấp phép xây dựng công trình trên, diện tích 13ha.
Từng hạng mục đã xây dựng hoàn thành trên cù lao Thới Sơn trông khá đẹp mắt, nhưng đi kèm theo đó là “xì xào” về chuyện nợ nần của CTDLTG. Ngày 10-5, ông Nguyễn Văn Tư ngụ ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn, thành phố Mỹ Tho cho biết đã ký hợp đồng với luật sư để chuẩn bị khởi kiện ra tòa CTDLTG vì nợ gần 18 tỷ đồng từ tháng 10-2009 đến nay nhưng chưa trả. Theo đó, tháng 6-2009 ông Trần Thanh Tiến, Tổng giám đốc CTDLTG ký hợp đồng với ông Tư để mua 2,3ha đất gần khu du lịch Thới Sơn với số tiền gần 30 tỷ đồng. Theo thỏa thuận sau khi hai bên ra công chứng hợp đồng chuyển nhượng thì CTDLTG phải trả tiền cho ông Tư. Thế nhưng, công chứng xong, tiền trước bạ đã nộp, đặc biệt sổ đỏ đã đứng tên chủ mới, vậy mà CTDLTG chỉ thanh toán cho ông Tư 18 tỷ đồng!
Quá bức xúc về việc thanh toán trễ số tiền còn lại, ông Tư nộp đơn đến UBND xã để kiện CTDLTG. Tuy nhiên xã hòa giải, hai bên đã hai lần ký kết văn bản thỏa thuận trả nợ, nhưng đến nay ông Tư chẳng thấy tiền đâu. Ông Nguyễn Phục Dũng, Chủ tịch UBND xã Thới Sơn cho biết, việc CTDLTG thiếu nợ ông Tư 18 tỷ đồng là đúng sự thật. Tuy nhiên, khi xã mời đại diện đến để giải quyết theo đơn thưa của ông Tư thì chủ nhân CTDLTG không có mặt.
Cũng tại cù lao Thới Sơn, chúng tôi phát hiện thêm một trường hợp nợ khác của CTDLTG. Đó là với người bán nhà rường cổ. Ông Dương Đình Vinh, người chuyên cung cấp nhà rường cho CTDLTG kể, theo hợp đồng ký kết, ông sẽ cung cấp 16 căn nhà rường. Hiện nay đã chuyển vào 12 căn, nhưng công ty chỉ đưa 5 tỷ đồng tiền cọc, số tiền còn lại vẫn chưa trả!
Lương Thiện
- Thông tin liên quan: