(SGGP).- Ngày 1-3, lãnh đạo Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, lúc 14 giờ 45 ngày 1-3, chuyến bay mang số hiệu QR614 bay từ Doha (UAE) chở 50 lao động Việt Nam đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Nội Bài. Như vậy, số lao động Việt Nam tại Libya về nước tính đến 16 giờ ngày 1-3 là 1.075 người.
Theo kế hoạch, 23 giờ ngày 1-3, chiếc Boeing 777 đầu tiên của Vietnam Airlines hạ cánh xuống sân bay Nội Bài chở theo 318 lao động làm việc tại Libya. Đây là chiếc Boeing 777 xuất phát từ Nội Bài đêm 28-2 chở đoàn công tác do Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH Nguyễn Thanh Hòa dẫn đầu, mang theo 8 tấn lương thực, thực phẩm, thuốc men và quần áo ấm để cung cấp cho lao động Việt Nam đang chờ di tản khỏi Libya. Như vậy, cộng với 318 lao động về trong đêm 1-3, tổng số lao động về nước trong ngày 1-3 là 1.393 người.
Dự kiến, trong hai ngày 2 và 3-3, sẽ có thêm khoảng 1.000 lao động nữa trở về Việt Nam.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Quốc Nam, Phụ trách Quan hệ với các cơ quan đối tác của Tổ chức Di dân quốc tế (IOM) tại Hà Nội, hiện IOM đã nhận được đề nghị hỗ trợ từ 7 nước thành viên, trong đó có Việt Nam hỗ trợ sơ tán người lao động. Hiện nay, trừ văn phòng IOM tại Libya dừng hoạt động do bạo loạn, tại tất cả nước láng giềng với Libya, IOM đều có văn phòng.
Những văn phòng này cùng 2 nhóm công tác của IOM đang có mặt ở biên giới Ai Cập, Tunisia giáp với Libya đã kết hợp với chính quyền nước sở tại, Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế để trợ giúp lao động sơ tán.
Hình thức trợ giúp gồm: hỗ trợ lương thực, thuốc men, trợ giúp đăng ký với đại sứ quán Việt Nam tại các nước để cấp hộ chiếu, giấy thông hành và đặt vé máy bay về nước. Sau khi 5 đoàn công tác của Việt Nam đến các nước láng giềng của Libya (hiện một đoàn đã đến Thổ Nhĩ Kỳ), văn phòng IOM tại các nước này sẽ có kế hoạch cụ thể để hồi hương lao động Việt Nam.
Cho đến chiều 1-3, tổ chức IOM đã lập trại để tiếp đón 1.000 lao động Việt Nam đến biên giới Tunisia. Các lao động này đã được bố trí nơi ở và lương thực thực phẩm. Ngay sau khi nhận được yêu cầu cứu trợ của Công ty cổ phần Việt Thắng (VTC) với 514 lao động được chủ sử dụng đưa đến sân bay Istabul (Thổ Nhĩ Kỳ) nhưng chưa thu xếp vé máy bay về nước, thức ăn cũng cạn kiệt, IOM Hà Nội đã liên hệ với văn phòng ở Ankada cử 2 cán bộ xuống để giúp đỡ về y tế, thực phẩm và liên hệ với các hãng hàng không để mua vé cho lao động về nước.
Tại biên giới Ai Cập, IOM cũng phối hợp với các tổ chức: Hội Chữ thập đỏ, Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế hỗ trợ lao động chỗ ăn, ở và liên hệ với các cơ quan cần thiết để cấp giấy tờ, vé đi lại.
Không chỉ Libya, tình hình tại Baranh và Oman, nơi đang có lao động Việt Nam làm việc, cũng đang xảy ra các cuộc biểu tình chống đối Chính phủ. Vì vậy, trong động thái mới nhất, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã yêu cầu các doanh nghiệp khẩn cấp rà soát tổng số lao động đã đưa đi làm việc tại Baranh và Oman, đối tác, địa chỉ liên hệ… và báo cáo cục. Các doanh nghiệp cần theo dõi sát tình hình, đồng thời báo cáo ngay Đại sứ quán Việt Nam tại Kuwait để được hướng dẫn và hỗ trợ xử lý kịp thời. Các cán bộ đại diện của doanh nghiệp cũng cần khuyến cáo lao động tránh xa những địa điểm có biểu tình.
Theo ông Phạm Sỹ Tam, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập, ở sân bay Cairo còn hàng trăm lao động đang chờ đợi về nước. Tuy nhiên, việc mua vé máy bay cho lao động gặp khó khăn do tại sân bay Cairo có rất đông lao động các nước đang chờ di tản.
Lâm Nguyên - Phúc Hậu