Từ ngày 17 đến 19-11, Tổng thống Pháp François Hollande thực hiện chuyến công du tới Israel và Palestine trong bối cảnh tiến trình hòa bình Trung Đông đang diễn ra không như mong muốn, đến nỗi Ngoại trưởng Mỹ John Kerry phải lên tiếng cảnh báo về nguy cơ nổ ra một “cuộc chiến Intifada lần thứ ba”. Báo Pháp, tờ Le Monde cho rằng, một chuyến công du đến Israel và lãnh thổ của người Palestine luôn luôn là bài toán cân bằng chính sách hóc búa và tế nhị...
Hoàn cảnh tế nhị
Theo tờ Le Monde, Tổng thống Pháp sẽ đối diện với tình thế rất tế nhị: khi phát biểu trước Quốc hội Israel, ông rất khó xác định lập trường Jerusalem “có xu hướng trở thành thủ đô của hai nhà nước” mà cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy đã đưa ra hồi năm 2008 hay là lên án chính sách đẩy mạnh xây dựng các khu định cư, trục xuất người Palestine của Israel? Hay ông sẽ chấp nhận công nhận Israel là “Quốc gia - Nhà nước của dân tộc Do Thái” như người Israel từng nhiều lần đề nghị một cách quyết liệt?
Trong khi đó, người Palestine chờ đợi Tổng thống François Hollande tái khẳng định lập trường truyền thống của Pháp ủng hộ cuộc đấu tranh của họ và lo ngại mọi thứ sẽ diễn biến theo chiều hướng như Israel mong muốn. Họ biết rằng nước Pháp đã sẵn sàng tổ chức một hội nghị mới, các nhà tài trợ tại Paris và Pháp sẽ là một trong những nhà tài trợ lớn. Viện trợ của Pháp hiện nay ước tính khoảng 80 triệu EUR/năm, chưa kể khoản đóng góp chiếm 16% gói viện trợ của Liên minh châu Âu cho Palestine.
Tổng thống Pháp đến Israel trong lúc chính phủ của Thủ tướng Israel B.Netanyahu mới tuyên bố tái khởi động chương trình phát triển các khu định cư, một quyết định đe dọa tới tiến trình đàm phán với người Palestine. Liệu ông Hollande có thể mạo hiểm chọc giận các lãnh đạo Israel bằng việc yêu cầu “chấm dứt hoàn toàn và ngay lập tức chính sách xây dựng các khu định cư” hay không? Trên thực tế, Pháp gắn chặt với lập trường của Liên minh châu Âu, theo đó tất cả các thực thể của nước này nằm trong khu định cư sẽ không được hưởng ưu đãi về tài chính trong chương trình hỗ trợ khoa học của châu Âu Horizon 2020.
Hồi tháng 7 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã ban hành những hướng dẫn chính sách mới cấm các cơ quan và tổ chức thuộc EU cấp vốn hay cho vay, tặng, trao học bổng cũng như giải thưởng cho bất kỳ tổ chức nào nằm trong hoặc liên kết với các khu định cư Do Thái. Trong một số trường hợp, lệnh cấm này còn áp dụng với các tổ chức của Israel hoạt động trên Giới tuyến Xanh, dù trực tiếp hay gián tiếp. Chính sách mới này của EU còn quy định bất kỳ thỏa thuận nào giữa Israel và EU phải bao gồm một điều khoản nêu rõ rằng các khu định cư ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và cao nguyên Golan không thuộc Nhà nước Israel. Israel đang cố gắng để thay đổi nhưng Liên minh châu Âu không chấp nhận và ông Hollande sẽ phải nhắc nhở Tel Aviv về điều này.
Tìm cơ hội hợp tác kinh tế
Ngoài ra, ông Hollande đến Israel còn vì mục đích khác. Ông Hollande sẽ cùng với Tổng thống Israel Shimon Peres và Thủ tướng Netanyahu khai mạc “Ngày sáng tạo” tại Tel Aviv với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp hai nước nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác kinh tế song phương, nhất là tạo điều kiện cho việc thành lập các công ty mới khởi nghiệp của Pháp tại Israel.
Pháp có thể là một đối tác kinh tế lớn đối với nhà nước Do Thái, nhưng sự hiện diện thương mại của nước này còn thấp, mới chiếm 2,17% thị phần (tương đương 3 tỷ USD) so với 6,58% của Đức và 3,65% của Italia. Đầu tư của Pháp tại Israel đạt 1,5 tỷ eur, chiếm 2,5% tổng đầu tư nước ngoài, nhưng đầu tư của Israel sang Pháp gần như không tồn tại, ước tính khoảng 107 triệu EUR. Đối với các doanh nghiệp Pháp, Israel vẫn là một miền đất bị xung đột đe dọa thường trực và có nhiều rủi ro địa chính trị. Chuyến thăm của Tổng thống Hollande chủ yếu để thay đổi hình ảnh Israel với điểm nhấn tập trung vào hợp tác kinh tế giữa hai nước. Việc công bố hàng loạt hợp đồng được ký kết nhân dịp này của các công ty hàng đầu của Pháp như Alstom, SNCF, Orange và EDF sẽ khẳng định thông điệp này.
VIỆT ANH (tổng hợp)