Chuyển đổi các trường ĐH dân lập sang tư thục: bất ổn! Bài 2: Lúng túng cơ chế phân định tài sản

Nếu cơ sở pháp lý chưa chặt chẽ, không chỉ việc chuyển đổi không thành công mà sẽ đẩy các trường vốn bất ổn càng thêm phức tạp hơn, đồng thời làm nản lòng những nhà đầu tư tâm huyết với giáo dục. Và như vậy, chủ trương xã hội hóa giáo dục đại học sẽ gặp nhiều rào cản trong quá trình phát triển.
Chuyển đổi các trường ĐH dân lập sang tư thục: bất ổn! Bài 2: Lúng túng cơ chế phân định tài sản

Nếu cơ sở pháp lý chưa chặt chẽ, không chỉ việc chuyển đổi không thành công mà sẽ đẩy các trường vốn bất ổn càng thêm phức tạp hơn, đồng thời làm nản lòng những nhà đầu tư tâm huyết với giáo dục. Và như vậy, chủ trương xã hội hóa giáo dục đại học sẽ gặp nhiều rào cản trong quá trình phát triển.

  • Thông tư 20 chưa chặt chẽ

Nhìn vào thực tế và lịch sử hình thành các trường ĐHDL từ khi thành lập đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng, khi thực hiện Thông tư 20 chuyển sang tư thục, có thể khái quát thành 3 loại hình trường ĐHDL: một, là những trường thực chất là của một gia đình như ĐH Thăng Long, ĐH Hồng Bàng, ĐH Duy Tân (Đà Nẵng)...; hai, là những trường có nhiều người góp vốn ban đầu nhưng sau nhiều năm hoạt động tài sản thuộc sở hữu chung không đáng kể như ĐH Đông Đô, ĐH Hùng Vương, ĐH Văn Hiến...; ba, là những trường có nhiều người góp vốn ban đầu và tài sản tích lũy trong quá trình hoạt động rất lớn so với số vốn ban đầu như: ĐH Văn Lang, ĐH Công nghệ Sài Gòn...

Từ sự phân loại này, theo các chuyên gia, khi chuyển đổi sang tư thục thì loại trường thứ nhất thuận lợi hơn bởi lẽ mâu thuẫn nếu có đều dễ dàng được dung hòa do cơ cấu lãnh đạo trong giai đoạn dân lập đã được xắp xếp sẵn.

Loại trường thứ 2 cũng không gặp trở ngại nhiều khi chuyển đổi bởi lẽ tài sản sở hữu chung không đáng kể, thậm chí vốn ban đầu thường rất nhỏ do đó xử lý tài chính, tài sản không phức tạp. Tuy nhiên, khi chuyển sang tư thục, muốn trường phát triển phải có nhà đầu tư có tiềm lực tài chính mạnh và khi đó khó khăn sẽ phát sinh giữa người mới và người cũ.

Ở loại trường thứ 3, xử lý các vấn đề tài chính rất phức tạp. Thực tế, cuối năm 2010, hàng loạt trường như ĐH Văn Lang, ĐH Công nghệ Sài Gòn, ĐH Hùng Vương… đã thực hiện chuyển đổi nhưng bất thành và phát sinh mâu thuẫn và tranh giành quyền lực giữa các nhóm liên quan.

Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn đã hoàn tất hồ sơ chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình trường tư thục nhưng đang bị vướng vì Thông tư 20 chưa rõ ràng. Ảnh: T.Hùng

Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn đã hoàn tất hồ sơ chuyển đổi sang hoạt động theo loại hình trường tư thục nhưng đang bị vướng vì Thông tư 20 chưa rõ ràng. Ảnh: T.Hùng

Có thể nói, khi các trường chuyển đổi dựa theo các cơ sở pháp lý hướng dẫn đã nảy sinh độ vênh khá lớn so với thực tế. Phần lớn những vướng mắc tập trung ở khâu xử lý phần tài sản đã tích lũy được trong quá trình họat động của các trường mà Thông tư 20 chưa quy định rõ. Thông tư 20 hướng dẫn: tài sản tích lũy được trong quá trình họat động theo quy chế dân lập là sở hữu tập thể, không chia cho cá nhân và được giao cho hội đồng quản trị của trường tư thục quản lý.

Trong khi đó, Quyết định 61 lại quy định: hội đồng quản trị của trường tư thục là tổ chức do những người có vốn góp bầu ra. Nghĩa là những thành viên của tập thể trường dân lập mà không có vốn góp thì không có quyền tham gia bầu hội đồng quản trị dù họ cũng có công làm nên khối tài sản tích lũy được xác định là sở hữu của tập thể.

Nếu thực hiện theo những quy định này, có một bộ phận thành viên của trường dân lập khi chuyển đổi sẽ bị tước mất quyền đối với phần tài sản mà pháp luật đã thừa nhận là họ có quyền sở hữu. Do đó, nhiều trường ở loại thứ 3 khi chuyển sang tư thục không chỉ lúng túng, không thể nào đạt được sự đồng thuận trong nhà trường. Nhiều vấn đề phát sinh thậm chí dẫn đến nguy cơ mất ổn định về tổ chức, nhân sự, tranh giành quyền lực, lợi ích.

  • Phải lượng hóa những tài sản vô hình

Nhiều chuyên gia cho rằng, từ những đồng vốn đầu tiên của những người tâm huyết sáng lập, qua quá trình phát triển tài sản của các trường dần phình to sau khi đã khấu trừ các khoản thuê mướn, lương cho giảng viên… nên vấn đề định giá tài sản này phải làm sao để tính đúng, tính đủ, điều này quả không phải là một bài toán dễ. Bởi lẽ, từ khi còn là trường dân lập, số tài sản tích lũy của các trường thường nằm gọn trong ngân hàng để hưởng lãi suất. Có trường thì tái đầu tư mua đất, xây trường, mua sắm trang thiết bị nhưng cũng có trường không đầu tư mà chia cho nhau hết.

Do đó, theo các chuyên gia, ở khâu định giá tài sản, cần phải chú ý đến 2 loại tài sản: Tài sản hữu hình và tài sản vô hình. Đối với tài sản hữu hình gồm tiền mặt, cơ sở vật chất, trang thiết bị, đất đai... việc định giá chỉ cần mời công ty thẩm định giá có tư cách pháp nhân được Bộ Tài chính cấp phép. Tuy nhiên, loại tài sản vô hình (giá trị thương hiệu, giá trị đóng góp chất xám của đội ngũ giảng viên) cũng phải được lượng hóa.

GS-TSKH Đào Văn Lượng, Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn cho rằng: Hiện nay Thông tư 20 lẫn Quyết định 61 không tính đến loại tài sản này. Trong khi đó, để xây dựng trường ổn định, phát triển và đóng góp nguồn nhân lực cho xã hội không chỉ có các nhà đầu tư mà còn phải tính đến sự đóng góp của tập thể đội ngũ tri thức, lãnh đạo nhà trường. Có như thế mới đảm bảo tính công bằng.

Cùng với quan điểm này, nhiều trường khác cũng cho rằng công sức, trí tuệ và tên gọi của trường cũng cần phải lượng hóa thành giá trị đóng góp tương đương.

Không chỉ vậy, vấn đề nóng bỏng và được xem là trở ngại lớn nhất hiện nay khi chuyển đổi các trường dân lập sang tư thục là việc xử lý phần tài sản tích lũy của các trường. Có trường đòi phải chia đồng đều, có trường đòi do hội đồng quản trị nắm giữ, có trường cho rằng đó là sở hữu tập thể nên không chia.

Ví dụ như Trường ĐHDL Văn Lang, khi chuyển sang tư thục, trường được công ty thẩm định giá xác định tài sản tích lũy của trường là trên 260 tỷ đồng. Đây là số tiền mà trường tích lũy từ lợi nhuận để mua sắm cơ sở vật chất, đất đai để phát triển trường. Tuy nhiên, Thông tư 20 lại quy định đem số tài sản này giao cho hội đồng quản trị quản lý và không chia.

Tương tự, Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn có giá trị hơn 90 tỷ đồng được tích lũy qua quá trình phát triển trường cũng phải thực hiện theo Thông tư 20. Trước những khối tài sản không lồ này, nếu là của tập thể và quy định không chia nhưng lại giao cho hội đồng quản trị quản lý đã làm nhiều cán bộ, giảng viên lẫn nhà đầu tư tranh cãi quyết liệt.

Chỉ sau một thời gian hoạt động, tài sản của các trường đã tăng một cách chóng mặt, từ một hay vài tỷ đồng vốn ban đầu, đến nay tài sản các trường đã lên đến hàng trăm tỷ đồng. Nếu nói là tài sản của những người góp vốn ban đầu thì hóa ra đầu tư trường học quả là siêu lợi nhuận bởi khối bất động sản khổng lồ. Còn nếu nói tài sản là của cộng đồng thì các cá nhân góp vốn không đồng tình.

  • Phải làm rõ “lợi nhuận” và “phi lợi nhuận”

Một vị giáo sư phác họa mô hình chuyển đổi và làm rõ “lợi nhuận” và “phi lợi nhuận” như sau: Nhà nước có thể phân các nhà đầu tư tư nhân vào giáo dục thành hai nhóm: Nhóm thứ nhất là nhóm mưu cầu lợi ích, nhưng tình nguyện dùng lợi ích này để phát triển mở rộng quy mô và chất lượng cơ sở giáo dục. Đây là loại trường tư thục phi lợi nhuận (không vì lợi nhuận).

Với loại trường này, Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ như cấp đất, miễn thuế với một ràng buộc rõ ràng: trích trên 70% lợi nhuận thường niên được sử dụng để tăng quy mô vật chất, củng cố chất lượng cơ sở và phân bổ cổ phần cho những người có quá trình làm việc, cống hiến cho sự phát triển của trường liên tục từ 10 năm trở lên.

Từ đây, một kết quả tất yếu sẽ hình thành, đó là chỉ vài mươi năm sau những trường không vì lợi nhuận đã trở thành những trường có uy tín, cơ sở vật chất phát triển và được xã hội thừa nhận. Quan trọng hơn, từ chỗ vài chục người, vài trăm người sở hữu, trường sẽ trở thành sở hữu của hàng vạn người khi cổ phần liên tục được mở rộng.

Ngược lại, với những trường vì “lợi nhuận” (không đăng ký tình nguyện sử dụng lợi ích của cơ sở đào tạo vào việc tái đầu tư cho đào tạo), Nhà nước sẽ không có ưu đãi. Ngoài ra, Nhà nước sẽ áp mức thuế rất lớn trên lợi nhuận hàng năm như một loại hình kinh doanh dịch vụ, rồi dùng những khoản tiền thu được này củng cố chất lượng của những cơ sở giáo dục công lập. 

THANH HÙNG

- Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Quá tầm kiểm soát

Tin cùng chuyên mục