Chuyển đổi các trường ĐH dân lập sang tư thục: bất ổn. Bài 1: Quá tầm kiểm soát

Bình mới rượu cũ
Chuyển đổi các trường ĐH dân lập sang tư thục: bất ổn. Bài 1: Quá tầm kiểm soát

Ra đời trong bối cảnh bộ khung pháp lý còn tạm bợ và chắp vá nhưng các trường đại học dân lập (ĐHDL) đã nỗ lực vươn lên và có đóng góp đáng kể cho giáo dục đại học suốt 23 năm qua. Tuy nhiên, trong khi còn đầy rẫy những yếu kém chưa được giái quyết, việc cập rập chuyển đổi các trường dân lập thành trường tư thục đã khiến những bất ổn trong các trường bùng phát và vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ quan quản lý.

Sinh viên thực tập tại Phòng thí nghiệm Cơ điện tử Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TPHCM. Ảnh: T.Hùng

Sinh viên thực tập tại Phòng thí nghiệm Cơ điện tử Trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ TPHCM. Ảnh: T.Hùng

Bình mới rượu cũ

Theo Quyết định 122 của Chính phủ, có 19 trường ĐHDL phải hoàn thành chuyển đổi trước thời hạn 30-6-2007. Nhiệm vụ này được giao cho Bộ GD-ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành để ban hành quy định, hướng dẫn việc chuyển đổi. Tuy nhiên, đến nay, dù đã vượt qua cột mốc giới hạn  khá lâu, tất cả những ngổn ngang của việc chuyển đổi vẫn còn chồng chất.

Ngược dòng thời gian, ngày 29-5-2006, bằng Quyết định 122, Chính phủ đã cụ thể hóa chủ trương chuyển các trường đại học dân lập sang hoạt động theo mô hình tư thục nhằm làm rõ vấn đề “lợi nhuận” hay “phi lợi nhuận”, tạo điều kiện giúp các trường phát triển đúng hướng theo chủ trương xã hội hóa của nhà nước (thực hiện đa dạng hóa các loại hình trường và các hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục).

Quyết định này nêu rõ: việc chuyển trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục phải bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, minh bạch và đúng quy định về mặt tài sản, vốn; bảo đảm quyền lợi chính đáng của những người đã có đóng góp thực sự trong quá trình hình thành và phát triển trường, quyền lợi của người lao động và quyền lợi của người học, phù hợp với Điều lệ quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục và pháp luật hiện hành.

Trước đó, Nghị định 75 năm 2006 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục năm 2005 đã được ban hành. Trong đó, Nghị định 75 lại quy định đối với giáo dục đại học chỉ có loại hình công lập và tư thục, vì vậy, Quyết định 122 là điều tất yếu để những trường ĐHDL tồn tại ngoài luật đi vào luật và được hoạt động rõ ràng hơn.

Tuy nhiên, với sự đề xuất của Bộ GD-ĐT thì 19 trường đại học dân lập chuyển đổi qua tư thục, dù thông tư hướng dẫn chuyển đổi chưa có, quy chế trường đại học tư thục chưa có nên sự “hóa thân” cấp tập và chóng vánh này chỉ mang tính chất “dán nhãn” cho chiếc bình mới đựng rượu cũ.

Bất ổn nghiêm trọng

Sau Quyết định 122, đến năm 2009, Quyết định quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục được ban hành (gọi tắt là Quyết định 61) và tiếp đến là Thông tư hướng dẫn chuyển đổi sang tư thục (Thông tư 20, ngày 16-7-2010), các trường dân lập gấp rút hoàn tất hồ sơ để chuyển sang tư thục. Hồ sơ hoàn tất, các quyết định chấp thuận việc chuyển đổi, nên mặc nhiên các trường ngộ nhận mình đã được “lột xác” thành trường tư thục. Chính sự ngộ nhận cùng với những toan tính mưu cầu lợi ích đã khiến nhiều trường phát sinh những bất ổn nghiêm trọng. Cụ thể là việc chuyển đổi từ dân lập sang tư thục của Trường ĐHDL Hùng Vương TPHCM, mà bắt đầu từ những khuất tất trong việc định giá tài sản.

Năm 2007, Trường ĐH Hùng Vương TPHCM được định giá 17 tỷ đồng (chỉ tính tiền mặt hiện có gửi trong ngân hàng). Thế nhưng, đến ngày 12-6-2009 (thời điểm các nhà đầu tư mới góp vốn để chuyển sang tư thục) hội đồng quản trị của trường vẫn tiếp tục xác định tài sản nhà trường là 17 tỷ đồng.

Theo nhiều cán bộ giảng viên trong trường, việc xác định tài sản nhà trường rõ ràng có vấn đề, đồng thời sai cả về mặt pháp lý. Vì năm 2005, theo thông tin mà chúng tôi có được, tổng giá trị tài sản của trường này đã trên 18,7 tỷ đồng. Còn tại thời điểm năm 2009, giá trị tài sản của trường là 22,1 tỷ đồng. Chính việc này làm đã dấy lên dư luận hoài nghi đã có sự toan tính trong việc định giá thấp tài sản của trường.

Không chỉ có những khuất tất trong việc định giá tài sản khiến cán bộ công nhân viên của trường bất bình, mà việc điều hành cũng xảy ra nhiều bất cập. Đó là, từ khi chuyển sang hoạt động theo mô hình tư thục, ban kiểm soát hầu như không hoạt động đúng theo quy định của pháp luật và tất cả các biên bản của hội đồng quản trị đều không có giá trị pháp lý. 

Mong manh vẫn hoàn mong manh

Hiệu trưởng một trong những trường ĐHDL “sinh non” ngao ngán nói: “Cơ quản chủ quan xem đây như là đứa con bất đắc dĩ nên cứ bỏ mặc, dù có quan tâm nhưng rất hời hợt. Nhìn lại từ lúc hình thành đến nay, dường như các cơ chế quản lý, hành lang pháp lý cho hệ thống trường này phát triển đúng hướng rất lỏng lẻo.

Thực tế, Bộ GD-ĐT quản lý trường công bằng hai công cụ: ngân sách và nhân sự. Còn đối với các trường dân lập, bộ chỉ quản lý được chỉ tiêu, chương trình đào tạo. Từ việc quản lý yếu, cơ sở pháp lý thiếu chặt chẽ nên bộ luôn bị động và khó xử trước những bất ổn nảy sinh của các trường. Do đó, nhiều trường dù chuyển sang tư thục cũng chỉ đi từ cái tệ này sang cái tệ khác”.

Trường Cao đẳng Công nghệ thông tin TPHCM được thành lập năm 2001. Đến năm 2007, trường được Bộ GD-ĐT chọn thí điểm cùng các Trường ĐHDL Thăng Long, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Bình Dương, ĐHDL Hồng Bàng chuyển sang loại hình trường tư thục. Tuy nhiên, việc thí điểm chuyển đổi trong khi các điều kiện chưa chín muồi đã dẫn đến bất ổn cho đến tận hôm nay.

Theo lời của Chủ tịch Hội đồng quản trị Trường Cao đẳng CNTT TPHCM ngay khi chuyển đổi, tình hình tài chính khánh kiệt và luôn bị âm (đây là một uẩn khúc lớn), nội bộ của trường liên tục gửi đơn đến các cơ quan chức năng kiện cáo, vu khống nhau. Việc bầu bán các chức danh dù đã được hội đồng quản trị thông qua nhưng mất hơn 6 tháng vì Bộ GD-ĐT không công nhận. Trong khi vấn đề tài chính và việc quản lý của trường chưa được giải quyết thì việc huy động vốn mua 4 ha đất (trị giá 150 tỷ đồng) để xây trường tại quận 2, dù đã đặt cọc khoảng 30 tỷ đồng, cũng bất thành vì nội bộ lục đục.

Có thể nói, chủ trương chuyển các trường ĐHDL sang loại hình trường tư thục đã nhận được sự đồng thuận của đông đảo các chuyên gia, các nhà đầu tư tâm huyết với giáo dục và các trường. Tuy nhiên, đáng tiếc là trong quá trình thực hiện chủ trương lại cập rập và chưa đúng hướng nên việc các trường “mắc cạn” khi chuyển đổi dẫn đến những mâu thuẫn không thể giải quyết trong nội bộ là tất yếu.

“Nếu không có đổi mới về chính sách vĩ mô trong khâu quản lý, không chỉ tôi mà nhiều nhà đầu tư khác muốn đầu tư phát triển nhà trường cũng nản chí” – Chủ tịch hội đồng quản trị Trường Cao đẳng CNTT than thở.

Sự ra đời của các trường ĐHDL thời gian qua hết sức vội vã và được ví như những đứa trẻ sinh non vì các cơ sở pháp lý chỉ là tạm thời. Bộ GD-ĐT ban hành Quy chế tạm thời ĐHDL vào tháng 1-1994. Và với quy chế tạm thời này, việc thành lập trường đại học lúc bấy giờ cũng rất tạm bợ về cơ sở vật chất, vốn quy định. Cụ thể, ngay quy định thành lập trường, những điều kiện quan trọng nhất cho một trường ĐHDL gồm vốn, đất đai, đội ngũ giảng viên… đều rất chung chung. Và cứ như thế, từ quy định quá dễ dãi trên đã vô tình tạo điều kiện dễ dàng cho hết trường này đến trường khác liên tiếp bị sinh non.

Thanh Hùng

Tin cùng chuyên mục