Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp TPHCM: Xem xét nhiều biện pháp hỗ trợ

Ngày 30-3, tại buổi họp về chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp TPHCM, Sở NN-PTNT cho biết, chính sách thời gian qua có tác động lớn trong việc thực hiện thành công chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống nông dân ngoại thành và quận ven.

(SGGP). – Ngày 30-3, tại buổi họp về chính sách khuyến khích chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp TPHCM, Sở NN-PTNT cho biết, chính sách thời gian qua có tác động lớn trong việc thực hiện thành công chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, giúp nâng cao thu nhập, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống nông dân ngoại thành và quận ven.

Sau 4 năm thực hiện việc chuyển đổi sản xuất cơ cấu cây trồng, vật nuôi đã có 1.469 phương án với 13.056 hộ được vay tổng số vốn trên 2.012 tỷ đồng, trong đó vốn vay được hỗ trợ lãi suất là trên 1.206 tỷ đồng (có 355 phương án trong diện xóa đói giảm nghèo với 2.654 hộ được vay 18,7 tỷ đồng).

Việc chuyển đổi sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị như trồng lan cắt cành, hoa kiểng, rau an toàn, nuôi cá sấu, bò sữa, nghêu, tôm… tỏ ra hiệu quả. Hạn chế lớn nhất trong thời gian qua là quá trình thực hiện việc hỗ trợ vốn vay không giống nhau, gây phiền hà cho người dân.

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Trung Tín chỉ đạo trong vòng 7 ngày, Sở Kế hoạch - Đầu tư tham mưu để công khai nguồn vốn hỗ trợ lãi suất cho các quận huyện, trong đó có phần vốn của huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 12 bị thiếu năm 2009. Các quận huyện kiểm tra, đối chiếu với ngân hàng việc thanh quyết toán phần hỗ trợ lãi vay theo định kỳ hàng tháng hoặc theo thỏa thuận 2 bên. Đồng thời khắc phục việc thu phần lãi suất 100% của các hộ nông dân.

Trước xu hướng lãi suất tăng cao, Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Tín giao Sở NN-PTNT cùng các ngành nghiên cứu để kiến nghị mức hỗ trợ lãi suất cho phù hợp tình hình hiện nay.  

Đ.C.P.

Tin cùng chuyên mục