Có dịp trở lại xã Tân Nhựt, huyện Bình Chánh, TPHCM thấy sự đổi thay rõ rệt ở những con đường, chiếc cầu…
Anh Võ Văn Huệ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã phấn khởi cho biết đó còn là những đổi thay trong sản xuất, chuyển dần diện tích làm lúa kém hiệu quả sang các cây trồng vật nuôi có hiệu quả kinh tế hơn. Trên 400 hộ nông dân làm lúa trước đây đã tận dụng vùng địa lý có nhiều sông rộng, chuyển sang nuôi nhiều loại cá trên diện tích 196ha mặt nước. Chính việc chuyển đổi này đã giúp nhiều hộ nông dân trở nên khá giả hơn so với trước đây rất nhiều. Nhờ chuyển đổi mô hình kinh tế từ trồng lúa sang nuôi cá, trồng rau, nhiều hộ dân ở ấp 2, 3 của xã Tân Nhựt như gia đình của chị Phạm Thị Năm, ông Trần Văn Nghĩa, bà Trần Kim Thành, ông Nguyễn Văn Điệp… đã thành công, kinh tế khá hơn, với thu nhập 100 - 200 triệu đồng/năm. Trường hợp gia đình chị Phạm Thị Năm ở ấp 3, đã mạnh dạn chuyển 6.000m² đất lúa thu nhập thấp sang nuôi heo và cá. Chị xây 2 dãy chuồng nuôi heo nái và heo thịt, đồng thời nuôi 3 ao cá với diện tích 1.000m²/ao và đã có thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Hộ ông Nguyễn Văn Điệp (ấp 3) với ao rộng 1ha nuôi cá chép, tra, mùi, mè dinh, rô phi đạt gần 10 tấn/ha/vụ, có năm đạt 12 - 13 tấn, trong đó riêng đợt nuôi cá rô phi đơn tính (chỉ toàn giống đực) lãi gần 20 triệu đồng.
Nhưng có thể nói, muốn từ khá lên giàu trong nghề nuôi cá phải nuôi cá cảnh. Người dân Tân Nhựt từng bước thử nghiệm nuôi cá kiểng từ năm 2009. Ban đầu, cả xã chỉ có gần 1ha nhưng đến nay đã tăng lên 15ha với 16 hộ nuôi cá kiểng, tập trung thành khu vực riêng biệt. Tiêu biểu trong việc này là anh Trương Trung Cường (ở số nhà A/174E ấp 1). Người thanh niên từ giã phố thị về vùng nông thôn tìm hiểu cách nuôi cá kiểng và xem đây là nghề nghiệp chính. Từ việc nuôi thử nghiệm vài trăm con cá kiểng trong 2 hồ, khoảng 100m², đến nay anh đã nuôi trong 3ha với khoảng 3 triệu con cá các loại như cá ba đuôi, cá Koi, cá chép Nhật, cá Trân Châu, cá Tứ Vân, cá sặt… mỗi loại khoảng 20.000 con, mỗi con cá kiểng bán giá từ 500 – 20.000 đồng/con (tùy loại). Hiện anh có thêm trại cá giống ở xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh, tạo việc làm cho 15 lao động trong xã và hướng dẫn giúp các hộ về kỹ thuật, con giống, giúp chuyển đổi nghề và cùng tham gia vào Hợp tác xã Ngày Mới xã Tân Nhựt.
Bên cạnh việc nuôi cá, người dân ở đây còn trồng rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP có thu nhập khá so với trồng lúa trước đây. Hộ ông Nguyễn Văn Khiết (ấp 2) trồng 2.500m² cải thìa, cải ngọt được HTX Phước An bao tiêu, thu nhập bình quân 20 triệu đồng/tháng; hộ anh Võ Minh Trang (ấp 2) với 2ha đất trồng cây ăn trái, nuôi ếch, cá thịt, cá sấu, heo rừng lai... mỗi đợt thu hoạch vài chục tấn cá thịt và ếch, thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm; hộ ông Nguyễn Thế Hùng (ấp 3) với mô hình VAC, thu nhập khoảng 500 triệu đồng/ha/năm…
Một trong những tiêu chí khó khăn khi xây dựng nông thôn mới chính là việc tổ chức lại sản xuất nhằm nâng cao thu nhập và cuộc sống người dân tại chỗ. Được chọn làm điểm xây dựng xã nông thôn mới của huyện Bình Chánh từ năm 2009, xã Tân Nhựt - một xã nghèo, còn nhiều khó khăn nhưng đã có những bước chuyển khá căn cơ trong tổ chức sản xuất, chắc chắn Tân Nhựt sẽ xây dựng thành công xã nông thôn mới.
Đặng Văn Thành