Chuyện đóng cửa trạm không lưu

Cách đây vài ngày có nghe thông báo rằng, để tiết kiệm ngân sách 637 triệu USD như một phần của kế hoạch cắt giảm tự động ngân sách liên bang, Cục Hàng không liên bang (FAA) sẽ phải đóng cửa 149 trạm quan sát không lưu trên khắp nước Mỹ kể từ ngày 7-4. Dù sao như vậy cũng ít hơn dự định ban đầu là 189 trạm.

Ấn tượng đầu tiên khi nghe nói đến việc đóng cửa một dịch vụ nào đó, mình sẽ liên tưởng đến việc mất công ăn việc làm, ảnh hưởng đến gia đình người trong cuộc. Nhưng cũng tùy ở từng người, từng nơi sẽ có những phản ứng khác nhau một khi bị thất nghiệp. Ở Mỹ, khi ai đó biết mình thất nghiệp thì họ lên kế hoạch du lịch ngay. Lý do là sau khi chính thức thất nghiệp, người ta vẫn còn giữ được bảo hiểm sức khỏe thêm một thời gian và dĩ nhiên có thêm tiền trợ cấp thất nghiệp, tuy ít hơn so với khi đi làm một chút nhưng vẫn sống được.

Ấn tượng thứ hai là an toàn không lưu. Có người nói họ chờ xem có chiếc máy bay nào đụng nhau trên không để nhân dịp đó họ sẽ la lên cho chính quyền liên bang nghe mà điếc lỗ tai. Biết đâu, vị nghị sĩ nào ra quyết định đóng cửa này sẽ bị cử tri tẩy chay trong mùa bầu cử tới. Hãy đợi đấy!

Ở Mỹ, những sân bay có trạm không lưu vừa và nhỏ thường là nơi có nhiều máy bay tư nhân hoạt động. Người giàu mới đủ tiền làm chủ máy bay riêng. Những máy bay tư nhân đời mới được trang bị nhiều kỹ thuật hiện đại, trong đó phải nói đến hệ thống điều khiển định vị toàn cầu (GPS). Máy bay được trang bị hệ thống này giúp phi công vẽ trước những hành trình bay sao cho tiết kiệm nhiên liệu và an toàn.

Ngoài ra, nó còn giúp họ biết được khoảng cách giữa các máy bay trên không để giữ được khoảng cách an toàn. Những tính năng ưu việt của hệ thống định vị toàn cầu đã dần thay thế hệ thống radar cổ điển đang được sử dụng ở các phi trường hơn nửa thế kỷ qua tại đất nước này. Nhờ GPS, vị trí máy bay luôn được xác định và cập nhật một cách chính xác mỗi giây đồng hồ. Tốc độ xử lý nhanh sẽ giúp phi công điều khiển máy bay an toàn trên không, trong khi hệ thống định vị radar cổ điển không có ưu điểm này.

Để hệ thống radar biết được vị trí của máy bay ở nơi nào trên không, nó phải gởi đi một tín hiệu, sau đó chờ tín hiệu phản hồi để xác định vị trí máy bay. Tiến trình này mất nhiều thời gian và không chính xác do dễ bị ảnh hưởng điều kiện khách quan khi máy bay đi vào nơi có thời tiết xấu hoặc địa hình núi non hiểm trở.

Khi thời tiết xấu, radar rất khó phân biệt đâu là máy bay hay một đám mây đang trôi trên không khi nhận tín hiệu phản hồi. Còn nơi có địa hình núi non hiểm trở, tín hiệu càng không chính xác hoặc mất tín hiệu do quá nhiều chướng ngại vật làm lệch hướng tín hiệu phản hồi trở lại radar. Một thử thách khác cho hệ thống radar cổ điển là ngày nay, máy bay cá nhân vừa nhỏ lại được trang bị động cơ phản lực có tốc độ nhanh, vì thế một trạm không lưu cổ điển không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Tóm lại, sự đóng dần các trạm không lưu là không ngạc nhiên.

ANDY THÀNH

Tin cùng chuyên mục