Trong nhiệm kỳ của mình, chính phủ của cựu Thủ tướng Thái lan Abhisit đã thúc đẩy chính sách đóng cửa các trường học nhỏ ở nông thôn làm ảnh hưởng tới hàng trăm ngàn học sinh trên cả nước. Do bị quá nhiều phản đối từ các địa phương và những người hoạt động trong ngành giáo dục, chính sách này sau đó đã bị rút lại. Cách đây vài ngày, Bộ trưởng Giáo dục Phongthep Thepkanchana một lần nữa lật lại vấn đề này. Lý do ông Phongthep đưa ra cũng y chang giải thích của cựu Bộ trưởng Giáo dục Chinaworn Bunyakiat của đảng Dân chủ trước kia: Các trường nhỏ không mang lại hiệu quả.
Các vị bộ trưởng này cho rằng kéo dài việc trang trải chi phí cho các trường nhỏ rất tốn kém. Sẽ thiết thực hơn nếu đóng cửa các trường này, dời học sinh từ đó sang các trường lớn và đầu tư thêm ngân sách. Như vậy sẽ tốt hơn cho cả học sinh lẫn trường học. Văn phòng của Ủy ban giáo dục cơ bản (Obec) thực chất đã không ngừng theo đuổi chính sách đóng các trường học quy mô nhỏ. Việc cả hai vị bộ trưởng của đảng Dân chủ lẫn đảng Pheu Thái cùng muốn một giải pháp khiến người ta không khỏi băn khoăn liệu các chính trị gia có thể cải cách giáo dục khi họ theo đuổi các chính sách được đề ra bởi bộ máy quan liêu chỉ muốn bảo tồn nguyên trạng?
Theo Obec, cả nước Thái có khoảng 5.962 trường học dưới 60 học sinh. Đây cũng là những trường đầu tiên nằm trong mục tiêu phải đóng cửa. Tiếp theo sẽ là khoảng 14.816 trường có dưới 200 học sinh. Mặc dù Bộ Giáo dục có hứa sẽ làm việc và giải đáp mọi thắc mắc nhưng tiếng nói cuối cùng vẫn thuộc về bộ. Đây cũng chính là mấu chốt của vấn đề: chính sách giáo dục được thực hiện từ trên xuống mà không chú ý tới nhu cầu của từng địa phương khác nhau. Cũng có ý kiến cho rằng quan trọng không phải chuyện đóng cửa hay không, mà là nên để cho cộng đồng địa phương được tham gia trong việc giáo dục con cái của họ.
Bangkok Post cho biết từ nhiều thập kỷ nay, hệ thống giáo dục ở Bangkok đã xuống cấp và ngày càng có nhiều học sinh bỏ học giữa chừng. Trong khi đó, các bậc phụ huynh buộc phải gửi con tới các trường học ở thành phố để cạnh tranh tốt hơn, vô hình trung lại khiến các trường học ít học sinh hơn. Sự thiếu quan tâm của Bộ Giáo dục nằm ở chỗ trẻ con nông thôn bị học theo lối mòn và không thể cạnh tranh với những học sinh thành phố vốn được theo học các trường lớp đắt tiền. Chúng thôi học từ rất sớm và kiếm việc có mức lương thấp. Hệ thống giáo dục thất bại ngay từ mục tiêu đầu tiên, làm hằn sâu hơn sự chênh lệch trong xã hội.
Cũng đã nhiều nơi trên cả nước cố gắng giải quyết vấn đề bằng cách tạo ra các cụm trường học, dựng các chương trình giảng dạy riêng để bồi dưỡng kiến thức địa phương, giảng dạy kỹ năng làm việc thực tế phù hợp với các nhu cầu của doanh nghiệp trong cộng đồng. Họ vui khi con cái họ không bị vắt kiệt sức vì phải đi học quá xa nhà.
Theo các chuyên gia, nếu thực sự muốn cải cách giáo dục, các mô hình giáo dục thay thế nên theo hướng mô phỏng, quản lý trường học được phân cấp, giáo viên và học sinh đều phải có trách nhiệm đối với việc học của học sinh. Đó là cách tiếp cận tốt hơn nhiều so với việc đổ lỗi cho các trường, lớp quy mô nhỏ cho những căn bệnh vốn là hậu quả của hệ thống tập trung do Bộ Giáo dục tạo ra.
VIỆT KHUÊ