Suốt hành trình “Trở lại chiến trường xưa” do Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP tổ chức, các vị tướng lĩnh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong như chìm vào miền ký ức hào hùng của một thời trai trẻ.
Nhìn những mái tóc bạc phơ cùng nhau cất cao giọng hát những giai điệu hào hùng về Trường Sơn, chúng tôi - thế hệ hậu sinh, tuổi đời còn kém xa tuổi quân của các bác, các cô chú, cũng có cảm giác mình đang trên đường ra trận. Và những câu chuyện kể về Trường Sơn ngày ấy cứ chảy mãi trên hành trình…
51 năm gặp lại Làng Ho
Một trong những người cảm động nhất khi về lại Làng Ho (Quảng Bình) - điểm tập kết đầu tiên của đơn vị “xoi đường lập tuyến” - tiền thân của Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn sau này, Đại tá - Anh hùng LLVT Nguyễn Viết Sinh, bởi đây là lần đầu tiên sau ngày đất nước thống nhất ông mới được trở lại Làng Ho. Ông kể: “Ngày xưa Làng Ho là một địa điểm bí mật, ở quê hương không ai biết, chỉ những người lính đi qua đây mới biết. Thư từ gửi về người thân hậu phương không thể viết Làng Ho, phải nói một vùng đồng bằng hoặc một vùng biển nào đó. Không thể nêu địa danh này được, bởi đó là bí mật quân sự. Hồi đó, mỗi lá thư rời Làng Ho phải được cấp trên kiểm duyệt trước để tránh bị lộ địa danh”.
Thiếu tướng Hoàng Anh Tuấn, nguyên Chính ủy Trung đoàn 515 Công binh Trường Sơn kể khi tuyến vận tải đường 10, đường 16 từ huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy được cơ giới hóa, ông là một trong những người đầu tiên chở hàng lên Làng Ho để gùi thồ vào viện trợ chiến trường Trị Thiên, Quảng Trị. Rời Làng Ho, nếu được điều đi tiếp, tất cả áo quần, tư trang đều phải gửi lại để chuyển về quê hương, phải hóa trang giống Việt kiều ở Thái Lan hoặc Lào, hoặc là người miền Nam để tránh địch.
Theo ông Nguyễn Viết Sinh, “ở Làng Ho có một cái kho gọi là kho gửi lại hậu phương mà anh em chúng tôi tự đặt”. Ở đây, những chiếc khăn mùi soa thêu đôi bồ câu tình yêu, hay chiếc lược làm từ vỏ máy bay đều phải gửi lại, đề tên người nhận ở quê, có khi một tháng nhưng có khi vài năm sau đồ sẽ đến nơi.
Chuyện hổ, chuyện gà...
Bộ đội Trường Sơn năm xưa không chỉ đối mặt với địch mà còn đối mặt với muôn vàn khó khăn của rừng rậm nhiệt đới, trong đó nỗi lo thường trực nhất là những đàn hổ rừng hung dữ và liều lĩnh. Thiếu tướng - Tiến sĩ Trần Danh Bích, nguyên Cục trưởng Cục Cán bộ, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quân sự, Bộ Quốc phòng kể câu chuyện ông còn nhớ như in: “Chúng tôi đóng quân ở vùng A Sầu, A Lưới một cách bí mật vào những năm 1965. Địch thì không lo bởi đã có đối sách, nhưng trong vùng có một đàn hổ khoảng mươi con do một con hổ chúa dẫn đầu là nỗi ám ảnh với người lính chúng tôi và đồng bào dân tộc trong vùng.
Mùa hè năm 1966, một gia đình Tà Ôi bị đàn hổ vây quanh nhà, sau đó hổ chúa tha cháu gái 16 tuổi vào rừng. Ông bố cầm mác, nhưng không dám lao vào cứu con vì sợ những con hổ khác tấn công những người khác. Ông tìm đến bộ đội và đề nghị giúp giết con hổ chúa này bằng cách nổ bộc phá. Chúng tôi theo chân ông, tìm thấy một số mảnh thức ăn hổ giấu trong ngách đá, đặt bộc phá. Khi trời tối, đàn hổ kéo về, người bố Tà Ôi đã giật quả bộc phá làm chết con hổ chúa cùng một số con khác. Từ đó, nỗi sợ hổ được vơi đi đối với người dân ở A Sầu, A Lưới”.
Trên đường Trường Sơn, một số đơn vị bộ đội cũng nuôi gà để có thêm lương thực, nhưng theo Đại tá Lê Kim Thơ, thường chỉ được phép nuôi gà mái, vì sợ gà trống gáy lên, kẻ địch phát hiện sẽ đánh tín hiệu cho máy bay đến ném bom. Nhưng không có gà trống thì không được, nên có đơn vị sáng kiến “thiến” cần cổ âm thanh của gà trống. Nhìn chúng gân cổ gáy mà không ra tiếng thật tội!
Cô Nguyễn Thị Nhất, cựu chiến binh đội Văn Tuyên Sư đoàn 968 Bộ đội Trường Sơn còn kể: “Tập hát giữa rừng nhưng cũng phải thật khẽ, nhiều khi chỉ nhẩm thầm. Vậy nhưng khi diễn thì ráp vào rất khớp, ăn ý. Diễn trong hang đá thì sướng nhưng diễn ở lau lách bụi rậm phải thật cảnh giác để tránh bị phát hiện”…
MINH PHONG
Tặng phòng máy vi tính và 20 ti vi cho tỉnh Thừa - Thiên Huế (SGGP).- Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn - Báo Sài Gòn Giải Phóng vừa phối hợp Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế, Huyện ủy A Lưới, UBND xã Nhâm và Công ty Pepsi Việt Nam tổ chức lễ trao phòng máy vi tính cho Trường Tiểu học xã Nhâm - huyện A Lưới. Đây là phòng máy vi tính thứ 4 được chương trình Nghĩa tình Trường Sơn trao tặng từ nguồn tài trợ của PepsiCo Việt Nam. HỒ VIỆT - NGỌC BÌNH
Trước đó, chương trình đã trao 3 phòng máy vi tính tại tỉnh Kon Tum, Nam Định và Quảng Nam, mỗi phòng máy được trang bị hệ thống nối mạng, bàn ghế chuyên dụng và 11 máy vi tính với tổng giá trị 100 triệu đồng/phòng.
Dịp này, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức trao 20 ti vi từ nguồn tài trợ Công ty cổ phần Đông Á - Bình Dương của Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn giúp 20 hộ gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện A Lưới.