Chuyện ghi từ Pa Lọ

Câu lạc bộ 100 triệu
Chuyện ghi từ Pa Lọ

Đã hơn 1 tháng rưỡi kể từ ngày Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn khởi công xây dựng trạm xá Pa Lọ Vạc do Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) tài trợ tại thôn Pa Lọ, xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Nếu đúng theo tiến độ đã đề ra, khoảng 1 tháng nữa công trình hoàn thành. Có lẽ không chỉ chúng tôi mà bà con trong ấy cũng đang đếm từng ngày…

Khám bệnh cho bà con Pa Lọ tại phòng khám tạm dưới chân nhà sàn của già làng Pả Ta Lữ.

Khám bệnh cho bà con Pa Lọ tại phòng khám tạm dưới chân nhà sàn của già làng Pả Ta Lữ.

Câu lạc bộ 100 triệu

Chúng tôi bắt đầu rời đường 9 vào đường Lìa, để vào đồn Tam Thanh, nơi xây dựng trạm xá quân dân y Pa Lọ Vạc (xã Thanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) lúc 2 giờ chiều. Con đường nhão nhoẹt, không có lấy một đoạn khô ráo. Qua con suối La La một đoạn, đến cây số 8, chúng tôi ghé vào đồn Thuận. Đồn trưởng, trung tá Tạ Quang Hậu tiếp chúng tôi như tiếp người thân lâu ngày không gặp.

Đây không phải là lần đầu tiên Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn cảm nhận được tình cảm đó. Có lẽ hai từ Trường Sơn đã cho chúng tôi hưởng cái đặc ân này. Đồn trưởng Hậu sinh năm 1971, với 21 năm là lính biên phòng, dân Quảng Trị chính hiệu, cho biết anh mới về đồn hơn 6 tháng nhưng những khó khăn về tuyến đường Lìa thì không lạ với dân biên phòng.

Trước đây từ đường 9 vào đồn phải đi bộ, vì tuy có đường nhưng nhỏ, lầy lội nên không xe nào chạy nỗi. Đồn quản lý 2 xã Tân Long và Thuận. Nơi đây có 3 dân tộc sinh sống, nhiều nhất là người Vân Kiều, sau đó Pa cô và người Kinh. Riêng xã Thuận có 2.895 nhân khẩu, 558 hộ, là xã duy nhất nằm trên tuyến đường Lìa được chọn xây dựng xã nông thôn mới. Nói về cuộc sống người dân, anh hào hứng khoe “Câu lạc bộ 100 triệu” vừa mới thành lập tại khu vực này.

Theo lời Phó Chủ tịch xã Thuận Nguyễn Văn Sang, dọc tuyến đường Lìa (gồm các xã: Tân Long, Thuận, Thanh, A Xing, A Túc, Xy, A Dơi, Pa Tầng, Trâm) dài 41 - 42 cây số, hiện có khoảng 50 người được kết nạp vào câu lạc bộ. Đó là những hộ bán sắn cho nhà máy tinh bột sắn (thuộc Công ty Thương mại Quảng Trị) đạt con số từ 100 triệu đồng trở lên.

Nghe nói có người đạt đến 250 triệu đồng. Xã Thuận có vài người nằm trong danh sách này như Hồ Ta Cô, hay Pả Knun ở bản 1. Nhờ cây sắn (theo dự án MK 94) và cây chuối mà cuộc sống người dân ở đây thay đổi hẳn. Có hộ đã có sổ tiết kiệm đến 400 - 500 triệu đồng, một số tiền rất lớn so với cuộc sống bấp bênh, chủ yếu làm nương rẫy với phương pháp canh tác thủ công, năng suất thấp trước đây của bà con.

Vào đồn Tam Thanh lúc 4 giờ. Mưa tạnh nên nắng chiều bỗng nhiên rực rỡ. Chiều biên giới thật yên bình. Đồn Tam Thanh rất khang trang, đẹp, các vườn tăng gia cũng rất chuẩn. Câu chuyện mà Đồn trưởng, Thượng tá Nguyễn Huy Thỏ bắt đầu với chúng tôi lại là… Câu lạc bộ 100 triệu. Có vẻ đây là chuyện thời sự nhất hiện nay của vùng đất này. Ở đây chúng tôi gặp Hồ A Cất, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh, một cán bộ người dân tộc khá trẻ, sinh năm 1981.

Anh cho biết: Xã Thanh có khoảng 3 - 4 hộ là thành viên Câu lạc bộ 100 triệu, trong đó có già làng Pa Lọ. Nhờ cây sắn, tỷ lệ hộ nghèo ở xã Thanh - xã khó khăn nhất trong các xã biên giới, đã giảm từ 70% xuống còn 44,7% trong vòng 5 năm. Nhưng anh cũng bày tỏ tâm tư: “Về lâu dài phải đối phó với tình trạng đất bạc màu. Có hộ trước đây thu hoạch đến 60 triệu đồng/mùa, nay chỉ còn 20 triệu. Huyện đã có kế hoạch chuyển đổi cây trồng theo hướng trồng cây cao su, nhưng diện tích trồng sắn hiện đến 671ha, chiếm tỷ lệ 68%, nên việc chuyển đổi cần có thời gian”.

“Bọn hắn thành con Vân Kiều rồi!”

Đường biên giới ở khu vực này nằm trên sông Sê Pôn, cách các đồn biên phòng chừng 1 cây số đường chim bay. Thời chiến tranh, dọc tuyến này là các bến vượt của Bộ đội Trường Sơn. Các xã ở đây hiện nay đều có đầy đủ trường học, trạm xá. Tuy nhiên, đường sá khó khăn nên chỉ cách nhau 15 cây số nhưng mùa mưa thì nhiều bản gần như biệt lập với bên ngoài. Phó Chủ tịch xã Thanh cho biết, thường thì người dân sử dụng nước sông, nhưng đến tháng 9 thì ngay cả nước sông cũng không xài được vì là mùa nước lụt. Đường sá đi lại vô cùng khó khăn. Vừa nói anh vừa rửa đôi chân đầy đất đỏ: “Xã có 18 cây số đường biên giới, dài nhất trong tuyến biên giới của huyện. Bản Pa Lọ Vạc thực ra chỉ cách trạm xá xã chừng 15 cây số, nhưng đường sá thế này nên chẳng may mắc bệnh nặng cần cấp cứu thì thường chỉ có chờ chết. 4 - 5 bản bên kia sông của bạn Lào còn bi đát hơn, bởi đi lại còn khó hơn cả bên mình. Vì vậy, cảm ơn chương trình Nghĩa tình Trường Sơn nhiều lắm!”

Thượng tá Nguyễn Chí Khanh, Chủ nhiệm Quân y Bộ đội Biên phòng Quảng Trị đã vào phòng khám tạm của Pa Lọ từ sáng sớm để chuẩn bị cho lễ khởi công. Anh nắm rất rõ tình hình nơi đây, có lẽ do đã gắn bó với vùng đất biên giới này từ rất lâu. Anh kể nhiều năm trước vào đây cấp cứu người nhưng có khi đi cả ngày đường mới tới. Đi hoài không đến nên cứ ngỡ mình đi lạc. Anh cũng nói về những bất cập của việc khám chữa bệnh tại miền cao biên giới, ví dụ như việc chích thuốc cho người bị bệnh lao. Theo quy định thì tỉnh, huyện chỉ cấp thuốc cho trạm xá xã, nhưng trạm xá thì xa, đi bộ có khi tốn hơn nửa ngày đường, mà người bệnh lại thường không khỏe, nên nhiều người… bỏ cuộc. Thế là tình trạng kháng thuốc tràn lan. Vì vậy, sự có mặt của các phòng khám quân dân y tại các bản làng heo hút như thế này, theo anh là chuyện phải làm!

Khi chúng tôi vào đến bản, thiếu úy Nguyễn Văn Thành đang khám chữa bệnh cho 1 dân bản và 3 cha con một người Lào. Theo trung úy Nguyễn Xuân Tình, đây là đầu năm thứ 5 của anh và Thành tại phòng khám Pa Lọ. Trạm phục vụ cho 4 bản cách biệt của xã Thanh gồm Pa Lọ Ô, Pa Lọ Vạc, Pa Lọ Sung, Tà Nua Cô với khoảng 1.200 dân. Bên kia sông có 3 bản của bạn Lào là Pa Lọ Nậm, Pa Lọ Xuân, Pa Lọ Cồ. Theo sổ khám bệnh thì tại đây khám từ 120 đến 130 lượt/tháng (trong đó người Việt Nam chiếm khoảng 70%, còn lại là các bạn Lào). Bàn giao mặt bằng để chuẩn bị xây dựng trạm xá nên phòng khám phải chuyển tạm về nhà già làng.

Già làng Pả Ta Lữ 78 tuổi cười thật tươi khi nghe hỏi về các thầy thuốc biên phòng: “Hắn thương dân nên bố thương. Bọn hắn chuyển bệnh nhân đi viện, còn cho tiền cầm theo để ăn. Hắn bây giờ là con Vân Kiều rồi! Với bọn hắn, nghèo giàu gì cũng chăm sóc y chắc nhau”. 10 người, ba thế hệ trong gia đình già làng sống chung với nhau trong mái nhà đã hơi chật chội, nhưng thấy trạm xá tháo dỡ, ông cho các anh kê hai cái giường ngay dưới bàn thờ tổ tiên, nơi quan trọng nhất trong nhà để ở. Phía dưới nhà sàn, ông cho mở phòng khám tạm. Nhìn ông lão gầy còm, quần áo cũ kỹ, khó có thể ngờ rằng ông cũng là thành viên của Câu lạc bộ 100 triệu. Đưa chúng tôi qua gian nhà gạch xây dở bên cạnh, ông cười rất vui: “Thu hoạch mùa sắn này nữa là cho con trai ra riêng được rồi. Năm ngoái mới xây được tường, chưa có nóc”.

Nhà mới, trạm xá mới. Vui. Ước gì đường vào Pa Lọ cũng mới, chắc là sẽ vui hơn nữa…

Hương Uyên

Tin cùng chuyên mục