(SGGPO).- Đó là thông tin được BQL Khu Nông nghiệp Công nghệ cao (NNCNC) đưa ra tại Hội thảo “Liên kết các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tạo thế đột phá trong nông nghiệp” được tổ chức tại Củ Chi vào sáng 30-9. Hội thảo thút hút đông đảo các đơn vị trong và ngoài nước, các lãnh đạo đại diện các sở ngành Khoa học công nghệ thuộc các tỉnh thành khu vực phía Nam tham dự.
Các đại biểu tham gia hội thảo
Theo quy hoạch phát triển NNCNC của Việt Nam đến năm 2020 thì mỗi tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm xây dựng từ 7 đến 10 doanh nghiệp, 5 đến 7 vùng sản xuất nông nghiệp và mỗi vùng sinh thái có 1 đến 3 khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC), trong đó có 8 khu đã được UBND tỉnh, Thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập bao gồm: Thái Nguyên, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Lâm Đồng, TPHCM, Bình Dương, Cần Thơ và 2 khu NNCNC Hậu Giang và Phú Yên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Với các chức năng tương đối giống nhau nhưng đặc thù về thổ nhưỡng, khí hậu và thu hút nguồn nhân lực… khác nhau nên rất cần liên kết để tạo thành một chuỗi với cơ chế chính sách rõ ràng sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và ngân sách của nhà nước.
Nhưng, mục tiêu lớn nhất của mô hình NNCNC hướng đến “ba cao” (chất lượng cao, năng suất cao và giá trị tăng gia cao) với sự tham gia của các chủ thể nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp thu mua phân phối và các đơn vị hỗ trợ công nghệ… thì vấn đề công nghệ luôn phải được đặt lên hàng đầu. Nhưng thực tế, theo một số cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và phát triển NNCNC thì KHCN chưa đóng góp tương xứng với tiềm năng và vẫn còn đang đi ngoài cuộc sống, chưa bám sát thực tiễn trong sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, mục tiêu tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu chuyển giao KHCN để nông nghiệp sớm đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực, ưu tiên đầu tư ứng dụng sinh học trong chọn giống… cũng đã không đạt kết quả như mong đợi.
Với mức kinh phí 1.000 tỷ cho nghiên cứu và khuyến nông được đầu tư hàng năm nhưng với số lượng khoảng 6.000 người thì hiệu quả nghiên cứu bước đầu chưa có chuyển biến rõ rệt, thậm chí là giảm sút khiến công tác nghiên cứu và phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Việt Nam trở nên thiếu định hướng. Và việc thu hút doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và phát triển công nghệ cao trong nông nghiệp rất ít do công đoạn này thường gặp nhiều rủi ro, chi phí đầu tư nghiên cứu lớn và gặp phải rào cản lớn trong quá trình chuyển giao công nghệ nên tốc độ tăng năng suất giảm, giá trị sản xuất nông nghiệp tăng trưởng rất hạn chế.
Theo TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Văn Hiến thì hiện nay, chưa có quy chuẩn chung cũng như quy định ràng buộc từng khu nên dẫn gây nên sự chồng chéo, dàn trải trong việc đầu tư nghiên cứu ra những sản phẩm mới. Do vậy cần có sự liên kết giữa các địa phương với nhau trong nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.
Quá trình phát triển sẽ được liên tục khi các công đoạn của ngành cần đảm bảo nhịp nhàng với sự phối hợp hiệu quả giữa các chủ thể tham gia ngành như tháo gỡ rào cản vấn đề chuyển giao công nghệ thông qua xây dựng các chương trình, dự án hợp tác công-tư trong nghiên cứu và phát triển NNCNC, đảm bảo công nghệ được nghiên cứu có địa chỉ ứng dụng ngay từ đầu và đồng thời tập huấn cho nông dân nâng cao hiệu quả hoạt động của các trung tâm khuyến nông, hội nông dân về việc chuyển giao công nghệ nuôi trồng.
Minh Vương