Đã thành thông lệ, cứ 5 giờ sáng từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần, các cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Măng Bút (xã Măng Bút, huyện Kon Plông, Kon Tum) lại cùng nhau thức dậy người nhóm lửa, người nhặt rau, người vo gạo nấu cơm cho học sinh của mình.
Trong màn sương dày đặc ở điểm trường chính giữa rừng già Măng Bút, các cô giáo Nguyễn Thị Hồng Nghĩa, Tạ Thị Chung, Nguyễn Thị Bích Phương chia sẻ: “Ngoài số học sinh lớp 4, lớp 5 ăn ở bán trú tại đây, các lớp nhỏ hơn học tại các điểm trường thôn. Mùa khô nắng ráo, xe máy đến được một số bản; nhưng mấy tháng mùa mưa hầu như phải lội bộ; những thôn ở xa phải đi hết 2 đến 3 tiếng đồng hồ”.
Việc về trung tâm huyện lỵ cũng vất vả không kém, thường phải đi xe thồ với tiền công từ 300.000 đến 350.000 đồng/người. Vì thế, có khi vài tháng họ mới về thăm gia đình một lần. Những giáo viên có con nhỏ phải đưa các cháu đến trường ở. Tháng 12-2007, tốt nghiệp Trường Văn hóa nghệ thuật Hải Phòng, cô Bùi Thị Quyên tình nguyện lên Măng Bút công tác.
Chồng cô làm nghề hớt tóc tại thành phố Kon Tum. Việc đi lại khó khăn nên sau khi hết thời gian nghỉ sinh, Quyên đưa con trai lên Măng Bút ở. Mỗi tháng một lần, chồng cô phải vượt gần 100km lên thăm hai mẹ con. Cô Lê Thị Kim Tiến, giáo viên dạy môn Văn ở Trường PTDTBT THCS Măng Bút, cũng đồng cảnh ngộ. Chồng Tiến là Lê Hải Đăng, công tác ở Công ty TNHH Trường Nguyên, có trụ sở tại thành phố Kon Tum. Vì điều kiện công tác, hai tháng một lần Đăng mới lên thăm Tiến và con gái là Lê Thị Như Quỳnh.
Không chỉ cá nhân phải vượt khó, nhà trường cũng đối diện với muôn vàn khó khăn để dạy tốt. Ông Nông Văn Thủy, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Măng Bút cho biết: Để có được chăn ấm, gối êm cho các em bán trú ngủ nghỉ khi tiết trời giá lạnh, nhà trường đã bỏ ra hơn 4 triệu đồng để mua 20 bộ chăn, gối. Ngoài ra, vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ quần áo và sách bút cho các em. Ở đây, tiêu chuẩn dành cho học sinh bán trú chỉ vài trăm ngàn đồng nên hàng ngày, ngoài giờ lên lớp các cô giáo phải dậy sớm thay nhau nấu cơm cho học trò ăn.
Đường đến trường của các em học sinh cũng thật gian nan. Y Thiện, học sinh lớp 4A trú ở làng Đăk Uy Bai, tâm sự: Để đến trường trước khi ông mặt trời khuất núi, em phải khăn gói lên đường lúc 15 giờ chiều chủ nhật. Hôm nào trời mưa, đường sá lầy lội còn phải đi lớp sớm hơn. Từ làng Đăk Uy Bai đến khu nội trú của trường, Y Thiện và các bạn Y Vơi, Y Khiến, Y Măc, Y Hiến... phải vượt chặng đường 8km và qua nhiều con dốc.
Khó khăn là thế, nhưng thành tích học tập của các em học sinh dân tộc Xê Đăng khiến nhiều người bất ngờ. Tỷ lệ học sinh đến trường đạt từ 97% đến 99%. Riêng năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh đến trường đạt 100%, duy trì sĩ số hàng ngày đạt hơn 98%. Tỷ lệ học sinh khá và giỏi cũng vượt chỉ tiêu đề ra. Chia tay thầy, cô giáo và học sinh Măng Bút, chúng tôi tin tưởng rằng với những con người như họ, tương lai những khó khăn của vùng sâu Đông Trường Sơn sẽ giảm đi, cuộc sống bà con Xê Đăng sẽ khởi sắc.
Trần Hoài Nam