Chuyển giới nhìn từ góc độ pháp lý và y học

Bộ Y tế vừa chỉ định Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhi đồng 2 tham gia vào việc xác định giới tính. Khi được cấp phép chứng nhận, đây sẽ là 3 cơ sở y tế chính thức được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính cho người có nhu cầu. Thông tin này được dư luận chú ý, vì lâu nay vấn đề phẫu thuật chuyển giới và xác định lại giới tính vẫn chưa được quan tâm. Bạn đọc Báo SGGP đã góp thêm ý kiến về vấn đề này.
Chuyển giới nhìn từ góc độ pháp lý và y học

Bộ Y tế vừa chỉ định Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhi đồng 2 tham gia vào việc xác định giới tính. Khi được cấp phép chứng nhận, đây sẽ là 3 cơ sở y tế chính thức được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính cho người có nhu cầu. Thông tin này được dư luận chú ý, vì lâu nay vấn đề phẫu thuật chuyển giới và xác định lại giới tính vẫn chưa được quan tâm. Bạn đọc Báo SGGP đã góp thêm ý kiến về vấn đề này.

  • Cần quy định pháp luật về thay đổi giới tính

Gần đây dư luận rất quan tâm sự việc UBND tỉnh Bình Phước thu hồi, hủy bỏ quyết định của UBND huyện Chơn Thành ban hành trước đó về xác định lại giới tính cho một giáo viên tại địa phương là Phạm Văn Hiệp từ nam chuyển thành nữ. Được biết, năm 2008 anh Phạm Văn Hiệp sang Thái Lan thực hiện phẫu thuật chuyển giới, đến năm 2009 anh làm thủ tục gửi đến huyện Chơn Thành xin xác định lại giới tính, thay đổi tên và đã được chấp thuận.

Như vậy, nếu suôn sẻ đây là công dân đầu tiên của Việt Nam chuyển giới được pháp luật công nhận xác định lại giới tính. Tuy nhiên UBND tỉnh Bình Phước cho rằng các quyết định của UBND huyện Chơn Thành về việc này là trái luật. Phòng Tư pháp huyện Chơn Thành đã phải nhận sai sót trong thực thi nghị định của Chính phủ về xác định lại giới tính, vì trường hợp này vi phạm hành vi bị nghiêm cấm là chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính.

Hương Giang Vietnam Idol sau khi chuyển giới.

Hương Giang Vietnam Idol sau khi chuyển giới.

Hiện tại, xác định lại giới tính là nhu cầu có thật và đang ngày càng nhiều hơn trong xã hội, đây là vấn đề rất nhân văn. Đối với người khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc chưa định hình chính xác nên khi lập khai sinh đã không được xác định đúng giới tính, ngoài nỗi đau bệnh tật còn phải gánh chịu áp lực ghê gớm từ dư luận xã hội.

Từ năm 2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định 88 quy định chỉ xác định lại giới tính với người có khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc chưa định hình chính xác, trên nguyên tắc bảo đảm mỗi người được sống theo đúng giới tính của mình. Đến năm 2010 Bộ Y tế có thông tư hướng dẫn thực hiện một số điều trong nghị định này nhưng các địa phương còn rất lúng túng trong việc thực thi. Do nghị định này cấm việc thực hiện chuyển đổi giới tính với những người đã hoàn thiện về giới tính, nên những trường hợp tự ý phẫu thuật chuyển giới như anh Phạm Văn Hiệp không được giải quyết để xác định lại giới tính từ nam sang nữ.

Xác định đúng giới tính là vấn đề nhạy cảm, nhất là trong tình hình phát triển mới của các quan niệm xã hội và hành vi của một số người. Để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, không trái các quan niệm đạo đức và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng, đồng thời kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn những xu hướng lệch chuẩn, thiếu lành mạnh, không chính đáng, cần sớm có những quy định pháp lý rõ ràng, cụ thể nhằm điều chỉnh kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tế. Do đó, ngành tư pháp nước ta nên nghiên cứu về vấn đề này để tham mưu cho Chính phủ ban hành những quy định mới tạo điều kiện cho những người xác định lại giới tính tự tin hòa nhập đời sống xã hội.

LÊ ĐẶNG
(Thủ Đức, TPHCM)

  • Cẩn trọng với việc chuyển giới

Vấn đề giới tính thứ ba đang dần được xã hội, khoa học, pháp luật nhiều nước trên thế giới công nhận. Nhưng có nên chuyển đổi giới tính không? Ngoài người khuyết tật bẩm sinh về giới tính hoặc chưa định hình chính xác thực sự có nhu cầu can thiệp y tế để xác định lại đúng giới tính, ở nước ta đang có không ít người đồng tính hoặc lệch lạc về tâm lý muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính. Chắc chắn tất cả các nhà khoa học, xã hội học, tâm lý học… sẽ khuyên những người đã hoàn thiện về giới tính nhưng vẫn muốn phẫu thuật chuyển đổi giới tính đừng dại dột hủy hoại đời mình. Bởi những người chuyển giới đều chung số phận: vĩnh viễn không có con; phải uống thuốc kích thích tố nam hoặc nữ suốt đời; vẻ mỹ miều bên ngoài chỉ trụ được 5-10 năm, sau đó thân hình, da dẻ mau chóng già nua hơn người bình thường. Ngoài việc đau đớn thân xác và tốn kém nhiều chi phí cho 2-3 năm phẫu thuật, sau đó người chuyển giới vẫn phải tiếp tục dùng nội tiết tố và cần được bác sĩ theo dõi mãi mãi. Về đời sống tình dục cũng rất bất ổn. Hiếm hoi lắm mới có một người chuyển giới tìm được hạnh phúc gia đình thực sự.

Luật pháp Mỹ, Hà Lan, Úc… đã và đang chấp nhận hôn nhân đồng tính cũng như chuyển giới, nhưng ngay cả ở các nước này những người đồng tính cưới nhau mà không dại dột bỏ tiền ra phẫu thuật chuyển giới như cách thức tai hại đang diễn ra ở Việt Nam mình. Tương lai gần, luật pháp nước ta cũng sẽ công nhận hôn nhân đồng tính, nhưng không thể cho phép tùy tiện phẫu thuật chuyển giới đối với những người đã hoàn thiện về giới tính. Bởi tùy tiện chuyển giới sẽ dẫn tới nhiều vấn đề phức tạp như thay đổi về giấy tờ tùy thân, quan hệ sở hữu tài sản, quản lý nhân khẩu, văn bằng…, và một hậu quả quan trọng là sẽ phá hoại tan nát biết bao cuộc đời của những người thiếu suy nghĩ. Tại sao người đồng tính không muốn chấp nhận giới tính thứ ba của mình, lại phải phẫu thuật chuyển giới khi mọi người đã thừa nhận người giới tính thứ ba. Cần tuyên truyền, tư vấn đầy đủ để ngăn chặn việc rủ nhau sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới như là một chuyện thời thượng. Là nam, nữ hay gay, les vẫn tốt hơn nhiều lần kiếp giả tạo gượng gạo bằng phẫu thuật chuyển giới không đúng giới tính của mình.  

DƯƠNG VĂN MINH LỘC
(Bình Thạnh, TPHCM) 

Giao 3 bệnh viện tham gia xác nhận lại giới tính

Từ năm 2008, Chính phủ đã có nghị định về xác định lại giới tính, tiếp đó đến năm 2010, Bộ Y tế đã ban nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện. Tuy nhiên, thực tế hiện tại Việt Nam vẫn chưa có cơ sở khám chữa bệnh nào đề nghị Sở Y tế hoặc Bộ Y tế cấp giấy chứng nhận đủ có đủ điều kiện để xác định lại giới tính. Trong khi đó, việc xác nhận lại giới tính, nhất là với một số người có biểu hiện lệch lạc về giới tính và một số trường hợp chuyển đổi giới tính đang là vấn đề nhạy cảm và được xã hội quan tâm. Hơn nữa, nhất là sau sự việc mới đây, UBND tỉnh Bình Phước có quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định xác định lại giới tính cho anh Phạm Văn Hiệp (39 tuổi, ngụ thị trấn Chơn Thành, huyện Chơn Thành, tỉnh Bình Phước).

Trước thực tế này, để bảo đảm quyền lợi của người dân, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến mới đây có công văn chỉ định 3 cơ sở y tế được tham gia xác định giới tính. Theo đó, tại khu vực phía Bắc là Bệnh viện Nhi trung ương và Bệnh viện Việt Đức. Còn tại TPHCM là Bệnh viện Nhi đồng 2. Bộ Y tế yêu cầu cả 3 bệnh viện này cần chuẩn bị nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị y tế, cũng như gửi hồ sơ đủ điều kiện được phép can thiệp y tế để xác định lại giới tính về Bộ Y tế và Sở Y tế TPHCM trước ngày 31-3-2013. Khi được phê duyệt, 3 cơ sở này sẽ chính thức trở thành cơ sở y tế đủ điều kiện xác định giới tính trên toàn quốc. Cùng với đó, Bộ Y tế đề nghị Bệnh viện Nhi đồng 2 xác định lại giới tính cho anh Phạm Văn Hiệp, tức cô giáo Phạm Lê Quỳnh Trâm ở Bình Phước.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, cho biết những cơ sở khám chữa bệnh được phép can thiệp y tế xác định lại giới tính phải đáp ứng các yêu cầu: có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và được Bộ Y tế (hoặc Sở Y tế) thẩm định và cho phép. Người muốn thay đổi giới tính từ nam sang nữ hoặc ngược lại phải đi khám và điều trị tại các cơ sở được Bộ Y tế hoặc Sở Y tế cho phép. Sau đó sẽ được các cơ sở này cấp giấy chứng nhận xác định lại giới tính. Khi có giấy xác định lại giới tính này rồi UBND cấp huyện mới đủ điều kiện điều chỉnh lại giới tính cho người đó.

KH.NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục