Dù đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng gần đây, đồng bào dân tộc thiểu số sống dưới chân đỉnh Langbiang (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) đã quan tâm đầu tư cho con em ăn học đến nơi, đến chốn.
Cách đây khoảng 5 - 10 năm, hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây còn quan niệm rằng “Học để biết chữ là đủ rồi, về làm cái nương, cái rẫy mới mong no cái bụng”, thì nay cách nghĩ đã khác hoàn toàn. Từ sự vận động của chính quyền, ban đầu một vài gia đình cho con em đi học, sau khi tốt nghiệp các ngành nghề ra trường, con em họ có được công ăn việc làm ổn định, không còn phải bám lấy cái nương, cái rẫy khổ cực nữa, nên các gia đình còn lại bắt đầu học tập theo. Đến nay, người dân nơi đây không phải tự hào vì có nhiều mẫu cà phê hay nhà cao cửa rộng mà niềm tự hào lớn nhất là có con đậu vào các trường đại học, cao đẳng…
Chị K’Tuyn (thôn Bonneur C, xã Lát) hồ hởi: “Nhà mình có 3 người con, đứa đầu sau khi tốt nghiệp đại học trong nước, giờ đang du học ở Mỹ, còn hai đứa con gái đang học đại học trên Đà Lạt ấy”.
Gia đình ông Bonneur Jack Cill luôn tạo điều kiện học tập tốt nhất cho con mình.
Không riêng gia đình chị K’Tuyn, ở hai thôn Bonneur C và Bonneur B của xã Lát có 5 gia đình có con em du học ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều gia đình dù điều kiện kinh tế không khá giả cho lắm, nhưng khi biết con em mình mong muốn đi du học để tích lũy thêm kiến thức và nâng cao trình độ, họ sẵn sàng hỗ trợ bằng nhiều cách để thực hiện nguyện vọng đó. Ví như gia đình ông Bonneur Jack Cill, sau khi người con trai lớn trong gia đình tốt nghiệp ngành điện của Trường Đại học Tôn Đức Thắng (TPHCM), nghe nguyện vọng của con muốn đi qua Mỹ học để nâng cao tay nghề, ông đồng ý ngay.
“Qua nhiều năm làm lụng tích lũy, mình để dành được gần 400 triệu đồng. Khi thấy con ham học, mình không tiếc và sẵn sàng bỏ tiền ra để con thỏa ước mơ”, Bonneur Jack Cill chia sẻ. Sau khi được gia đình ủng hộ, anh Donill Bonyo đã đăng ký theo học hai ngành điện và luật thương mại quốc tế của một trường đại học ở Mỹ. Sau một năm theo học, hiện nay bằng vốn tiếng Anh đã có, anh Bonyo đã tìm được một công việc làm thêm để tự trang trải cuộc sống của mình.
Ông Nguyễn Đình Tiến, Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lạc Dương, cho biết, nhờ sự nỗ lực của các cấp chính quyền, ngành giáo dục và sự thay đổi nhận thức của người dân, nên giáo dục huyện nhà đang từng ngày khởi sắc, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Đặc biệt, hiện nay toàn huyện có trên 400 người đang theo học tại các trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc, điều mà những năm trước chưa từng có.
NGUYỄN TIẾN