Chuyện lạ đã xảy ra từ khi vùng đất Phú Thọ Hòa còn hoang sơ, gia tộc của các ông bà Nguyễn Đăng Công, Nguyễn Thị Ngọc Mai và Đặng Hữu Đáng mua miếng đất hơn 4.000m², trong đó có một phần dành chôn người thân sau khi mất.
Thấy bạn bè nghèo khó, ông Nguyễn Đăng Công đã cho ông Nguyễn Văn Hai vào ở và trồng mai trên phần đất của mình với diện tích hơn 2.400m², trong đó có 56 phần mộ của gia tộc ông Công, bà Mai, ông Đáng. Sau ngày nước nhà thống nhất, với đà đô thị hóa, khu đất ngày xưa có cùng số 471 đường Âu Cơ, phường 10, quận Tân Bình. Chuyện chôn cất người thân vẫn diễn ra bình thường trên khu đất này. Cho đến năm 1995, gia đình ông Công, bà Mai, ông Đáng bỗng nhiên thấy bảng thông báo yêu cầu thân nhân bốc mộ. Và cũng kể từ đó, việc vào thăm viếng các phần mộ của người thân các ông bà gặp khó khăn và đến nay thì bị bít lối đi.
Bà Lê Thị Tỷ, vợ ông Đặng Hữu Đáng, cho biết, phần đất 572m² của ông nội ông Đáng là ông Đặng Văn Nên, khi xưa thuộc khu vực miếu Cây Xến. Khi ông Nên mất đã để lại cho ông Đặng Văn Nguyệt (em trai ông Nên). Đến năm 1990, ông Nên qua đời và thừa kế cho cháu là ông Đáng.
Bà Tỷ than thở: “Hiện trong phần đất đó còn 25 ngôi mộ của gia tộc. Khoảng năm 2000 bà Nguyễn Thị Thơm, con ông Nguyễn Văn Hai (đã mất) – người giữ đất của ông Nguyễn Đăng Công - đã chiếm đất của chúng tôi và rào kín lại. Chúng tôi không còn đường để vào viếng và chăm sóc mồ mả. Hơn 10 năm qua chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại và mỏi mòn chờ đợi sự giải quyết của các cơ quan chức năng. Chồng tôi năm nay đã 72 tuổi, không còn sức khỏe để tiếp tục theo đuổi việc khiếu kiện”.
Bà Tỷ còn cho biết, dù đã gần 70 tuổi, nhưng giờ đây cứ một tháng đôi lần bà lại lầm lũi đạp xe đạp đến UBND quận Tân Bình, UBND phường 10 quận Tân Bình, Phòng Quản lý đô thị, rồi Phòng Tiếp dân UBND TPHCM để gửi đơn khiếu nại và hỏi thăm tiến độ giải quyết của cơ quan hữu quan.
Theo chính quyền địa phương, trước khiếu nại của gia đình bà Tỷ - ông Đáng, tháng 8-2004, UBND quận Tân Bình đã có công văn số 1033/VP chỉ đạo Đội Quản lý trật tự đô thị, Phòng Quản lý đô thị, UBND phường 10 xác định việc lấn chiếm đất thổ mộ nói trên; tiến hành đo đạc lại toàn bộ khuôn viên phần đất đang tranh chấp và ngăn chặn việc hợp thức hóa, xây dựng, chuyển nhượng đất trên phần đất thuộc khuôn viên nhà số 471 đường Âu Cơ. Tuy nhiên, khi các cơ quan hữu quan tiến hành đo đạc thì bà Nguyễn Thị Thơm quyết liệt ngăn cản. Vì lý do này mà Phòng Quản lý đô thị quận Tân Bình không thể báo cáo đề xuất UBND quận Tân Bình hướng giải quyết.
Lý giải của chính quyền địa phương nghe thật đơn giản. Mới đây, khi khảo sát thực tế phần đất nêu trên, chúng tôi nhận thấy có 3 căn nhà đã xây dựng kiên cố, bít cả lối đi vào phần đất thổ mộ của gia đình ông Đáng. Lối đi nhỏ khoảng 2,5m cũng đã được xây tường rào kín đáo. Vì sao một khu đất tranh chấp kéo dài đã nhiều năm mà những căn nhà sừng sững như vậy vẫn có thể mọc lên?
Nhìn dáng vẻ vợ chồng ông bà cụ gần đất xa trời với mong ước trước khi nhắm mắt xuôi tay tìm lại được lẽ phải cho gia đình, thân tộc, thắp được nén nhang cho ông bà tổ phụ mà cám cảnh.
ĐOÀN HIỆP