Người ta thường hay nghĩ, để phát tâm từ thiện cần có đủ tiềm lực về tài chính, cộng với lòng nhân ái có sẵn để khởi lòng từ bi. Tuy nhiên, những suy nghĩ đó đúng nhưng chưa đủ. Bản thân tôi là công dân sinh sống tại Đức, quan sát cách người dân nước sở tại làm từ thiện theo một cách thức rất đơn giản, và quan trọng hơn là mỗi người dân ai cũng có thể làm từ thiện.
Ở mỗi khu phố dân sinh, chính quyền sở tại đều đặt sẵn các container dùng để chứa quần áo, giày dép, đồ cũ người dân bỏ vào đó làm từ thiện. Thay vì quẳng quần áo cũ vào sọt rác, người dân Đức đã dừng lại một phút, nghĩ đến những người nghèo đang chịu cảnh thất nghiệp, hay người dân ở những nước đang chiến tranh, đói kém lạc hậu...
Vào mỗi cuối tuần, hay cuối tháng, các gia đình háo hức dọn nhà, soạn quần áo cũ, giày dép, rồi vợ chồng con cái mang đi bỏ vào container đã dựng sẵn ở góc phố. Những đứa trẻ qua đó được giáo dục về lòng nhân ái, cách nghĩ đến người đang kém may mắn hơn mình. Tuy nhiên, của cho không bằng cách cho. Ở mỗi container đều ghi kèm dòng chữ: Quần áo trước khi được bỏ vào thùng phải được giặt sạch sẽ cẩn thận, giày dép cũ phải kèm cả đôi... để những vật dụng đó còn có giá trị sử dụng. Mỗi tháng định kỳ, những nhà hoạt động xã hội của thành phố đến mở container, phân chia và soạn những vật dụng cũ đó để cùng với lòng từ thiện của người dân Đức, mang đến những địa chỉ kém may mắn hơn trong cuộc sống, đang chịu cảnh rét mướt, rất cần những tấm áo còn ấm mùi tình thương này.
Đối tượng nhận những tấm áo tình thương là những người đang hưởng chế độ Hartz IV - trợ cấp thất nghiệp từ chính phủ Đức. Những người này không kiếm được việc làm, hoặc đi làm nhưng công việc với mức thu nhập quá thấp, không đủ tự trang trải cuộc sống. Những nhà hoạt động xã hội của thành phố, mà tiêu biểu nhất là tổ chức Karitas, sẽ đứng ra phân loại quần áo, giày dép cũ hướng tới đối tượng phù hợp. Hai tháng một lần, người dân hưởng Hart IV nhận được tấm phiếu đến lấy đồ cũ, và nhân viên trong quỹ từ thiện thuộc tổ chức nhà thờ sẽ chịu trách nhiệm phát đồ cho họ.
Một hình thức khác của hoạt động từ thiện, đó là cửa hàng đồ cũ của thành phố thuộc Familienzentrum - trung tâm gia đình. Gọi là cửa hàng nhưng thực chất là tồn tại phi lợi nhuận, là điểm trung gian để ký gửi đồ cũ, không còn sử dụng của các gia đình có lòng nhân ái. Họ sẽ mang đồ đến, mặc định mỗi món đồ một giá bất kỳ, thường là chỉ 1-2 EUR. Qua địa chỉ này, những người có nhu cầu sử dụng đồ cũ sẽ đến mua lại chúng với giá của người chủ cũ đã mặc định và ghi lại sẵn. Cả hai bên mua và bán sẽ để lại 10% giá trị món đồ cho cửa hàng, số tiền này sung vào quỹ bảo vệ trẻ em Đức. Chi phí duy trì cửa hàng, lương cho nhân viên… sẽ do chính quyền thành phố đứng ra đảm nhận.
Cứ như vậy mỗi ngày, từ trẻ con đến người lớn, ai ai cũng hiểu và vui vẻ làm việc thiện. Lòng nhân ái trong bản ngã mỗi con người ai cũng có, điều kiện để làm từ thiện cũng không hề khó. Chúng ta bắt tay vào làm từ thiện bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất trong khả năng có thể của mỗi người.
LÊ MINH THUẬT (từ Đức)