Chuyện mới... cây sưa

Vì sao huỳnh đàn có giá trị cao?
Chuyện mới... cây sưa

Thời gian gần đây, nhiều thương lái đổ về Phú Yên để săn mua không chỉ gỗ huỳnh đàn với giá cao ngất ngưởng mà còn săn cây giống huỳnh đàn về trồng để mong vài năm tới hốt bạc tỷ. Huỳnh đàn còn có tên khác là cây sưa, một loại cây cho gỗ quý hiếm.

Giá cao vẫn đắt

Chuyện mới... cây sưa ảnh 1

Vợ chồng anh Phan Xuân Bính trong vườn cây giống huỳnh đàn. Ảnh: Khang Duy

Sự việc bắt đầu từ anh Phan Xuân Bính (ở thôn 5 xã Hòa Vinh huyện Đông Hòa tỉnh Phú Yên) có người cậu vợ là ông Lăng Văn Bắc (ở xã Tam Quan, huyện Tam Đảo tỉnh Vĩnh Phúc), người đã nhân giống thành công loại cây cho gỗ đang tạo “cơn sốt” này. Tháng 4 vừa rồi, ông Bắc đề nghị anh Bính làm đại lý bán giống cây huỳnh đàn ở Phú Yên. Thời gian đầu, số người mua cây giống rất ít, bởi chẳng ai biết huỳnh đàn hay cây sưa là thứ cây gì. Tuy nhiên, từ đầu tháng 7 tới nay, khi một số người dân có vật dụng bằng gỗ huỳnh đàn trong tỉnh bán được với giá rất cao, thì người ta đổ xô đến nhà anh Bính mua cây giống.

Anh Bính cho hay, đến nay anh đã bán được khoảng 1 vạn cây giống với giá 14.000 đồng/cây. Hiện trong vườn nhà anh còn khoảng 4.500 cây đã hơn 2 tháng tuổi, toàn bộ đã được đặt hàng, chỉ còn chờ ngày khách đến chở đi. Anh cho biết thêm: “Tôi nhận được khá nhiều đơn đặt hàng. Người mua vài chục, người vài trăm, còn khách ở Bình Định hay Khánh Hòa thì đặt từ hàng ngàn đến cả vạn cây. Sắp tới tôi phải thuê xe ra Vĩnh Phúc, chỗ cậu Bắc, để chở cây giống về cung ứng cho nhu cầu của bà con trong mùa trồng rừng năm nay”. Anh Bính đã mở thêm các đại lý bán cây giống huỳnh đàn ở huyện Tây Hòa và huyện Phú Hòa. Anh còn dự kiến sang năm sẽ thuê đất mở luôn vườn ươm giống cây huỳnh đàn ngay tại xã Hòa Vinh.

Ở thị trấn Hai Riêng huyện Sông Hinh, nhà anh Lê Xuân Đào là hộ duy nhất có cây giống huỳnh đàn. Đọc sách báo, thấy thông tin về việc trồng cây huỳnh đàn có giá trị kinh tế cao nên anh nhờ người quen mua 3.000 cây giống tại Vĩnh Phúc với giá giao tận nhà 8.000 đồng/cây. Qua 3 tháng, số cây giống này đều lên xanh tốt. Gần đây, có rất nhiều người đến hỏi mua, nhưng anh không bán mà để trồng trong diện tích rừng của gia đình. Dù vậy, do nhiều người quen đến năn nỉ quá nên anh cũng đã nhượng lại khoảng 1.000 cây với giá 10.000 đồng/cây. Tại xã Đức Bình Đông, huyện huyện Sông Hinh, cách đây mấy ngày, bà Trần Thị Hợp cũng đã chở về 6.000 cây giống huỳnh đàn và bán hết sạch. Bà Hợp cho biết đang chuẩn bị mua thêm cây giống huỳnh đàn từ các tỉnh phía Bắc về để bán.

Không được tiền cũng được gỗ

Ông Nguyễn Như Ý ở xã Hòa Hiệp Trung, huyện Đông Hòa cũng trồng nhiều cây huỳnh đàn. Ông đã bỏ ra 20 triệu đồng mua 1.500 cây giống để trồng trên diện tích khoảng hơn 1 ha. Ông nói: “Huỳnh đàn là gỗ quý, lâu nay ai cũng biết, nhưng ở địa phương mình tìm giống không có. Tôi quyết định trồng loại cây này cũng vì thấy giá trị kinh tế cao, nhưng nếu đến khi thu hoạch mà gỗ huỳnh đàn không còn “sốt” với giá cao như bây giờ thì mình cũng được một rừng gỗ tốt, vì loại cây này cho gỗ ít da, đặc lõi”. Ông Ý cho rằng tuy giá cây giống huỳnh đàn cao gấp đến 4 lần so với cây dó giống, nhưng loại cây này dễ trồng hơn, hễ găm xuống đất là sống, tỉ lệ sống cao đến 95%.

Ông Lê Thanh Cảng ở xã Hòa Vinh đã mua 18 cây giống huỳnh đàn về trồng 5 tháng nay. Bây giờ, toàn bộ số cây trong vườn ông đều lên tốt, cây lớn nhất đã đạt 1,5m. Ông nói: “Hồi đầu, tôi sợ người ta ăn cắp cây, phải nói dối đó là cây khế. Trước đó, tôi đã đọc được một bài trên báo Nông nghiệp Việt Nam nói rằng loại cây huỳnh đàn này trồng ở miền Bắc khoảng 7 năm thì có chiều cao 12m, đường kính 27cm, thu hoạch được. Có hai loại huỳnh đàn, huỳnh đàn quý hiếm giá trị cao hiện nay là huỳnh đàn đỏ và huỳnh đàn vàng cho gỗ dùng để đóng đồ nội thất cao cấp rất tốt và sang trọng”.

1kg gỗ sưa 500 ngàn đồng

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa có chỉ thị về việc thực hiện ngay những giải pháp cấp bách nhằm cứu cây sưa (còn gọi là trắc thối, huỳnh đàn, huê mộc vàng - thuộc nhóm 1A), nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại. Chỉ thị này được đưa ra trong bối cảnh gần đây hàng loạt địa phương ở miền Trung và miền Bắc xảy ra hàng loạt vụ chặt phá trái phép loại cây này.  Hiện nay, tình hình khai thác trái phép gỗ sưa từ rừng tự nhiên diễn ra rất phức tạp. Chỉ trong một thời gian ngắn, “cơn sốt” gỗ sưa đã bộc phát ở miền Trung, Tây nguyên và gần đây nhất là Hà Nội. Nhiều gia đình sẵn sàng dỡ cả giường tủ, nhà cửa thậm chí cả bàn thờ bằng gỗ sưa để bán.

Cây sưa, tên khoa học là Dalbergia bouruana gagu, thuộc họ đậu Fabaceae, là cây gỗ lớn, sinh trưởng trung bình, thân màu xám. Hiện nay cây sưa được người tiêu dùng chú ý vì là loại cây gỗ quý hiếm, giá rất đắt. 1kg gỗ lõi cây sưa có giá tới 450-500 ngàn đồng. Còn có thông tin rằng cây sưa là cây hương liệu quý, gỗ tốt, không bị mối mọt, có công dụng “chữa bách bệnh”, có thể sử dụng từ mạt cưa trở đi và không bỏ sót thứ gì. Chính vì điều này, giá trị của cây sưa được tính bằng ký. Gần đây, do nhu cầu mua gỗ sưa từ thị trường Trung Quốc  rất lớn khiến gỗ sưa bị săn lùng ráo riết để xuất lậu sang Trung Quốc.

Có người cho rằng gỗ sưa được người Trung Quốc mua về làm đồ thờ cúng, lại làm dược liệu, đồ gia dụng; Thông tin có vẻ hợp lý nhất là Trung Quốc đang chuẩn bị cho Thế vận hội Olympic Bắc Kinh 2008 nên cần trùng tu nhiều công trình đền đài lăng tẩm, hầu hết được làm từ gỗ sưa. Tuy nhiên nhiều luồng tin khác lại cho rằng các “đại gia” Trung Quốc, Hồng Công dùng bột gỗ sưa để ướp xác nên mới có chuyện đẩy giá cây gỗ này lên cao như vậy!?

Quyền Khanh 

 Vì sao huỳnh đàn có giá trị cao?

“Gỗ huỳnh đàn có màu vàng nhạt, lõi màu thẫm hơn, có mùi thơm như trầm, đặc biệt có vân gỗ 4 mặt chứ không chỉ 2 mặt như các loại gỗ khác, khi đưa ra ánh sáng thấy óng ánh 7 màu. Thời phong kiến, gỗ huỳnh đàn dùng để đóng đồ nội thất cao cấp trong cung đình vì nó vừa có hương liệu vừa là một loại dược liệu. Những năm gần đây, giới nhà giàu Trung Quốc quay ra săn lùng huỳnh đàn để đóng quan tài hoặc ướp xác như các vị hoàng đế Đại Hán trước đây. Được biết quan tài đóng bằng huỳnh đàn có khả năng giữ được xác lâu, không bị phân hủy. Tuy nhiên giá trị đích thực của nó lại thuộc về vấn đề tâm linh. Người ta quan niệm nếu chết được chôn với quan tài hoặc được ướp bằng bột huỳnh đàn thì linh hồn người chết dễ được siêu thoát, đem lại điều may mắn cho gia đình. Ngoài ra, cây huỳnh đàn thường gắn với các điển tích của Phật giáo, do đó người ta thường làm những khâu tràng hạt có giá vài nghìn USD để bán cho các nhà sư và thiện nam tín nữ ở Trung Quốc. Đây chính là nguyên nhân khiến giá của huỳnh đàn được đẩy lên”.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng

Tin cùng chuyên mục