Chuyện nâng lương tối thiểu

Ngày 24-2, Nhà Trắng thông báo, trong tuần này Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ tiếp tục các “hành động mới” nhằm đảm bảo nền kinh tế Mỹ mang lại cơ hội cho tất cả người dân. Một trong các kế hoạch thực hiện là nâng lương tối thiểu cho nhân viên liên bang mà ông Obama đã thông qua. Thông tin này làm người lao động trên toàn nước Mỹ thêm hy vọng sẽ sớm được nâng lương như nhân viên liên bang.

Vấn đề nâng lương tối thiểu để giảm bớt tình trạng mất cân đối thu nhập đang là bài toán khó đối với chính phủ của ông Obama. Những ngày qua, ông Obama liên tục kêu gọi Quốc hội, cũng như các tập đoàn, công ty sớm có hành động cụ thể nâng lương tối thiểu cho người lao động với mức tối thiểu là 10,1 USD/ giờ, bằng với mức lương mới của các nhân viên liên bang mà ông Obama cũng vừa mới nâng. Theo ông, thị trường lao động tại Mỹ đã từng bước phục hồi nhưng mức lương tối thiểu tại đất nước vẫn giữ nguyên trong suốt 5 năm qua.

Một cuộc khảo sát của trường Đại học California Berkeley cho biết lương của những người kiếm tiền nhiều nhất ở nước Mỹ tăng lên 30%, trong vòng 3 năm nay, trong khi lương của phần lớn người khác tăng chưa đầy 0,5%. Nếu điều chỉnh theo tỷ lệ lạm phát, mức lương tối thiểu của các nhân viên liên bang hiện nay 7,25 USD/giờ, vẫn thấp hơn 23% so với mức lương năm 1968. Với đà lạm phát và tốc độ tăng trưởng hiện nay thì mức lương thích hợp phải là 25 USD/giờ.

Tất nhiên, có đến 73% số người được hỏi, ủng hộ việc tăng lương tối thiểu trên toàn quốc (theo khảo sát của CNN). Tuy nhiên, trong khi Tổng thống Mỹ giải thích quyết định nâng lương sẽ mang lại lợi ích cho mọi tầng lớp, tác động đến khoảng 30 triệu người Mỹ, thì các nghị sĩ Cộng hòa tại Quốc hội lập luận rằng mức lương cao hơn sẽ gây tổn hại cho doanh nghiệp, dẫn tới tình trạng thêm nhiều người bị cho nghỉ việc.

Mặc dù có rất nhiều giải pháp được đưa ra để giảm bớt khoảng cách thu nhập, nhưng một nhóm các chuyên gia kinh tế, trong đó có nhiều người từng đoạt giải Nobel, ủng hộ giải pháp trước mắt là nâng lương tối thiểu. Thời điểm hiện nay, tăng mức lương tối thiểu dễ dàng hơn là áp dụng một chương trình hoàn toàn mới.

Bà Laura Tyson, cựu Chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Mỹ cũng cho rằng trong số 30 triệu người Mỹ nói trên sẽ có ít nhất 88% còn rất trẻ, khoảng 20 tuổi, 55% làm việc toàn thời gian và 56% là phụ nữ và hơn 28% là các bậc cha mẹ có con nhỏ. Tăng thêm thu nhập cho họ không chỉ giảm nghèo đói mà còn kích thích chi tiêu tiêu dùng và thúc đẩy thị trường việc làm tăng trưởng.

Theo Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), Mỹ có tỷ lệ nghèo tương đối đứng thứ hai trên thế giới trong số những nước phát triển. Một nghiên cứu gần đây cho thấy nếu tăng lương tối thiểu sẽ tác động tích cực mạnh mẽ, với mức tăng lương 10% thì tỷ lệ đói nghèo sẽ giảm được 2%.

Tăng lương chỉ là một biện pháp ngắn hạn và chưa hẳn là giải pháp tốt nhất để giúp giới lao động nghèo, nhưng theo ông Cappelli thuộc Trường Kinh doanh Wharton: “Nước Mỹ phải tập trung vào các thế hệ tương lai và bảo toàn thế trung dung của nước Mỹ bởi đó là điều đang bị mất đi”.

Hay như cảnh báo của cựu Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ Alan Greenspan vừa đưa ra tại Hội nghị Chính sách kinh tế của Hiệp hội kinh tế doanh nghiệp quốc gia ngày 24-2: “Thu nhập mất cân đối đang đưa nước Mỹ vào nguy hiểm”.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục