
Nói đến nông thôn miền Tây Nam bộ, người ta dễ liên tưởng đến những con đường nâu đen quanh co với những chiếc cầu khỉ vắt vẻo qua sông. Nhưng nhiều năm gần đây, những con đường đất nâu đen trơn nhẫy, mỗi khi mưa về đã được đổi màu trắng xám. Và những con đường màu trắng xám ấy đang giúp các vùng nông thôn Nam bộ thay da đổi thịt từng ngày.
Từ đường đan
Ngày nay, khi mưa về, cảnh người già, trẻ nhỏ ngã oành oạch trên những con đường đất bóng nhẫy vùng quê Nam bộ đã đi vào quên lãng bởi hệ thống giao thông ở đấy đã từng bước được xây dựng tốt hơn. Những con đường đất ấy đã được thay bằng những tấm đan xi măng đúc sẵn ghép vào nhau mà thành đường.
Đường đan, không có gì mới với những người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long này hàng chục năm qua, nhưng với một người xa quê khá lâu như chị Dung lại là điều ngạc nhiên đến lạ.
10 năm trước, để di chuyển từ xã này qua xã khác, ấp này qua ấp khác ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, phương tiện duy nhất của người dân nơi đây là ghe xuồng và đi bo bo. Khi ấy chẳng may ai có bệnh hoặc gặp chuyện sinh nở mà đưa ra đến trung tâm xã, huyện có khi đã lỡ việc.

Giao thông nông thôn xã Đông Thạnh A.
Trước đây, cán bộ về công tác các xã nghèo ở huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long đều ngán ngẩm cảnh xăn quần, xách dép lội bộ vô ấp. Ngày xưa, không nhà nào không có xuồng, bởi đó không chỉ là “đôi chân” di chuyển của cả nhà mà đó còn là phương tiện chuyên chở những thứ nông sản trồng được trong vườn nhà ra chợ.
Hình ảnh nên thơ của những con đò đậu thành “chùm” dập dềnh trên sóng nước khi chiều xuống bên những cù lao giữa mênh mông sông Tiền, sông Hậu nay đã trở nên hiếm thấy. Thay vào đó là những chiếc xe đạp thồ, những chiếc xe gắn máy Trung Quốc sản xuất chạy bon bon trên những con đường quê.
Bởi bây giờ, hầu hết các xã vùng đồng bằng sông Cửu Long đều đã có đường ô tô đến trung tâm, trên hai phần ba ấp có đường xe hai bánh chạy đến tận cửa nhà. Những con lạch nhỏ ngoằn ngoèo luồn qua các ấp, xã đã được thay bằng những con đường đan, trắng xám nổi bật giữa những hàng cây rừng nước xanh um của miền đồng bằng sông nước.
Những con đường đan đã khiến bà con quên đi vật bất ly thân của mỗi người dân quê vùng sông nước Nam bộ xưa kia - những chiếc xuồng ba lá, những con đò nhỏ với tay chèo mỏng manh. Đường bê tông cũng đã nối liền các ấp xa tít của vùng căn cứ kháng chiến Mỹ Hòa, huyện Bình Minh.
Ngay như vùng căn cứ kháng chiến Hòa Bình – Bưng Sẩm của tỉnh Vĩnh Long, hay vùng chữ V gồm các xã Hòa Tân, Tân Nhuận Đông, An Khánh của tỉnh Đồng Tháp vốn nổi tiếng “không đường đi” một thời, giờ đường đan đã đưa xe hai bánh đến tận thôn xa nhất, cả hai mùa mưa nắng.
Không ai phủ nhận những con đường đan đã góp phần thay đổi cuộc sống sông nước của bà con vùng đồng bằng sông Cửu Long. Và những con đường đan đã góp phần đưa nông sản của bà con từ sau vườn nhà ra chợ, nâng đời sống vật chất của bà con miệt thứ lên một bước.
Niềm vui được “đi chân” trên đường đan trắng mà không phải chèo xuồng luồn qua những con lạch nhỏ của bà con nông dân vùng đồng bằng Nam bộ ngày một vơi, khi họ ngày một “ăn nên làm ra”. Vì sao thế?
Những con đường “không chân” (không làm nền đường theo đúng kỹ thuật) được ghép dài bởi những tấm đan nên bề mặt đường chỉ rộng bằng một tấn đan xi măng đúc sẵn rộng 1m hay 1,2m, thậm chí có những con đường chỉ rộng có 0,8m.
Khi vụ việc va quẹt xảy ra khi đi ngược chiều nhau trên đường đan ngày càng nhiều thì bà con lại nghĩ ra cách lắp hai miếng đan kê sát nhau thành con đường rộng 1,6m. Những nền các con đường đan thường gia cố không chắc chắn, lâu ngày bị xói mòn, sụp lở do sức nặng của hàng hóa được chở trên các xe ba, bốn bánh.
Và để giữ an toàn cho những con đường đan thế là bà con đưa ra sáng kiến đóng hai cây trụ bê tông ở đầu những con đường để hạn chế xe ba, bốn bánh chở hàng hóa nặng, cồng kềnh đi vào.
Nói như nhiều người sống ở miệt thứ thì “làm đường đan để đi cho sướng chứ chưa phục vụ cho sản xuất và phát triển kinh tế”. Cụ thể là nông sản thu hoạch về nhà, đưa ra chợ vẫn phải vận chuyển bằng ghe xuồng hoặc chuyên chở nhiều chuyến bằng xe gắn máy đến bờ sông để đò đưa ra nơi tiêu thụ. Phí chuyên chở đã khiến giá bán tại chỗ vẫn thấp hơn rất nhiều so với những nơi có đường vận chuyển thuận tiện hơn.
Đến đường nhựa

Đường nhựa Long Phước.
Dân vùng đồng bằng đi xa nhiều nơi quay về đã thấy việc cần thay những chiếc đường đan nhỏ hẹp bằng những con đường nhựa rộng hơn là cần thiết.
Ông Huỳnh Anh Dũng, Phó Bí thư xã Long Phước (huyện Long Hồ tỉnh Vĩnh Long) giao cho ông Tô Văn Mưa (người có kinh nghiệm làm đường ở xã) tính toán hơn – thiệt trong việc làm đường đan và đường nhựa cấp phối.
Mỗi kilômét đường nhựa đắt hơn đường đan khoảng 20 triệu đồng và đường nhựa bền hơn đường đan gấp 4 - 5 lần, đó là kết quả của tổ khảo sát do ông Mưa làm tổ trưởng đưa ra.
Trong cuộc hội ý của xã về việc nhân dân cùng đóng góp để nâng đường đan lên thành đường nhựa, ông Tư Minh, ấp Phước Lợi A nói: “Bà con thử tính đi, nếu chỉ có đường đan phục vụ cho xe hai bánh, mỗi con heo mình bán phải bán giá thấp hơn một đến hai trăm ngàn đồng; mỗi ký lô rau quả bán thấp hơn cả chục đồng, vậy làm đường nhựa mình được lợi thêm bao nhiêu tiền, mỗi năm? Thành ra đóng góp thêm một chút thì có ngán gì!”. Lý lẽ đơn giản nhưng nghe là hiểu nên bà con sẵn sàng đóng góp liền.
Chỉ vài tháng sau, 3 con đường đá cấp phối, láng nhựa đi qua các ấp Long Thuận A, Long Thuận B, Phước Lợi A, Phước Trinh B có chiều ngang 3m đã được khánh thành. Để nông sản bán đi xa hơn, bà con lại cùng ngân sách huyện làm những con đường đá cấp phối, láng nhựa dài 2.121m nối liền hai ấp Phước Lợi A – Phước Trinh B mà kinh phí chỉ cao hơn làm đường đan gần 50 triệu đồng.
Bây giờ, sáng sáng nhiều cô cậu học sinh áo trắng quần xanh chở phía sau những nông sản vườn nhà đi ngang chợ bỏ mối giúp gia đình, trước khi đến lớp. Sớm tinh mơ, trên những con đường nhựa cấp phối những chiếc xe gắn máy hối hả nối đuôi nhau đi về phía chợ xa, chở phía sau nó những sọt hoa trái còn tươi rói sau một đêm ăn sương.
Giá trị hàng hóa tăng đồng nghĩa với giá trị cuộc sống tăng. Thật vậy, cuộc sống bà con nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đang ngày một khá lên trông thấy từ khi có những con đường nhựa, đường đan nối nhau từ ấp qua xã, đến huyện rồi ra tỉnh…
NGUYỄN SAN