Chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản - Cho phép nhưng không khuyến khích

Xem xét công tác cả nhiệm kỳ của các cơ quan tối cao

Sáng 17-11, Quốc hội (QH) thảo luận ở tổ về dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Chiều cùng ngày, với đại đa số ý kiến tán thành, QH đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Khoáng sản (sửa đổi) và Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2011.

Xem xét công tác cả nhiệm kỳ của các cơ quan tối cao

Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2011 nêu rõ, trên cơ sở xem xét đề nghị của Hội đồng dân tộc, các ủy ban của QH, các đoàn đại biểu QH, Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, tờ trình của Ủy ban Thường vụ QH và ý kiến của các đại biểu QH, QH quyết nghị sẽ tiến hành giám sát tối cao các nội dung:

Thứ nhất, tại kỳ họp thứ 9, QH sẽ xem xét, thảo luận báo cáo công tác cả nhiệm kỳ khóa 12 của QH, Chủ tịch nước, Thường vụ QH, Thủ tướng, Chánh án TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Thứ hai, tại kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII sẽ xem xét báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri từ kỳ họp thứ tám QH khóa XII đến kỳ họp thứ nhất QH khóa XIII.

Thứ ba, tại kỳ họp thứ hai QH khóa XIII, QH xem xét, thảo luận báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề.

Nghị quyết nêu rõ, trên cơ sở nội dung hoạt động giám sát tối cao của QH và căn cứ vào nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, Ủy ban Thường vụ QH, Hội đồng dân tộc, các ủy ban của QH chủ động xây dựng và triển khai thực hiện chương trình giám sát của mình; có kế hoạch chỉ tiêu cho từng quý, từng tháng để phục vụ việc chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động giám sát.

Ngoài ra, căn cứ vào các nội dung trên, chương trình giám sát của các cơ quan của QH và tình hình, điều kiện thực tế, các đoàn đại biểu QH, các đại biểu QH chủ động lựa chọn nội dung để xây dựng chương trình, tiến hành hoạt động giám sát và báo cáo kết quả theo quy định của pháp luật.

Cho chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản

Cũng trong chiều qua, QH đã thông qua Luật Khoáng sản sửa đổi. Về quyền lợi của địa phương và người dân nơi có khoáng sản được khai thác, luật quy định mang tính nguyên tắc về việc Nhà nước điều tiết khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản cho địa phương để hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội. Trong quá trình điều hành, Chính phủ sẽ căn cứ vào quy định của luật này và các luật có liên quan để quy định cụ thể phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước và phù hợp với đặc điểm của từng địa phương, từng dự án khai thác khoáng sản.

Về thẩm quyền lập quy hoạch khoáng sản, để bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước về khoáng sản, tạo điều kiện chủ động cho Chính phủ trong công tác điều hành, luật chỉnh sửa theo hướng giao Chính phủ quy định, phân công cụ thể các bộ, ngành trong việc lập quy hoạch khoáng sản và hướng dẫn việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản của địa phương.

Về đấu giá quyền thăm dò khoáng sản, đấu giá quyền khai thác khoáng sản, để bảo đảm yêu cầu quản lý chặt chẽ về cấp quyền khai thác khoáng sản, luật quy định việc cấp quyền khai thác khoáng sản không thông qua đấu giá chỉ được tiến hành ở khu vực khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ quyết định trên cơ sở quy định các tiêu chí để xem xét cụ thể. Trong trường hợp này, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản phải nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Về nguyên tắc dự thảo luật không khuyến khích chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản để hạn chế việc mua đi bán lại giấy phép phát sinh nhiều tiêu cực. Tuy nhiên, trên thực tế, có tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản do điều kiện khách quan không thể tiếp tục thực hiện dự án đầu tư, có nhu cầu chuyển nhượng dự án đã đầu tư để thu hồi vốn. Do đó, để phù hợp với các luật hiện hành như Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và hạn chế việc làm thất thoát tài sản xã hội, luật cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản.

Tuy nhiên, để hạn chế tình trạng mua đi bán lại giấy phép các dự án nhằm trục lợi gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, dự thảo luật có quy định nguyên tắc, điều kiện tổ chức, cá nhân thăm dò khoáng sản được chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản và chuyển nhượng quyền khai thác khoáng sản, đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, trình tự, thủ tục chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản.

Cấm quảng cáo hàng hóa sai sự thật

Với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, luật quy định cấm tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc cung cấp không đầy đủ, sai lệch, không chính xác hoặc che giấu thông tin về hàng hóa, dịch vụ mà tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó cung cấp. Luật cũng đưa ra quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh.

Thực tế, thực trạng buôn bán nhỏ lẻ trong đời sống sinh hoạt ở nước ta còn phổ biến, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng rất đa dạng, phong phú, phụ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của từng địa phương trong từng giai đoạn phát triển kinh tế - xã hội nhất định. Vì vậy, luật quy định, căn cứ vào quy định của luật này, quy định của Chính phủ và điều kiện cụ thể của địa phương, UBND xã, phường, thị trấn, ban quản lý chợ, khu thương mại triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể để bảo đảm chất lượng, số lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng khi mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân hoạt động thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh...

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục