Chuyện ở Lèn Hà 33 năm trước

Chuyện ở Lèn Hà 33 năm trước

Câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của 13 chiến sĩ thông tin liên lạc trong hang Lèn Hà ngày 2-7-1972 vẫn luôn làm thổn thức con tim người dân bản địa suốt 33 năm nay. Sự hy sinh ấy cũng bi hùng chẳng khác gì sự hy sinh của các nữ TNXP đếm bom ở ngã ba Đồng Lộc hay ở hang Tám Cô trên đường 20 Quyết Thắng. Thế nhưng cũng suốt 33 năm nay, nơi ra đi của 13 người lính mà tuổi đời khi ấy chỉ mới đôi mươi lại quá chừng hoang vắng…

  • Ở hang Lèn Hà

Hang Lèn Hà nằm trong một khu rừng rậm thuộc xã Thanh Hóa, xã rẻo cao của huyện Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình, cách đường Hồ Chí Minh khoảng 10km. Về Thanh Hóa bây giờ, muốn đến Lèn Hà, phải hỏi dân bản địa cố cựu, nếu không, sẽ không đến được vì không phải ai cũng biết hang nằm ở đâu.

Chuyện ở Lèn Hà 33 năm trước ảnh 1

Ông Phạm Văn Nậy, ông Phạm Tiến Văn và tác giả trên đường dẫn lên hang Lèn Hà.

Theo chân ông Phạm Văn Nậy, người ở thôn Bắc Sơn, nguyên là Xã đội trưởng xã Thanh Hóa từ 1965 đến 1975 và ông Phạm Tiến Văn, những nhân chứng sống của câu chuyện 33 năm trước, tôi tìm đến Lèn Hà. Cuốc bộ trên con đường vắt vẻo ở lưng núi trong cơn mưa rừng ào ạt như muốn dúi cả miền đất biên giới giáp Lào này vào biển nước, trong cái thanh âm rì rầm của mưa rừng, tôi vừa đi vừa lắng nghe câu chuyện mà hơn 33 năm nay, ông Nậy cứ giữ mãi trong lòng: “C9/E134 thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin. Cái hang ni là một trạm thông tin của đơn vị.

Biết trong vùng có điểm liên lạc của quân ta, bọn Mỹ đánh rát lắm. Các o, chú hy sinh nhằm ngày 2-7-1972, lúc đó, dân làng đang gặt rộ vụ hè. Bữa nớ trời đất yên lặng đến sợ. Tui có linh tính không lành. Đâu ngờ thành chuyện. Có lâu lắc chi mô, chỉ một lát thôi là máy bay ào tới. Chúng bổ nhào xuống hang núi, bom trút như dội lửa.

Loạt đầu chúng dội bom khói cho người không biết đường chạy, sau đó là một loạt bom phát quang để tìm kiếm người mà diệt, sau nữa chúng dội bom bi và cuối cùng là B52 rải thảm. Sau những loạt bom như rứa, cả thung lũng Lèn Hà tan hoang hết. Người chết la liệt. Thương nhất là mấy o, mấy chú bộ đội thông tin trên hang Lèn Hà. 13 o, chú hy sinh. Người mất đầu, người mất thân, người mất bụng, người mất tay nhưng ai cũng hy sinh trong thế đang níu giữ đường dây thông tin, cố giữ liên lạc…

Dân xã Thanh Hóa tui ai cũng lên đưa mấy o, mấy chú xuống mai táng dưới đồng Thương Binh. Trong hành trang gói ghém theo mấy o mấy chú nớ bọn tui đều để một lọ Penexilin đóng chặt nút, trong có ghi tên tuổi, nguyên quán, ngày sinh, ngày mất… Cả xã mấy ngàn người dân ai cũng rơi nước mắt và để tang mấy o, mấy chú suốt một tuần.

Còn nhớ, khi tui lên tới hang, có ba o bộ đội còn sống nhưng ba o ni chẳng bỏ công việc để lo cho đồng đội được vì yêu cầu chiến đấu buộc phải giữ vững liên lạc liên tục. Ba o nớ cứ bặm môi đến tứa máu, nước mắt ròng ròng, tai đeo tai nghe, tay nhấn cần ma-níp, tiếp tục làm thay việc của 13 đồng đội vừa ngã xuống…”.

Kể tới đây, giọng ông Nậy nghẹn lại. Đột nhiên ông cao giọng: “13 o, chú hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, anh hùng rứa mà không hiểu răng tới chừ hang Lèn Hà không được công nhận là di tích lịch sử chú hè? Tui biết ngã ba Đồng Lộc, hang Tám Cô đã được công nhận di tích. Hy sinh ở đâu thì cũng là hy sinh cho Tổ quốc mà chú!”.

  • Di tích lịch sử

Đi dưới làn mưa ngút trời mãi rồi cũng lên được hang Lèn Hà. Hang rộng gần 1.000m2, nền vẫn còn lưu lại chút dấu vết nơi đặt máy thông tin liên lạc. Lối mòn từ hang này qua hang khác còn rõ, những mẩu dây điện, điện thoại, mảnh vỡ của bình ắc quy vương vãi khá nhiều. Ấn tượng nhất là câu khẩu hiệu trên vách hang: “Quý xăng như máu/Yêu máy như con/Quyết tâm bám máy giữ vững thông tin liên lạc”, dẫu nét chữ đã có phần phai mờ vì thời gian. Đi đến gần cuối hang, tôi ngạc nhiên trước một công trình đang xây dở.

Chuyện ở Lèn Hà 33 năm trước ảnh 2

Cửa hang Lèn Hà.

Ông Phạm Tiến Văn giải thích: “Bộ Tư lệnh Thông tin cho xã hơn 30 triệu đồng để dựng bia cho mấy o mấy chú. Tui được xã giao làm. Dựng bia mà chưa thông qua cơ quan văn hóa là sai quy tắc nhưng chờ cơ quan văn hóa đồng ý chẳng biết tới khi mô nên tui cứ làm trước cái đã vì đây là chuyện mà cả xã mong muốn từ rất lâu rồi, chẳng ai muốn đợi thêm nữa. Phải làm sớm để có nơi cho dân làng hương khói cho các o các chú.

Dựng được bia rồi, dân xã tui cũng mong được cấp trên và các ngành chức năng chứng nhận đây là di tích để an ủi hương hồn mấy o mấy chú. Họ hy sinh vì đất nước khi còn rất trẻ, nhiều người chắc còn chưa kịp yêu đương, chưa kịp biết hạnh phúc lứa đôi…”.

Tôi biết ông Tiến đã nói rất thật lòng mình. 33 năm qua, cuộc sống bộn bề nên chắc nhiều người không còn nhớ chứ riêng dân Thanh Hóa, chẳng ai quên sự hy sinh của 13 chiến sĩ bộ đội thông tin ở Lèn Hà. 33 năm qua, chẳng có bia mộ, đền đài, mỗi người dân Thanh Hóa không ai bảo ai vẫn tự dựng tấm bia tâm hồn cho chính mình để mãi mãi ghi nhớ công ơn người đã hy sinh vì Tổ Quốc.

Nhận từ Bộ Tư lệnh Thông tin hơn ba mươi triệu đồng, biết là không đủ nhưng người dân Thanh Hóa chẳng đòi thêm. Thiếu tiền, dân Thanh Hóa động viên nhau mỗi người góp thêm năm, mười ngàn đồng. Họ quyết tâm dựng cho bằng được tấm bia thật trang trọng vì muốn thể hiện phần nào sự tôn kính của mình với người đã khuất. Mà cũng chẳng riêng gì người lớn. Lũ trẻ trong làng, xã nhiệt tình góp công bằng cách mỗi đứa một ngày xách lên hang Lèn Hà hai viên gạch cho các bác, các chú làm bia.

33 năm 3 tháng, cái tên Lèn Hà có lẽ đã bị lãng quên trong ký ức của nhiều người? Tìm kiếm mãi, cuối cùng tôi cũng đã liên lạc được một trong ba cô gái còn sống sót sau trận bom ngày 2-7-1972 ở Lèn Hà. Nghe tôi hỏi, bà Phan Thị Vang (hiện đang ở số 253 Tô Hiệu - Dịch Vọng - Cầu Giấy - Hà Nội) nghẹn ngào: “Đó là một ngày không thể nào quên. Cùng một lúc, 13 đồng đội tôi hy sinh. Mất mát đến thật đột ngột, đau xót.

Có thể trên mặt trận chiến đấu ngày ấy mỗi nơi có một sự hy sinh khác nhau nhưng với chúng tôi, ngày ấy là những ngày chúng tôi chấp nhận quên tuổi xuân, luôn cố gắng làm việc, chiến đấu hết sức mình và sẵn sàng hy sinh vì thắng lợi của cuộc kháng chiến, vì độc lập tự do của Tổ quốc.

Nơi 13 đồng đội tôi ngã xuống, với chúng tôi - những người còn sống – và có lẽ với cả bà con địa phương, luôn là mảnh đất thiêng liêng dù nơi đó được hay không được công nhận là di tích lịch sử. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót với mai sau, có lỗi với người đã khuất nếu chúng ta không tính chuyện lưu lại chút gì đó về sự hy sinh anh dũng ấy cho hậu thế…”.

Bao giờ ngành văn hóa thông tin vào cuộc để hậu thế biết thêm rằng ngoài ngã ba Đồng Lộc, hang Tám Cô…, trên cung đường Trường Sơn xưa, nơi khúc ruột miền Trung còn có một Lèn Hà với cái chết của 13 chiến sĩ trẻ vì sự an toàn, thông suốt của mạch máu thông tin cách mạng thời kháng chiến?

13 cán bộ, chiến sĩ thuộc đơn vị C9/E134 hy sinh tại hang Lèn Hà ngày 2-7-1972

1. Đàm Văn Trình: sinh năm 1944, nhập ngũ tháng 5-1965. Cấp bậc: Thượng sĩ. Chức vụ: Trạm trưởng. Quê quán: Đông Thành - Kim Động - Hưng Yên.
2. Lương Văn Chấn: sinh năm 1946, nhập ngũ tháng 9-1965. Cấp bậc: Thượng sĩ. Chức vụ: Tiểu đội trưởng. Quê quán: Đoài Côi - Trung Khánh - Cao Bằng.
3. Trần Văn Xây: sinh năm 1946. Nhập ngũ: 12-1966. Cấp bậc: Hạ sĩ. Quê quán: Ngô Quyền - Thanh Ba - Phú Thọ.
4. Vũ Thị Lan: sinh năm 1950. Nhập ngũ: 6-1968. Cấp bậc: Trung sĩ. Quê quán: Vũ Tây - Vũ Thư - Thái Bình.
5. Bùi Thị Lung: sinh năm 1954. Nhập ngũ: 5-1971. Cấp bậc: Binh nhất. Quê quán: Kim Sơn - Kim Bôi - Hòa Bình.
6. Chu Thị Mạnh: sinh năm 1956. Nhập ngũ: 12-1971. Cấp bậc: Binh nhì. Quê quán: Văn Lung - Thị xã Phú Thọ - Phú Thọ.
7. Ngô Thị Luận: sinh năm 1956. Nhập ngũ: 12-1971. Cấp bậc: Binh nhì. Quê quán: Tân Long - Tân Lập - Phú Thọ.
8. Hoàng Thị Liên: sinh năm 1956. Nhập ngũ: 12-1971. Cấp bậc:Binh nhì. Quê quán: Trần Phú - Thị xã Phú Thọ - Phú Thọ.
9. Nguyễn Thị Anh: sinh năm 1953. Nhập ngũ: 12-1971. Cấp bậc:Binh nhì. Quê quán: Thanh Cù - Thanh Ba - Phú Thọ.
10. Lê Thị Châm: sinh năm 1953. Nhập ngũ: 12-1971. Cấp bậc: Binh nhì. Quê quán: Vân Đồn - Đoan Hùng - Phú Thọ.
11. Cao Thị Xuyến: sinh năm 1953. Nhập ngũ: 5-1971. Cấp bậc: Binh nhì. Quê quán: Hoằng Kim - Hoằng Hóa - Thanh Hóa.
12. Trần Thị Loan: sinh năm 1954. Nhập ngũ: 12-1971. Cấp bậc: Binh nhì. Quê quán: Phú Lộc - Nho Quan - Ninh Bình.
13. Nguyễn Thị Hảo: sinh năm 1952. Nhập ngũ: 12-1971. Cấp bậc: Binh nhì. Quê quán: Thanh Lạc - Nho Quan - Ninh Bình.
(Nguồn: Bộ Tư lệnh Thông tin)

MINH PHONG

Tin cùng chuyên mục