Chuyện ở phường

Có lẽ, đây là lần đầu tiên có một tập sách viết riêng về chuyện ở phường.

Chuyện ở phường mà không phải ở quận huyện, ở thành phố hay khu phố bởi theo tác giả Phạm Phương Thảo, vì đây là một cấp chính quyền sát với dân nhất, khi mỗi ngày phải trực tiếp giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến dân. Đây cũng là nơi đang diễn ra cuộc sống sinh động, muôn màu...

Với lối văn giản dị, tinh tế như chính cốt cách, con người của bà, tác giả Phạm Phương Thảo đã đề cập đến hầu như tất cả các hoạt động tại phường qua các câu chuyện viết theo lối tản văn bằng cách diễn đạt nhẹ nhàng, dễ đọc, dễ hiểu.

Bằng cái nhìn sâu sắc của một người từng là lãnh đạo thành phố qua nhiều nhiệm kỳ và sự sắc sảo, nhạy bén của một nhà báo, tác giả đã không ngần ngại chỉ ra những khiếm khuyết liên quan đến thể chế, cơ chế, chính sách hiện nay tại các phường, phần nào đã gây cản trở trong quá trình đi lên của thành phố. Công việc của phường đang quá tải, nhiều chồng chéo, bất cập. Tiếng là gần dân, nhưng luôn đầu tắt mặt tối vì hội họp nên cũng chưa phải gần dân.

Hay, “Hội chứng nghị quyết” khi có quan niệm cho rằng “có nghị quyết mới có lãnh đạo” nên có phường ở quận 1 chỉ trong 6 tháng đầu năm 2014 cấp ủy đã phải ban hành đến 30 nghị quyết, trước tiên để đảm bảo sự kiểm tra của cấp trên, còn kết quả như thế nào thì chưa biết! Đề cập đến sự cấp cập trong chính sách cán bộ ở phường, tác giả chấm phá: có anh Bí thư Đoàn phường 10 năm, khi chuyển sang làm thư ký Đảng của phường (cán bộ không chuyên trách) thu nhập bị giảm 1,4 triệu đồng/tháng…

Với 46 câu chuyện gói gọn trong 200 trang sách do Nhà xuất bản Tổng hợp TPHCM xuất bản, ở góc nào đó có thể thấy trong bức tranh chung Chuyện ở phường, còn là sự ghi nhận, cái nhìn chia sẻ, đầy cảm thông của tác giả đối với những người làm công tác tại phường, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ trẻ tâm huyết.

Cảm nhận về Chuyện ở phường, đồng chí Nguyễn Văn Đua, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM trải lòng: “Chuyện ở phường, với cái nhìn sâu sắc, nhân văn và cách mạng về quan hệ giữa người và người, giữa công chức và công dân, giữa đảng viên và nhân dân, giữa cán bộ cơ sở và cấp trên; về những giá trị văn hóa bền vững được tích tụ, phát huy, những giá trị mới được hình thành, dần khẳng định, vun đắp; bằng tinh thần lạc quan nhưng hết sức thẳng thắn về những điều còn khiếm khuyết, với những gợi mở cách giải quyết đầy trách nhiệm…”.

Chuyện ở phường còn là sự lắng lòng của tác giả - một lãnh đạo cấp cao của thành phố trước sự vận động của cuộc sống, của những âm thanh rất đỗi đời thường để bà thấu hiểu hơn đời sống của người dân mình, để luôn có những tiếng nói sẻ chia. 

Cùng với Đi qua thời gian, Kỹ năng hoạt động của đại biểu, nay Chuyện ở phường của tác giả Phạm Phương Thảo tiếp tục là tập sách viết về những vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra. Đây sẽ là cuốn sách hữu ích cho những ai đang công tác tác tại phường, như một sự trải nghiệm, cốt làm thế nào để phục vụ dân tốt hơn.

VÂN ANH

Tin cùng chuyên mục