
Sau khoảng 40 phút đi ô tô trên quốc lộ 62 từ thị xã Tân An về thị trấn Mộc Hóa tỉnh Long An, đến khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập (còn đang xây dựng), chúng tôi chuyển sang tàu thủy xuôi dòng Vàm Cỏ Tây về Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp Mười (xin gọi tắt là Trung tâm). Đang là mùa khô, trên sông nhộn nhịp cảnh đăng lưới, dỡ chà, kéo lưới, kéo vó, tung chài bắt cá. Những chiếc ghe chở đầy ắp các loại hàng hóa, rau quả buôn bán xuôi ngược trên sông.

Sân phơi dược liệu.
Ra đón khách - Đoàn khảo sát của Tổng cục Du lịch - tại cầu tàu là Giám đốc Trung tâm, DS.Nguyễn Văn Bé, biệt danh ông Ba đất phèn, một cái tên rất thân thuộc với người dân trong vùng.
Tôi biết ông Ba đất phèn từ mùa lũ năm 2000, giờ gặp lại thấy ông trẻ và “phong độ” hơn nhiều so với tuổi năm mươi mấy của ông.
Tiếp khách tại hội trường có máy lạnh khá sang trọng trong tòa nhà nghỉ kiến trúc theo kiểu dáng lâu đài châu Âu, ông Ba đất phèn mời mỗi người một ly trà mật ong, đặc sản của Trung tâm, rồi cất giọng sang sảng giới thiệu “giang sơn” mà mình đã tạo dựng từ cánh đồng hoang Bình Phong Thạnh, một xã vùng sâu Đồng Tháp Mười thuộc huyện Mộc Hóa (Long An). Hiện nay, toàn khu Trung tâm có diện tích là 1.041ha.
“Thiên nhiên đã ban cho nơi này 800 ha rừng nguyên sinh. Nếu chúng tôi không đấu tranh quyết liệt để giữ lại thì “báu vật” này đã bị xóa từ lâu rồi”. Ông Ba đất phèn thổ lộ. Giờ đây khu rừng nguyên sinh đã trở thành tài sản vô giá của Trung tâm. ông cho biết, thời gian qua đã có rất nhiều đoàn khách nước ngoài đến tham quan Trung tâm. Trường đại học ở nước ngoài thì có Pháp và Thụy Sĩ, ở trong nước thì có Đại học KHTN, Dược và gần đây là Kinh tế, và KHXH-NV TPHCM gởi sinh viên đến Trung tâm để nghiên cứu, làm luận văn tốt nghiệp.
“Chúng tôi sưu tầm các nguồn gien thực vật đặc trưng của vùng đồng bằng sông Cửu Long đưa về Trung tâm để bảo tồn và phát triển. Trung tâm hiện có một phòng thí nghiệm với đầy đủ trang thiết bị hiện đại hỗ trợ cho công tác nghiên cứu, thí nghiệm, chế biến dược liệu và các loại thuốc chữa bệnh. Và đây là một trung tâm nghiên cứu khoa học vốn tự có chớ không nhận nguồn tài trợ nào khác” - DS Bé nói.
Ông cho biết, sau gần 10 năm nghiên cứu, Trung tâm đã làm ra một loại thuốc đặc trị bệnh viêm xoang công hiệu cao. Nhắc lại ý tưởng xây dựng nơi đây thành một khu du lịch nghỉ dưỡng và chữa bệnh, DS Bé khẳng định: “Tôi vẫn bảo lưu ý tưởng này và sẽ thực hiện sớm. Tôi thấy rằng, đối với người mua bảo hiểm y tế mà cả năm không bị bệnh gì, ngành BHXH nên tạo điều kiện cho họ đi du lịch nghỉ dưỡng. Trung tâm chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ trong khả năng cho phép. Đặc biệt cảnh quan, môi trường sinh thái ở đây là tuyệt hảo cho phục hồi sức khỏe con người”.

Ông Ba đất phèn làm “guide” hướng dẫn viên đưa khách tham quan khu Trung tâm trên tàu du lịch.
Đoàn khách được vào tham quan khu chiết xuất các loại tinh dầu dược liệu, khu chế tạo thuốc, phòng thí nghiệm. Đến đâu hít thở không khí cũng nghe một mùi thơm nhẹ nhàng cho cảm giác sảng khoái lạ lùng. DS Bé bảo, vừa qua, Trung tâm của GS.TS Chu Phạm Ngọc Sơn ở TPHCM đã ký hợp đồng hợp tác với Trung tâm nhằm đào tạo lực lượng cán bộ khoa học và nghiên cứu các hợp chất tinh dầu thiên nhiên và tăng cường cho Trung tâm các thiết bị hiện đại nhất để làm công việc này. “Chúng tôi đã tìm được khoảng 100 loại tinh dầu thiên nhiên ở Việt Nam, trong đó có 15 loại tại đây. Số tinh dầu này, 80% phục vụ cho ngành dược phẩm và 20% phục vụ cho ngành hương liệu và thực phẩm. Hiện nay chúng tôi đang hợp tác với Đức, Thụy Điển và Colombia nghiên cứu toàn diện khu rừng nguyên sinh của Trung tâm”.
Trong mấy năm qua, DS Bé cũng đã làm chủ nhiệm các đùề tài nghiên cứu khoa học về tinh dầu tràm (từ cây tràm gió ở Long An), về cây cỏ ngọt (du nhập từ Paraguay), về cây tràm trà (du nhập từ Úc). Các cây dược liệu này đều được trồng đại trà ở Trung tâm. Theo DS Bé - ông Ba đất phèn, du lịch chỉ là “việc tay trái”, nhưng Trung tâm sẵn sàng hợp tác với ngành du lịch để tổ chức du lịch sinh thái tại đây.
Đoàn khách xuống tàu. ông Ba đất phèn tay cầm loa, tay cầm micro như một hướng dẫn viên thực thụ: “Thưa quý vị, ở trước mặt chúng ta là thảm thực vật nguyên sinh Đồng Tháp Mười mà ở Tràm Chim Tam Nông không có được... à, con tàu chúng ta đang tiến vào con kênh được chúng tôi mở rộng ra 100m để làm đường giao thông chính băng qua Trung tâm. Bên phải chúng ta, giữa dải rừng tràm kia có một bể nước rộng 100 ha vừa trữ nước cho phòng, chống cháy rừng, vừa trữ thức ăn cho các loài chim trời tụ hội về đây...
Những đàn chim đang tung cánh lên trời có nhiều màu sắc đẹp quá phải không quý vị? Rất tiếc là mùa này đàn sếu đầu đỏ đã bay đi xa; lũ diệc, giang sen...cũng thưa dần chớ không còn đông đặc như trong mùa nước nổi. Vào mùa nước nổi, cứ mỗi bình minh lên và hoàng hôn xuống trong ngày, đến đây quý vị sẽ thấy từng đàn chim cò đủ loại, đông hàng vạn con bay rợp trời... Ở bên phải chúng ta là dải rừng tràm gió nguyên sinh hàng trăm năm tuổi. Trong rừng có rất nhiều tổ ong mật, một nguồn dược liệu quý của Trung tâm... Những hàng cây thân tràm, lá thông mà quý vị đang ngắm đó chính là tràm trà, chất tinh dầu của nó rất giàu kháng sinh, là nguồn dược liệu quý...
“Thưa quý vị, hơn 23 năm trước, đây là cánh đồng hoang không có đường bộ lẫn đường thủy, chúng tôi đã phải mang ba lô băng đồng lầy ngập cỏ mà đi. Suốt 18 năm liền chúng tôi vật lộn với đất đai, đào hơn 100km kênh mương. Hồi đó nước phèn dưới kênh đậm đặc, chúng tôi vẫn phải uống... Thưa quý vị, con tàu chúng ta đang đến khu trồng các giống cây thuốc. Chúng tôi có một vườn ươm ở đó để cung cấp giống cho bà con nông dân trồng và bán lại cây thuốc cho chúng tôi... Ở đằng kia có một cái hồ rất rộng là vương quốc của họ hàng chim trời, cá nước, là nơi để nghiên cứu đa dạng sinh học...”.
Trở về nhà nghỉ, đoàn khách được đãi một bữa cơm toàn đặc sản của Trung tâm. Cơm gạo huyết rồng ăn với cá rô kho tộ, cá lóc nướng cuốn lá sen, rắn bằm xào sả. Ông Ba đất phèn bảo, đến Trung tâm vào mùa nước nổi, khách sẽ được cấp xuồng, lưới, cần câu… Trung tâm có một hồ rộng 5 ha và một hồ rộng 3 ha tập trung đủ thứ cá đồng, khách giăng lưới, câu cá dở mấy vẫn bắt được nhiều cá. Khách còn có thể tham gia săn chuột, tham gia lấy mật ong. ông còn tính tới việc chế biến các loại cá ở đây thành đặc sản đóng gói để khách mua về làm quà với giá rẻ.
Còn bây giờ ai cần mua mật ong (thứ thiệt 100%) với giá 80.000 đồng/lít, tha hồ mua. Cả rượu thuốc và thuốc chữa bệnh nữa. Khi xuống tàu trở về, ai cũng có một món quà cầm tay để nhớ tới Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát triển dược liệu Đồng Tháp, nhớ tới ông Ba đất phèn xuất thân từ cậu bé chăn trâu rồi trở thành anh bộ đội Cụ Hồ, thành sinh viên đại học, dược sĩ, giảng viên Đại học Dược TPHCM. Và bây giờ là ông chủ Trung tâm với bao nhiêu chuyện thú vị…
QUANG HẢO