“Lì xì” - tra từ điển, vốn là một phương ngữ mang ý nghĩa là mừng tuổi. “Lì xì” (lầy xì), được biết đến như là một từ được Việt hóa, đọc chính âm Hán Việt là “lợi thị” (có điều tốt lành, lợi lộc, có vận may). Vào ngày đầu năm mới, con cháu tụ họp chúc thọ ông bà, cha mẹ, đều được các bậc trưởng thượng chúc lành bằng nhiều điều tốt đẹp nhất, và hầu như không thể thiếu cái phong bao đỏ rực với khoản tiền nho nhỏ tượng trưng, “lì xì” mừng tuổi. Đó là cái hên đầu năm để được may mắn suốt năm, đặc biệt dành cho tụi nhỏ với mong ước chúng nó hiếu thảo chăm ngoan, giỏi giang thành đạt, con hơn cha là nhà có phước... Rồi sau đó trong chuyến du xuân thăm viếng người thân và bè bạn, những phong bao lì xì kiểu ấy lại có dịp xuất hiện với những lời chúc có cánh, tột cùng vui vẻ và tột cùng sảng khoái.
Lì xì, đúng là niềm vui của chủ thể lì xì lẫn đối tượng được lì xì. Vậy thì hà cớ gì mà lì xì, những năm sau này đã tự nhiên trở thành nỗi ám ảnh, rêm mình rêm mẩy của quá sá người? Ôi, nếu không nói ra thì... ai cũng biết, cái ý nghĩa tốt tươi lành mạnh mà ai cũng muốn ôm chầm hun hít của hai chữ lì xì trong mấy... thập niên vừa qua đã “từng bước từng bước thầm”... biến tướng, thực dụng thực chất với đủ kiểu cân đong đo đếm rạch ròi, khiến tập tục dễ thương này nhiều khi trở thành những hoạt cảnh bi hài, cười ra nước... mắm.
Với giới bình dân đại chúng, đã kịp thích nghi với tình hình lì xì trên từng cây số, cứ giáp tết là luôn tìm cách... tiếp cận ngân hàng để đổi một mớ tiền (lẻ) mới toanh còn thơm phức mùi... tiền. Kinh nghiệm thương đau từ mấy mùa lì xì tê tái trước đã giúp cho nhiều người hiểu rằng, cần chuẩn bị sẵn ít nhất là 3 loại phong bao và tự mình ghi ký hiệu dễ nhận biết riêng, đựng 3 mệnh giá tiền khác nhau, giá trị thì tùy theo từng... khổ chủ.
Như với... tình hình thị trường tết hiện nay (ở dạng “tầm tầm” nhìn thấy được thôi, chớ còn “vượt khung” hay “bứt khung” thì xin phép không dám lạm bàn), người “ngon ngon” chọn loại 500-200K (ngàn đồng - tất nhiên rồi!), người “vừa vừa” sẽ chọn mức 200-100K, người “nghèo mà tự ái” cũng phải 50 - 20 - 10K cho có với người ta. Vậy là tạm yên chí lớn, ba ngày tết cứ tùy mức thân sơ, tùy đường giao hảo mà... mừng tuổi.
“Bay vài triệu như chơi chứ đâu ít ỏi gì!”, anh Tám, một nhân vật có mức lương mức thưởng không tồi, đã “rên” như vậy. Anh kể: “Năm mới năm me tới chúc tết nhà hai vợ chồng sếp phó, trong lúc nói cười rôm rả tui cũng kịp quan sát và mừng thầm vì “tụi nó” mới đi chơi đâu đó, chỉ có một cháu bé ba tuổi đang... ngủ. Tưởng đỡ “tổn thất” giảm “thiệt hại”, bất đồ từ ngoài sân rộn rã tiếng reo vui, cả... chục đứa ập vào, thằng lớn thằng nhỏ, mấy đứa kia là... cháu ruột cháu rà, đồng loạt đứng xếp hàng (thật thứ tự và lễ phép), cháu chào chú ạ, năm mới cháu chúc chú... Đành phải cười tươi tắn, cười khỏe khoắn và... móc ví ra, “phát tài” liền tắp lự. Tiền lì xì cũng phải ráng sao cho “coi cũng được”, bởi có khi có lúc, các cháu tranh nhau mừng tuổi nhận lì xì rồi tranh nhau... xé ra kiểm tra ngay tại chỗ, nếu “hẻo” quá có cháu trề môi dưới “xì” liền một tiếng rõ to, thì có mà... độn thổ. Chưa hết, đang “phát chẩn” chợt có tiếng nhạc réo vang, một cháu móc di động: “A lô, nhà có khách sộp, về gấp “hốt”... lì xì!”.
Chuyện các cháu lượn lờ vây quanh, canh ngó khách khi khách đến nhà chúc tết ba mẹ để... chực lì xì cũng không phải hiếm. Hoặc vừa nhác thấy bóng khách, khách chưa kịp chống xe đã nghe hô khẩu hiệu rầm lên: “Lì xì... Lì xì...”. Nhiều người đưa ra nhận xét nghe qua có hơi đau bụng nhưng quả thật không sai: “Khách đến nhà, nhiều cháu chả hiểu có được/bị “tập huấn” gì trước hay chăng mà cứ đứng “lì” ra đó một tấc không đi một li không dời, chừng nào khách “xì” cái phong bao đo đỏ ra thì mới chịu biến đi cho!”. Lắm vị ba ngày tết không dám đi chúc tết ai, chỉ vì nỗi hãi sợ... lì xì. Để những hoạt cảnh bi hài ấy diễn ra ngày càng lỗ chỗ trên “bức tranh xuân” ngày nay, dễ nhất là đổ lỗi trẻ hư. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, cái “hư” này có “công lao” rất lớn của người lớn chúng ta đóng góp vào. Tục mừng tuổi, lì xì đã ít nhiều bị lợi dụng và thương mại hóa. Đâu phải dưng không mà không ít ông anh, bà chị “hồn nhiên” phát biểu đánh giá, thậm chí chê bai thậm tệ người khách vừa đến thăm viếng chúc tết gia đình mình là trùm sò bủn xỉn hay rộng rãi “dễ thương” chỉ qua cái... “chất lượng” lì xì, qua số tiền mấy đứa nhỏ vừa “thu hoạch” được!? “Trẻ học đấy, chứ học đâu!”, nhiều người “gút” vậy.
Ở một “mặt” khác, với những ông bố bà mẹ là cán bộ chức quyền, có quyền “vãi mưa móc” chi chi đó thì chuyện phân công “mấy đứa nhỏ” ở nhà đón khách đến “nạp mạng” bằng các phong bao lì xì là xấp bạc to, là ngoại tệ mạnh, xem ra chỉ là... “chuyện nhỏ”. Nhiều người đã trở thành “nạn-nhân-không-thể-kêu-cứu”, đến hẹn lại “tự nguyện” lo khoản hụi chết lì xì. Từ đây, lì xì còn “vô tình” trở thành một thứ vỏ bọc không thể tốt hơn cho những ai có ý đồ hối lộ, đút lót, chạy chọt, bôi trơn... “Lớn thuyền lớn sóng”, lì xì cũng theo đó mà... biến dạng biến hình. Thiên hạ hãy còn chưa quên chuyện một ông chủ tịch một thành phố lớn nọ trong năm đầu tiên nhậm chức, đã hiên ngang báo cáo và nộp lại cho Nhà nước khoảng... bốn tỷ đồng mà người ta đã “vô tư” mang đến “lì xì ngược” ông nhân dịp năm mới. Tuy nhiên, những năm kế chẳng ai biết ông có được “mừng tuổi” nữa hay không mà thấy “êm re”, chỉ nghe rằng chiếc xe ông đi khi còn tại chức có giá đến vài tỷ, và lúc về hưu lại nhũng nhẵng nhùng nhằng với ngôi biệt thự công trị giá vài chục tỷ...
Tết! Tết! Tết! Tết đến rồi! “Lì xì”... “Lì xì”...