Chuyển rừng giàu thành rừng nghèo

Tây Nguyên hiện còn 2,25 triệu hécta rừng tự nhiên, giảm khoảng 500.000ha so với cách đây 10 năm. Chính việc chuyển đổi rừng ồ ạt ở khu vực này để trồng cao su, xây dựng thủy điện, trồng cây công nghiệp… đã làm mất hàng trăm ngàn hécta rừng trong những năm qua. Vì thế, Chính phủ sẽ đóng cửa rừng Tây Nguyên để cứu lấy những cánh rừng tự nhiên còn sót lại trên vùng đất này, nhằm giảm thiểu nguy cơ hạn hán và lũ lụt.
Chuyển rừng giàu thành rừng nghèo

Tây Nguyên hiện còn 2,25 triệu hécta rừng tự nhiên, giảm khoảng 500.000ha so với cách đây 10 năm. Chính việc chuyển đổi rừng ồ ạt ở khu vực này để trồng cao su, xây dựng thủy điện, trồng cây công nghiệp… đã làm mất hàng trăm ngàn hécta rừng trong những năm qua. Vì thế, Chính phủ sẽ đóng cửa rừng Tây Nguyên để cứu lấy những cánh rừng tự nhiên còn sót lại trên vùng đất này, nhằm giảm thiểu nguy cơ hạn hán và lũ lụt.

Thời gian qua, các tỉnh Tây Nguyên đã chuyển đổi hàng trăm ngàn hécta rừng để xây dựng thủy điện và trồng cao su theo chủ trương của Chính phủ. Lợi dụng việc này, nhiều doanh nghiệp không chuyển đổi rừng “nghèo” mà tập trung chuyển đổi rừng “giàu”. Để rồi nhiều cánh rừng tự nhiên xanh tốt đã phải nhường chỗ cho những dự án trồng cao su và thủy điện.

Xe chở gỗ lậu chạy nghênh ngang trên đường ở xã Mô Rai, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum

Bỏ rừng trồng cao su

Theo chủ trương của Chính phủ, từ năm 2009 - 2020, Tây Nguyên sẽ trồng mới 100.000ha cao su. Nhưng các địa phương nơi đây lại vội vàng chuyển đổi rừng một cách ồ ạt để trồng cao su, dẫn đến cuối năm 2015, diện tích cao su toàn vùng đã lên tới 164.000ha. Nhiều cánh rừng giàu có, xanh tốt bỗng nhiên bị xếp loại rừng “nghèo” để chuyển sang trồng cao su.

Do việc khảo sát không kỹ, nhiều cánh rừng “giàu” ở Đắk Lắk bỗng chốc biến thành rừng “nghèo” khi giao cho các doanh nghiệp. Đi khắp các dự án ở huyện Ea Súp, Ea H’leo, Krông Năng…, đâu đâu chúng tôi cũng gặp cảnh này. Vào năm 2010, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (Công ty Hoàng Gia Phát) được giao 977ha đất lâm nghiệp ở tiểu khu 134, 138 thuộc xã Ea Jlơi, huyện Ea Súp để khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng cao su. Trong đó, hơn 193,5ha rừng nghèo được cải tạo để trồng cao su. Mặc dù được xếp vào loại rừng nghèo, nhưng trên thực tế, mật độ cây rừng ở đây rất dày, cây rừng có đường kính từ 15 - 60cm, cùng nhiều loại gỗ quý hiếm. Rừng ở khu vực thực hiện dự án thuộc hệ sinh thái rừng khộp. Trong chuyến đi về huyện Ea H’leo, chúng tôi tìm đến dự án trồng cao su của Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ - Xuất nhập khẩu Kim Huỳnh. Vào năm 2010, công ty này được tỉnh giao 778ha đất lâm nghiệp tại tiểu khu 120, 121 của xã Ea Tir để khoanh nuôi bảo vệ rừng và trồng cao su. Ông Nguyễn Văn Trừ (cán bộ trạm bảo vệ rừng của Công ty Lâm nghiệp Chư Pả, đóng cạnh đó) cho biết: “Khu vực rừng đó có trữ lượng gỗ rất lớn, nhưng không biết vì sao tỉnh lại cho chuyển đổi. Trong khi đó, khu vực được giao cho công ty khoanh nuôi, bảo vệ thì cũng bị người dân chặt phá không thương tiếc”.

Nhiều cánh rừng tự nhiên của Xí nghiệp Lâm nghiệp Nghĩa Tín ở xã Quảng Thành, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông bị người dân chặt phá. Ảnh CÔNG HOAN

Theo quy hoạch của tỉnh Gia Lai đến năm 2015, diện tích đất rừng chuyển đổi sang trồng cao su là trên 66.000ha, trong đó có hơn 51.000ha rừng tự nhiên nghèo. Qua đó, tỉnh đã cấp phép cho 44 dự án trồng cao su cho 17 doanh nghiệp thuê trồng tại 5 huyện gồm: Chư Prông, Chư Pưh, Đức Cơ, Ia Grai và Ia Pa. Phấn đấu đến năm 2015, chương trình chuyển đổi trồng cao su sẽ hoàn tất nhưng đến nay chỉ trồng được một nửa so với kế hoạch, trồng hơn 25.000ha. Trong quá trình triển khai dự án, nhiều doanh nghiệp còn tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được UBND tỉnh cho phép.

Có một thực tế đáng buồn, nhiều cánh rừng khộp không thích hợp cho việc chuyển đổi trồng cao su nhưng tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai vẫn cho doanh nghiệp khảo sát trồng cao su. Tại huyện Ea H’leo (Đắk Lắk), hai dự án trồng cao su của Công ty TNHH Hoàng Nguyễn và Công ty CP Đầu tư Tân Tiến được giao trên những cánh rừng khộp nhiều sỏi đá, khó trồng cao su. Sau 3 năm được giao đất, Công ty TNHH Hoàng Nguyễn mới trồng được 80ha cao su hơn 1 tuổi nhưng cây xấu và phải trồng đi trồng lại vài ba lần. Còn dự án của Công ty CP Đầu tư Tân Tiến được giao chồng lên khu vực quy hoạch Khu du lịch Thác Bảy Tầng của huyện Ea H’leo. Nhiều cánh rừng khộp ở huyện Ea Súp (Đắk Lắk) cũng được giao trồng thí điểm cao su.

Phá rừng nhiều, trồng bù ít

Từ năm 2006 - 2011, tỉnh Kon Tum cấp phép chuyển đổi rừng và đất rừng trồng cao su cho 10 đơn vị (56 dự án) với diện tích lên tới hơn 39.000ha. Trong đó, tại địa bàn xã Mô Rai (huyện Sa Thầy) có 9 đơn vị được cấp phép với diện tích hơn 37.500ha. Dù tỉnh Kon Tum đã tạm dừng việc cấp phép dự án chuyển đổi rừng trồng cao su, nhưng gỗ rừng vẫn hàng ngày tuồn ra khỏi địa bàn xã Mô Rai. Có mặt tại đoạn quốc lộ 14C từ huyện Ngọc Hồi đi vào xã Mô Rai, chúng tôi đã bắt gặp nhiều xe container ùn ùn chở gỗ ra. Nhiều xe tải nặng cũng tham gia chở gỗ khiến quốc lộ này tan nát, trơ sỏi đá. Khu vực rừng Vườn Quốc gia Chư Mon Ray nằm cạnh quốc lộ 14C cũng xuất hiện nhiều toán lâm tặc canh giữ cho nhau vào đây chặt gỗ. Ở xã vùng sâu này, chuyện lâm tặc hay ai chở gỗ từ rừng ra là chuyện không có gì ngạc nhiên.

Rừng tự nhiên bị chặt phá tại huyện K rông Pa, tỉnh Gia Lai. Ảnh VÕ PHÚC

Trong 10 năm qua, Tây Nguyên đã chuyển đổi hơn 80.000ha đất rừng các loại để xây dựng khoảng 50 công trình thủy điện. Cũng trong khoảng thời gian đó, nhiều doanh nghiệp dù không đủ năng lực tài chính, kỹ thuật nhưng đã lợi dụng chính sách phát triển thủy điện trước đó, xin dự án làm thủy điện nhưng mục đích là khai thác khoáng sản, lâm sản. Một số dự án vận hành thành công thì không chịu trồng bù rừng thay thế hoặc chây ỳ chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. Theo kế hoạch, năm 2015, tỉnh Đắk Nông phải trồng thay thế 1.000ha rừng tại các dự án thủy điện có sử dụng đất rừng. Nhưng đến đầu năm nay, tỉnh chỉ mới trồng thay thế được hơn 100ha rừng tại các dự án thủy điện. Tại Đắk Lắk, việc trồng rừng thay thế tại các dự án thủy điện hiện chỉ mới thực hiện được 160ha, trong khi kế hoạch phải trồng mới 1.200ha. Ở Gia Lai, đến nay thủy điện Tây Nguyên và thủy điện Đắk Ble vẫn chưa chịu trồng hơn 100ha rừng thay thế.

Theo GS-TSKH Nguyễn Ngọc Lung, Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, quá trình chuyển đổi rừng sang trồng cao su và làm thủy điện thực hiện quá nhanh, diện tích rất lớn nhưng chưa có một đánh giá cụ thể về tính hiệu quả của từng dự án chuyển đổi sau 5 năm hoặc 10 năm. Khi thấy không phù hợp thì các đơn vị xin chuyển đổi tiếp hay bán một phần đất trong dự án cũng có lợi nhuận. Nhiều địa phương chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt mà triển khai chuyển đổi ồ ạt. Hậu quả là đất nước, xã hội, người dân đành chịu mất rừng. Trong khi quá trình trồng rừng thay thế chỉ thực hiện “nhỏ giọt” thì tình trạng mất rừng chưa có điểm dừng.

* Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, từ năm 2008 - 2011, các tỉnh Tây Nguyên cho phép các doanh nghiệp khảo sát, lập 273 dự án trồng cao su. Trong đó, có 277 dự án của 131 doanh nghiệp được phê duyệt với tổng diện tích trồng cao su trên đất lâm nghiệp là 117.220ha, nhưng phần lớn là đất rừng tự nhiên với diện tích lên tới 92.669ha (chiếm 79%). Trong thời gian từ năm 2005 - 2012, bình quân, mỗi năm Tây Nguyên mất đi gần 26.000ha rừng, trong đó mất rừng do chuyển đổi trồng cao su chiếm tới 46,7%.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục