Chuyện sau bão

Gần 9 tháng sau khi hứng chịu hậu quả nặng nề từ bão Sandy, hình ảnh còn ngổn ngang ở những khu vực từng là tâm bão tại thành phố New York khiến dư luận Mỹ phải đặt câu hỏi phần lớn số tiền cứu trợ đã đi đâu. Để xoa dịu dư luận, người đứng đầu hội đồng pháp luật ở thành phố New York (Mỹ), ông Eric Schneiderman, buộc phải yêu cầu hơn 50 tổ chức từ thiện minh bạch công việc cứu trợ sau khi phát hiện sự “mập mờ” của các tổ chức này.

Gần 9 tháng sau khi hứng chịu hậu quả nặng nề từ bão Sandy, hình ảnh còn ngổn ngang ở những khu vực từng là tâm bão tại thành phố New York khiến dư luận Mỹ phải đặt câu hỏi phần lớn số tiền cứu trợ đã đi đâu. Để xoa dịu dư luận, người đứng đầu hội đồng pháp luật ở thành phố New York (Mỹ), ông Eric Schneiderman, buộc phải yêu cầu hơn 50 tổ chức từ thiện minh bạch công việc cứu trợ sau khi phát hiện sự “mập mờ” của các tổ chức này.

Theo thống kê, tổng số tiền đóng góp cho các quỹ từ thiện sau bão Sandy lên đến 575 triệu USD nhưng cho đến nay, các quỹ chỉ chi 60% cho các hoạt động cứu trợ. 40% khoản tiền còn lại chưa giải ngân. Bên cạnh đó, trước sức ép từ dư luận, Hạ viện Mỹ hồi đầu năm 2013 cũng đã phải thông qua gói cứu trợ liên bang gần 10 tỷ USD nhằm trợ giúp các nạn nhân. Nhưng những khoản chi của số tiền trên chưa bao giờ được thông báo một cách cụ thể tới dân chúng.

Rất nhiều người bức xúc trước sự việc, bất chấp việc ông Schneiderman cam kết điều tra và thành lập hẳn một văn phòng nhằm kiểm soát việc chi tiêu của các hoạt động cứu trợ. Ngay sau đó, Hội Chữ thập đỏ Mỹ, đơn vị nhận ủng hộ 299 triệu USD lên tiếng cho rằng số tiền chưa được cứu trợ đã gửi vào các quỹ ủng hộ các nạn nhân do thiên tai trong tương lai. 17 tổ chức từ thiện khác cũng viện dẫn lý do giống như trên.

Tuy nhiên, theo hãng tin AP, lời giải thích của Hội Chữ thập đỏ cùng 17 tổ chức từ thiện quả là khó tin, vì những người đang gặp khó khăn ở New York hiện tại mới là những người cần giúp đỡ. Tại vùng Far Rockaway và Breezy Point - hai vùng ngoại ô của thành phố New York đã bị cơn bão Sandy tàn phá nặng nề, hàng trăm ngôi nhà bị phá hủy, hàng ngàn người dân không thể quay về nơi sinh sống cũ. Hiện nay, thành phố này vẫn còn nhiều nơi ngổn ngang chưa được dọn dẹp và không ít người dân vẫn phải sống trong cảnh tạm bợ, sinh hoạt khó khăn. Hãng tin này cũng đặt câu hỏi phải chăng có tình trạng “quan liêu” trong hoạt động cứu trợ.

Nếu không có dư luận lên tiếng, ắt hẳn, câu chuyện “hậu bão Sandy” sẽ có rất ít người biết tới. Câu chuyện bộc lộ nhiều điểm yếu của nước Mỹ, trong đó có mối liên hệ giữa sự rủi ro trước một trận thiên tai lớn với khả năng cứu trợ sau thiên tai chậm trễ là vấn đề đáng bàn cãi.

Chuyện “hậu bão Sandy” cũng gợi nhớ lại chuyện tương tự ở nước Mỹ sau bão Katrina. Năm 2006, một năm sau thảm họa, một nửa các khu vực bị bão tàn phá vẫn chưa được khôi phục. Các khoản tiền được giải ngân cho việc tái thiết lại được đầu tư vào việc khôi phục các sòng bài hạng sang với lý do là các sòng bài sẽ giúp thu hút khách du lịch trở lại. Trong khi đó, vụ tham nhũng tiền cứu trợ tại cơ quan cứu trợ liên bang hồi đó là một cú sốc trong dư luận Mỹ. Chính quyền Tổng thống Bush thời bấy giờ hứng chịu không ít lời chỉ trích cũng chỉ vì câu chuyện này do trước đó đã hứa hẹn rất nhiều với các nạn nhân. Theo các nhà phân tích, để tránh đi vào “vết xe đổ” như thời chính quyền Bush, Tổng thống Obama phải thật sự quan tâm đến các nạn nhân hơn thay vì phó mặc cho các quỹ cứu trợ và dựa trên các báo cáo của chính quyền địa phương.

THANH HẰNG

Tin cùng chuyên mục