Chuyện thi cử

Chuyện thi cử

Đã là thi cử thì bao giờ cũng có mục đích. Thi để cử, cho nên “cử” mặc nhiên quyết định việc “thi”. Cao sang và đẹp đẽ hơn, thi là để tuyển chọn hiền tài , để “cử” vào việc trị nước.

Chuyện thi cử ảnh 1
Phao rải trước một cổng trường ở Hà Tây sau giờ thi.

Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư, Kỷ Nhà Lê, chép chuyện vua Lê Thánh Tông mắng “bọn Thái bảo Nguyễn Xí rằng: “Các ngươi vốn quan võ làm trấn phủ. Nghĩa chữ “trấn phủ” bọn vũ phu các ngươi có biết được không? Đến như Tăng Văn Trọng còn bị Khổng Tử chê là “trộm cắp ngôi vị” huống chi các ngươi là bọn bịt đường của bậc hiền tài, khơi nguồn cho kẻ cầu may” (Tăng Văn Trọng biết Liễu Hạ Huệ là người hiền mà không cho cùng làm quan với mình nên bị Khổng Tử xem là “kẻ trộm cướp ngôi vị”. Luận Ngữ, thiên Vệ Linh Công).

Năm sau, 1463, định lệ ba năm một lần thi Hội.”Vua ra hiên, thân hành ra đề văn sách, hỏi về đạo trị nước. Cho bọn Lương Thế Vinh trở xuống đỗ cập đệ” (Q.II, trang 397).

Xem thế đủ thấy ông cha ta đòi hỏi rất nghiêm minh chuyện thi cử, ngăn chặn những “kẻ cầu may”, lên án “kẻ trộm cắp ngôi vị”. Triều Lê Thánh Tông là triều cực thịnh trong lịch sử. Mà “thịnh” là nhờ chọn được hiền tài, sử dụng đúng hiền tài.

Nhắc chuyện xưa để bàn chuyện nay. Khi mà quay cóp đã trở thành một “công nghệ”, sử dụng thành quả của văn minh thế kỷ XXI, đưa “công nghệ thông tin” vào hành nghề gian lận thay cho hàng tạ “phao thi”, thì thi cử không còn và không thể là chuyện của nhà trường, của ngành giáo dục nữa, mà là chuyện lớn hơn, chuyện của xã hội.

Từ gia đình, không ít các bậc sinh thành của thí sinh phải tán thành, phải chuẩn bị, phải chi phí cho chuyện gian lận trong thi cử của con em mình. Đến nhà trường, thì chuẩn bị cho chuyện đáng buồn đó bằng cả những công đoạn của bệnh thành tích: giáo viên bị không ít hiệu trưởng thúc, hiệu trưởng bị giám đốc sở nhắc nhở, giám đốc thì nghiêm chỉnh thực hiện chỉ tiêu, chỉ thị có thể từ một số “các anh bên trên” tỉnh, thành phố quan tâm!

Thế rồi, hiện tượng “cử” trước, “thi” sau giúp hợp thức hóa một cách gọn gàng sự gian lận. Vì người đi thi đã sẵn có “thế” và “lực” do quy trình ngược đó tạo ra. Rồi việc “tiêu chuẩn hóa cán bộ” với bằng cấp, bên cạnh tính nghiêm minh cần thiết của việc nâng cao trình độ văn hóa nghiệp vụ của người cán bộ, lại tạo ra một cuộc đua nước rút “nhiều nhanh tốt rẻ” để có bằng cấp.

Ở đây không còn là các cháu nhỏ, các thanh niên chuẩn bị bước vào đời, ở đây không hiếm các đấng sinh thành nêu gương cho con em, cũng không quá hiếm những người “bên trên ngó xuống người ta trông vào”. Nhan nhản những bằng thạc sĩ, phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ), những bằng đại học không biết học từ lúc nào mà nghiễm nhiên được cấp.

Chuyện “bằng thật học giả” này trở thành cơm bữa, diễn ra trước mắt con em chúng ta. Và sâu xa hơn nữa, những đường dây chạy chức, chạy quyền, chạy án không chút liêm sỉ của không hiếm những người đã từng khoác bộ áo “đạo cao đức trọng” đang là cuộc đua thời thượng, có sức tàn phá niềm tin của lớp trẻ. Liệu chỉ ngành giáo dục có giải quyết được những chuyện này không?

Chừng nào xã hội chưa thấy được nỗi đau của những giá trị thiêng liêng bị xúc phạm để có sự phẫn nộ cần thiết với chính mình, chừng ấy chưa thể xóa được tệ nạn gian lận trong thi cử. 

Tương Lai
 

Tin cùng chuyên mục