TPHCM mở ra không gian phát triển mới: Cơ hội nâng chất trường nghề

TPHCM mới mở ra không gian phát triển mới, giáo dục nghề nghiệp được đánh giá là một trong những lĩnh vực có nhiều cơ hội chuyển mình, tiếp tục đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ tiến trình phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.

Chất lượng lao động còn thấp

Theo TS Đặng Minh Sự, nguyên Trưởng Phòng Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) TPHCM, sau hợp nhất, TPHCM có khoảng 400 cơ sở GDNN, trong đó có 74 trường cao đẳng, 71 trường trung cấp, số còn lại là các trung tâm GDNN - giáo dục thường xuyên (GDTX), cơ sở có đào tạo GDNN. Số lượng tương đối lớn so với các vùng kinh tế khác trong cả nước. Tuy nhiên, nếu xét dưới góc độ chất lượng đào tạo và năng lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt là trong các ngành công nghiệp trọng điểm của thành phố như công nghệ thông tin, cơ khí - tự động hóa, logistics, y tế, tài chính - ngân hàng… thì còn tồn tại nhiều bất cập.

“Theo kết quả khảo sát tại hơn 74.000 doanh nghiệp của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM mới đây cho thấy, chỉ 3,77% có nhu cầu tuyển dụng nhân lực thuộc 8 ngành đào tạo nhân lực quốc tế và 87% yêu cầu người lao động phải được đào tạo bài bản. Điều này cho thấy số lượng trường nhiều nhưng chất lượng chưa đồng đều, vẫn còn khoảng cách lớn giữa đào tạo và nhu cầu thực tiễn”, TS Đặng Minh Sự phân tích.

I1a.jpg
Sinh viên ngành sức khỏe Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn thực hành trên mô hình. Ảnh: QUANG HUY

GS-TS Nguyễn Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, nhận định: “Với trên 400 cơ sở GDNN, mỗi năm tuyển sinh khoảng 200.000 người học, số lượng tốt nghiệp cũng xấp xỉ con số này. Thế nhưng tỷ lệ lao động có kỹ năng của vùng Đông Nam bộ nói chung, TPHCM nói riêng chỉ xấp xỉ bằng mức trung bình của cả nước. Dù thời gian qua tỷ lệ lao động qua đào tạo trung bình toàn vùng có xu hướng tăng theo thời gian nhưng mức tăng không nhiều, trung bình hàng năm chỉ tăng khoảng 1%. Tỷ lệ thấp về lao động kỹ năng là điểm nghẽn rất lớn trong quá trình nâng cấp công nghệ trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”.

Cùng quan điểm, GS-TS Nguyễn Thị Cành, giảng viên cao cấp khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TPHCM), chia sẻ, hầu hết doanh nghiệp tuyển lao động phổ thông, sau đó họ phải tổ chức bồi dưỡng, dạy nghề vận hành máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất do chuyên gia nước ngoài hoặc chuyên gia Việt Nam hướng dẫn để đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Ngay cả lao động kỹ thuật cao (kỹ sư), sau khi tuyển dụng, nhiều doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo lại mới đáp ứng yêu cầu công việc.

Tháo “nút thắt” để nâng chất toàn diện

Để giải quyết các vấn đề trên, các cơ sở GDNN đã chủ động nhiều giải pháp. ThS Trần Văn Tùng, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Quốc tế VABIS (phường Phú Mỹ), khẳng định, hợp nhất các tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM mở ra không gian phát triển rộng lớn, cho phép các cơ sở GDNN tiếp cận gần hơn với hệ thống doanh nghiệp tại thành phố. Sinh viên được hưởng lợi từ mạng lưới tuyển dụng sôi động, từ cơ hội thực tập đến việc làm sau tốt nghiệp. Bên cạnh đó, việc tiếp cận các cơ sở GDNN của khu vực I (TPHCM cũ) trở nên dễ dàng hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác đào tạo, liên thông trình độ và trao đổi học tập.

“TPHCM có tiềm lực lớn về công nghiệp, cảng biển, dịch vụ, du lịch… Chúng tôi đã và tiếp tục chủ động kết nối với các doanh nghiệp nhằm giúp người học có thêm cơ hội việc làm, đồng thời được cọ xát thực tiễn ngay trong quá trình học”, ThS Trần Văn Tùng khẳng định.

I4c.jpg
Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu thực hành điện công nghiệp. Ảnh: TRÚC GIANG

Từ thực tiễn hoạt động, ThS Trương Huỳnh Như, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa - Vũng Tàu, mong muốn TPHCM cần có chính sách đặt hàng đào tạo nguồn nhân lực đồng bộ theo ngành nghề, lĩnh vực mà địa phương đang cần. Thành phố cần đầu tư phát triển hạ tầng, trang thiết bị và chuyển đổi số cho các trường nghề trọng điểm, đưa chất lượng đào tạo ngang tầm khu vực ASEAN và quốc tế.

Xây dựng khung pháp lý rõ ràng và cơ chế ưu đãi để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đặt hàng, hỗ trợ đào tạo, nhận sinh viên thực tập và tuyển dụng. Thành phố cần có chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giảng viên, đặc biệt là cử giảng viên ra nước ngoài học tập hoặc tiếp cận các mô hình giáo dục nghề nghiệp tiên tiến trên thế giới.

Trong khi đó, TS Trần Hùng Phong, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore kiến nghị thành phố cần hoạch định, dự báo cơ cấu lao động phù hợp với mỗi nhóm ngành nghề trọng điểm để có giải pháp quy hoạch, sáp nhập các trường nghề yếu kém, tránh dàn trải, đào tạo trùng ngành nghề. Trên cơ sở đó đề xuất phương án quy hoạch hệ thống GDNN hoặc xây dựng đề cương chung rồi giao cho nhóm trường trong khu vực cử chuyên gia làm đề án. Tiếp đó cần sáp nhập các trung tâm GDNN - GDTX vào các trường cao đẳng để tạo thuận lợi cho người học được học lên trình độ cao hơn, dễ dàng và thuận lợi trong việc định hướng nghề, nâng cao trình độ trong tương lai.

Các chuyên gia mong muốn TPHCM có cơ chế điều phối tuyển sinh thống nhất, phân luồng học sinh THCS theo năng lực - sở thích và nhu cầu xã hội. Từng khu vực cần xây dựng bản đồ nhu cầu ngành nghề chi tiết cụ thể, từ đó phân bố chỉ tiêu tuyển sinh hợp lý.

Đặc biệt, phải có một “hệ sinh thái liên kết đào tạo - tuyển dụng” xuyên vùng. Cụ thể, tổ chức các sàn giao dịch việc làm, kết nối doanh nghiệp trong đào tạo, tuyển dụng, trả lương; chia sẻ các mô-đun đào tạo và công nhận tín chỉ liên vùng để người học có thể học tại một trường và thực tập, làm việc tại nơi khác mà không bị giới hạn hành chính.

TS PHẠM VŨ QUỐC BÌNH - Phó Cục trưởng Cục GDNN - GDTX, Bộ GD-ĐT:

Đẩy nhanh công tác sáp nhập trường nghề

Trong bối cảnh cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị, nhất là việc hợp nhất, thay đổi cơ quan quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương về GDNN sẽ đặt ra nhiều yêu cầu mới liên quan đến việc sắp xếp, tổ chức lại, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDNN. TPHCM cần tiếp tục thực hiện lộ trình sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở GDNN trên địa bàn theo hướng tinh - gọn - mạnh.

Đẩy mạnh việc giao quyền tự chủ về tài chính, nhân sự và chương trình đào tạo cho các cơ sở GDNN công lập sau sáp nhập theo lộ trình phù hợp với từng loại hình và năng lực của cơ sở; xây dựng cơ chế tài chính phù hợp để các cơ sở GDNN có thể chủ động khai thác các nguồn thu hợp pháp, đa dạng hóa nguồn lực tài chính và nâng cao khả năng tự đảm bảo chi thường xuyên; thực hiện cơ chế quản trị linh hoạt, hiệu quả, tăng cường vai trò của hội đồng trường trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của nhà trường...

Làm được các việc trên, GDNN TPHCM sẽ phát triển xứng tầm trong đào tạo nguồn nhân lực.

ThS NGUYỄN CHÍ THÀNH - Phó trưởng Phòng GDTX - nghề nghiệp và đại học, Sở GD-ĐT TPHCM:

Hỗ trợ kinh phí cho công tác kiểm định

Theo kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển GDNN TPHCM từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố đặt mục tiêu phát triển nhanh GDNN nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường lao động, của người dân và yêu cầu ngày càng cao về số lượng, cơ cấu, chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề cho phát triển.

Trong đó, năm 2025 có ít nhất 30% cơ sở GDNN và 30% chương trình đào tạo các ngành nghề, trọng điểm đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng. Ít nhất 2 trường cao đẳng và 5 chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn kiểm định quốc tế; có 4 trường chất lượng cao; 3 trường tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4; 1 trường tiếp cận trình độ các nước phát triển trong nhóm G20; khoảng 10 nhóm ngành, nghề trọng điểm có năng lực cạnh tranh vượt trội trong các nước ASEAN.

Kế hoạch dài hơn, thành phố đặt mục tiêu sẽ có ít nhất 1 trường thực hiện chức năng trung tâm quốc gia đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, ít nhất 1 trường thực hiện chức năng trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao.

Các cơ sở GDNN, mỗi ngành nghề sẽ được thành phố hỗ trợ một phần kinh phí cho công tác kiểm định chất lượng. Bên cạnh đó, các trường cũng cần tham gia sâu, rộng vào các cuộc thi về kỹ năng nghề nghiệp, hội giảng… Qua đó giúp từng trường phát huy được thế mạnh riêng có.

QUANG HUY ghi

Tin cùng chuyên mục