
Hai lần được chọn đi dự Đại hội Anh hùng quân giải phóng, 8 lần nhận danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, ông trở thành Kiện tướng diệt Mỹ. Thời chiến ông mở màn lối đánh cảm tử - bám thắt lưng địch để đánh. Thời bình, ông vượt khó mở đất và biến đất sình lầy, hoang hóa thành đất màu mỡ. Sự dũng cảm, gan lì cộng với lòng say mê lao động đã tạo nên sức mạnh phi thường ở người cựu chiến binh đặc biệt này.
- Từ mở màn lối đánh cảm tử
Tháng tư ngập nắng vàng, tôi trở về vùng Bưng sáu xã tìm gặp người cựu chiến binh già một thời lưu danh ở đây. Đó là ông Phạm Ngọc Hà ở phường Phú Hữu quận 9. 30 năm đã trôi qua kể từ ngày vùng đất này lặng im tiếng súng, dấu tích của chiến tranh đã lùi xa. Thay vào đó là nhịp sống trẻ trung của một khu đô thị mới đang hình thành. Trên bờ những con rạch, dòng sông ngày xưa thấm đẫm máu đào của bao chiến sĩ cảm tử, nay nhà cửa, hàng quán chen nhau mọc lên. Căn nhà hai tầng mới xây của ông nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Duy Trinh.

Vợ chồng ông Hà đang chăm sóc đàn heo trên 200 con. Ảnh: K.H.
Nghe tin tôi ghé thăm, ông vội ngừng việc chăm sóc đàn heo ở phía sau nhà chạy lên đón khách. Nhìn dáng vẻ nhỏ con, xuề xòa, đậm chất nông dân của ông, tôi thật khó tin con người ấy đã từng tham gia gần 500 trận đánh lớn, nhỏ ở vùng tâm bom đạn lửa này. Gần chạm tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng trông ông vẫn còn khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Riêng ánh mắt thì vẫn sáng ngời niềm kiêu hãnh của người lính biệt động thành và cảm tử quân năm xưa. Bằng chất giọng mộc mạc, ông dẫn dắt tôi trở về những trận đánh lẫy lừng chiến công của trung đội 2, đại đội 1 thuộc Tiểu đoàn 4 Anh hùng do ông chỉ huy. Đó là những trận đánh lưu danh quân giải phóng như Sông Nước Đục, Tam Đa, Sông Ruột Ngựa, Ông Cài, Sông Đất Sét…
Án ngữ ngay sát nách địch, cách trung tâm TP khoảng 15 km, trung đội của ông nói riêng và tiểu đoàn 4 nói chung trở thành cái gai nhức nhối khiến Mỹ, ngụy ăn không ngon, ngủ không yên. Và để nhổ cái gai này, chúng tìm mọi cách xóa nhanh, diệt nhanh tiểu đoàn Việt cộng này. Cứ vài ngày quân Mỹ, ngụy lại đổ quân xuống khu vực vùng Bưng 6 xã để triệt hạ quân giải phóng. Giao tranh ác liệt. Hết đánh ngày lại đánh đêm. Quân Mỹ thiệt mạng cũng nhiều và quân ta tổn thương không ít.
Hàng trăm bộ đội trẻ măng được bổ sung về tiểu đoàn nhưng chỉ có số ít người sống sót ở vùng đất được mệnh danh là “lò lửa chiến tranh” này…” Kể lại một trong những trận đánh đầu tiên với quân Mỹ trong trận Sông Ruột Ngựa, ông tự hào: “Tuy chưa có kinh nghiệm đánh Mỹ nhưng trận đầu tiên trung đội của tui đã tiêu diệt 75 tên Mỹ, thu nhiều súng ống hiện đại.
Trước khi vào trận đánh, anh em băn khoăn hỏi: đánh thế nào để chiến thắng ? Tui trả lời như đinh đóng cột là cứ bám thắt lưng địch mà đánh. Để anh em yên tâm, tui nhận nhiệm vụ nổ súng trước, sau đó anh em làm theo. Ngâm mình dưới sình lầy và núp dưới đám cỏ lau cao rậm rạp, tui đợi quân Mỹ xuất hiện trước họng súng rồi mới bóp cò. Bị đánh úp bất ngờ như thế, chẳng có thằng Mỹ nào thoát chết…”. Ông rít một hơi thuốc lá thật dài rồi cười sảng khoái: “Sau mỗi trận đánh tôi lại mở đài BBC. Thật không có gì sướng bằng giờ phút nghe đài nước ngoài “điểm tin” chiến thắng của quân ta”.
Thời đó, cứ nghe tiếng súng giao tranh ác liệt, bà con ở vùng Bưng 6 xã lại bảo nhau rằng quân của Bắc kỳ Hà (biệt danh thân mật mà người dân địa phương đặt cho ông) đang đánh nhau đó và ta sẽ thắng lớn. Sau những chiến công vang dội, ông vinh dự được chọn đi dự Đại hội Anh hùng quân Giải phóng hai lần. Cùng dự Đại hội với ông thời đó có những nhân vật anh hùng-huyền thoại thời chống Mỹ như Út Tịch, Tạ Thị Kiều, Tạ Quang Tỷ, Nguyễn Văn Đậu, Bành Văn Trân… Ở Đại hội Anh hùng quân Giải phóng lần thứ hai, ông là một trong hai người được phong danh hiệu Kiện tướng diệt Mỹ.
Nghe ông báo cáo kinh nghiệm và thành tích đánh Mỹ “chưa từng có” thời đó, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh không ngớt lời khen ngợi ông và nói: “Chúng ta phải nghiên cứu cách đánh Mỹ chính xác, hiệu quả như đồng chí Hà đã làm. Phải nắm thắt lưng Mỹ mà đánh…”. Hơn 10 năm cầm súng và tham gia hàng trăm trận đánh lớn nhỏ, ông bị thương tổng cộng 11 lần với nhiều mảnh đạn vẫn còn nằm trong người. Ngoài danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Kiện tướng diệt Mỹ, ông còn vinh dự đón nhận 12 Huân chương Chiến công các hạng, Huân chương Giải phóng, Huân chương Kháng chiến.
- Đến cải tạo đất hoang, thành tỷ phú
Hòa bình lập lại ông lập gia đình và bắt đầu từ con số không tròn vo: không vốn liếng, không nghề nghiệp, không kiến thức làm kinh tế. Nhiều đêm ông trăn trở, ngủ không ngon giấc: “Thời chiến gian khổ tột bậc, cái sống- cái chết kề nhau nhưng mình không sợ. Còn thời bình, chỉ cần chịu khó làm ăn, cớ sao cam chịu đói nghèo?”. Đang sống bình yên ở nội thành, ông quyết định đưa vợ con về nơi chiến trường xưa-xã Phú Hữu quận 9 - lập nghiệp. Hơn ai hết, ông hiểu rõ cái tình, cái nghĩa của vùng đất sình lầy này. Đất đã che chở , cưu mang ông đánh giặc thì đất sẽ đem lại ấm no cho gia đình ông.
Và để ươm mầm sống mới trên những con rạch chằng chịt vết thương chiến tranh, ông và những người dân địa phương bắt tay dựng nhà, cải tạo đất nhiễm phèn, hoang hóa. Từ vốn liếng ban đầu là hai công đất ở rạch Tiệm do địa phương cấp, ông triển khai dự án nuôi cá đầu tiên. Hàng ngày, ông chèo ghe ra sông Đồng Nai (cách nhà 6 km) móc từng khối đất chở về đắp bờ nuôi cá, trồng cây. Bất kể trời mưa hay nắng, ngày nào ông và vợ ông cũng đeo đuổi hành trình lấn đất hoang. Mồ hôi thấm đẫm trên những bờ đất cao dần lên. Nhìn thấy đất sinh sôi nảy nở, vợ chồng ông quên hết mệt nhọc, gian truân.
Có đất, ông khởi sự dự án nuôi heo. Thiếu vốn, ông chạy lên Phòng Thương binh Xã hội huyện Thủ Đức gõ cửa vay 2 triệu đồng. Từ 4 con heo giống Bắc Kinh đầu tiên nuôi thành công, ông gầy dựng phát triển đàn heo ngày một đông hơn. Tằn tiện, chắt bóp từng đồng vốn nuôi cá và nuôi heo, sau 1 năm ông hoàn trả vốn vay. Thế rồi khi đã có chút vốn lận lưng, ông khởi công xây dựng một căn nhà gạch thay thế căn nhà lá xập xệ.
Tiền ít nên ông tự tay thiết kế nhà và kiêm luôn thợ xây, thợ hồ. Ngày ăn mừng tân gia, ông mời bạn bè, đồng đội cũ và chính quyền đến chung vui. Không chỉ nghĩ đến mình, ông mở lòng giúp nhiều hộ nghèo, những người xưa kia là cơ sở cách mạng, cả vốn liếng, heo giống và cả kinh nghiệm nuôi, trồng để họ bớt nghèo, vươn lên.
Noi theo tấm gương cần cù, chịu khó của vợ chồng ông, ba người con của ông không chỉ chịu khó học giỏi mà còn phụ giúp cha mẹ làm giàu. Để có tấm bằng đại học trong tay, người con trai cả của ông vừa học vừa phải dậy sớm lúc 4-5 giờ sáng đi lấy thức ăn cho heo và phụ cha mẹ chăn nuôi heo. Ông thường dạy con cái của mình cái triết lý sống giản đơn nhưng cao thượng. Đó là phải biết ngẩng cao đầu. Khó không nản, hiểm nguy không chùn bước. Cái đức quý hơn cái tài… Hiện nay, ngoài căn nhà tầng mới xây, gia đình ông còn có trong tay trên 3.000 m2 đất. Thời buổi tấc đất tấc vàng, nếu làm bài tính nhẩm vài triệu đồng/m2 thì ông đang có trong tay vài chục tỷ đồng. Biết thế nhưng ông không lấy điều đó để tự hào, mãn nguyện.
Mỗi ngày, ông vẫn cùng vợ, con lấy niềm vui lao động là lẽ sống. Ông thường dậy sớm chăm sóc đàn heo trên 200 con, trong đó có 20 con heo nái và nuôi cá để có thêm thu nhập. Không dừng ở đây, gia đình ông đang dự tính đầu tư một trang trại nuôi heo trên diện tích vài chục ngàn mét vuông ở Long Thành và sẽ giao cho một người con học Đại học Lâm Nông cai quản. Ông bảo: bọn trẻ bây giờ có kiến thức, có trình độ sẽ làm giàu dễ hơn mình và ít cực nhọc như mình. Những điều tôi khám phá ở con người một thời nổi danh đánh Mỹ này thật kỳ diệu và khác thường. Suốt cuộc đời làm lính, làm dân, ông chỉ ham việc khó, việc khổ và coi thử thách, gian nan nhẹ như bấc.
KHÁNH BÌNH