Hai năm trước, nhà làm phim lừng danh Michael Moore cho ra mắt phim tài liệu Capitalism: A love story (Chủ nghĩa tư bản: Một câu chuyện tình - vừa được phát tại Việt Nam trên kênh truyền hình cáp SCTV). Ông đầy vẻ châm biếm sâu cay khi nói về nó: “Đó là một phim hẹn hò hoàn hảo, với cám dỗ, đam mê, lãng mạn và 14.000 người thất nghiệp mỗi ngày”.
1- Ngay trong những “xen” đầu phim, thông điệp gọn ghẽ đã hiện ra: Chủ nghĩa tư bản (CNTB) làm tan nát trái tim ta, và tiền bạc là nguyên nhân của tất cả. Lời dẫn của Moore đầy cật vấn: “Chính sự mất cân bằng và hành xử vô trách nhiệm của những người đại diện cộng đồng dẫn đến sự sụp đổ”. Đan xen với những hình ảnh ẩn dụ của La Mã từng hùng mạnh rồi suy sụp, là những hình ảnh của chính nước Mỹ hiện tại. Những người Mỹ không thanh toán được món nợ ngân hàng, bị tịch biên căn nhà đang ở. Họ phải gói ghém tất cả để ra khỏi nhà, dù chẳng có nơi nào để đi.
Người phụ nữ mất nhà khóc tức tưởi: “Tại sao họ lại làm thế với những người lao động chăm chỉ như chúng tôi? Tại sao họ lại lấy đi tất cả?”. Câu trả lời từ Moore: “Đây là CNTB, một hệ thống của sự lấy đi và cho lại - mà chủ yếu là lấy đi”. Trong hệ thống ấy, tất cả đều có ham muốn kiếm lợi trên những bất hạnh của kẻ khác. Nó trái ngược với những hình ảnh hồ hởi trong đoạn phim tư liệu, khi trong quá khứ, CNTB tốt lành tượng trưng cho tự do kinh doanh, với động cơ lợi nhuận. Và nó cũng đã cho người Mỹ mức sống cao nhất thế giới.
Phim cho thấy sự thịnh vượng ấy có được là nhờ nước Mỹ hủy hoại các đối thủ cạnh tranh kinh tế bằng chiến tranh. Rồi nước Mỹ tiếp tục gây chiến, bằng những bom đạn trút xuống xứ sở khác. Tất cả để người trung lưu Mỹ sống dễ chịu trong căn nhà của mình. Và đột nhiên, tiếp nối những hình ảnh vui vẻ của dân Mỹ, là một thông điệp tàn nhẫn: “Tính người không được quy định bởi những gì người ta làm, mà bằng những gì người ta sở hữu”. Nước Mỹ do các trùm tài phiệt đã thay đổi hẳn, kể từ khi Ronald Reagan được bầu làm tổng thống, ngày 4-11-1980.
2- Để gia tăng lợi nhuận ngắn hạn cho các trùm tài phiệt, cả nước Mỹ được khuyến khích bước vội vã vào kỷ nguyên của các khoản vay nợ. Đó chính là mầm mống dẫn đến sự suy sụp kinh tế về sau, điển hình là đại công ty General Motors. Hàng loạt doanh nghiệp lớn phá sản, hàng triệu công nhân Mỹ bị đẩy ra đường. Một loạt hình ảnh xen kẽ, cho thấy sự đối chọi không thể dung chứa nhau giữa những tuyên bố về một CNTB tốt đẹp, với thực tế khắc nghiệt trong lòng nó. “Nếu muốn tìm kiếm công bằng xã hội và phẩm giá con người, hệ thống thị trường tự do chính là sự lựa chọn đúng đắn”. Trả lời cho ngôn từ đẹp đẽ ấy, là những đứa trẻ bị buộc vào trung tâm giáo dưỡng, do doanh nghiệp điều hành. Đày đọa những đứa trẻ là cách để ông chủ của doanh nghiệp kiếm được hàng chục triệu USD, từ tiền thuế của bang. Đó cũng là cách để các thẩm phán tuyên “bản án giáo dưỡng” bỏ túi vài triệu USD.
Moore phẫn nộ: Nếu hàng loạt tổ chức chính phủ đã bị biến thành công ty vì lợi nhuận, bạn còn mong muốn gì hơn vào những chức trách của nó? Ở một nước Mỹ thịnh vượng, thật khó tin có những phi công dân sự vẫn phải kiếm thêm bằng việc dắt chó đi dạo, giao nước hoa quả, thậm chí bán cả huyết tương trong máu mình. Chuẩn an toàn bị kéo xuống, để phục vụ cho việc khuyến mãi. Tàn nhẫn hơn, có những hợp đồng bảo hiểm nhân thọ cho nhân viên công ty mà người thụ hưởng chính là chủ doanh nghiệp. Khi công nhân chết đi, họ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho ông chủ. Chết càng sớm, ông chủ càng lợi. Trong báo cáo tài chính, không thể tưởng tượng được rằng lại có những khoản “lợi nhuận tử vong”!
3- Tận mắt chứng kiến những sự tồi tệ, cả những đại diện của nhà thờ được Moore phỏng vấn cũng không ngần ngại kết tội: CNTB là tội ác. Nó đối lập với tất cả những điều thiện phổ biến; là sự vô đạo, tà ác, báng bổ, là tội ác cùng cực... Nhưng tại sao hệ thống ấy lại được duy trì lâu như thế?
Câu trả lời từ chính đại diện của nước Chúa: hệ thống ấy đã tuyên truyền để mọi người bị thuyết phục rằng nó là tốt đẹp, là phù hợp với đạo đức và lời răn trong Kinh Thánh. Nhưng kiếm lợi từ cái chết của nhân viên, kiếm lợi từ sự đày đọa của những đứa trẻ có là đạo đức, có là tốt đẹp?
Người giàu ở nước Mỹ đã được tung hô là tầng lớp lãnh đạo quý tộc mới. Phố Wall của những nhà tài phiệt đã trở thành đất thánh. Lợi nhuận vẫn sinh sôi, dù có khủng bố hay chiến tranh.
Moore đã tìm đọc bản gốc của Hiến pháp Mỹ trưng bày trong Thư viện Quốc hội. Ông không thấy có ghi chi tiết nào về thị trường tự do, kinh doanh tự do hay CNTB trong ấy cả. Ở đó, chỉ có “tất cả mọi người”, có “một cộng đồng hoàn hảo hơn” và “hướng tới phúc lợi công cộng”. Nhưng thực tại, vẫn luôn diễn ra chuyện tất cả công nhân vất vả làm việc, để rồi tất cả lợi nhuận chảy vào túi ông chủ. Những đầu óc thông minh nhất nước Mỹ đổ vào làm việc trong ngành tài chính, để kiếm được nhiều tiền ở phố Wall. Rồi ở đó, những bộ óc siêu việt chế tạo ra những chứng khoán phái sinh, vay nợ dưới chuẩn, bảo hiểm nợ xấu để đẩy cả quốc gia vào trò cá cược vay nợ, với lãi suất cắt cổ. Bong bóng tài chính vỡ, người vay bị siết nợ, tịch biên gia sản.
Cơn bão tài chính toàn cầu năm 2008 khốc liệt xuất phát từ cái gọi là vay nợ dưới chuẩn, do đám “xã hội đen” tài chính ngân hàng khởi xướng. Con đập khổng lồ đã vỡ, do những khe nứt từ bên trong. Nhưng những trùm tài phiệt không chết. Chúng lại giàu có hơn, khi “xiếc” Quốc hội Mỹ chuẩn thuận cho gói cứu trợ khẩn cấp 700 tỷ USD cho các ngân hàng.
4- Hình ảnh tư liệu lại hiện ra, và Moore tiếc nuối: năm 1943, Tổng thống T. Roosevelt tuyên bố về giấc mơ Mỹ, nơi mà người dân có nhà để ở, có việc làm và đồng lương đủ sống, được chăm sóc cơ bản, được kỳ nghỉ có lương. Bây giờ, trong thảm họa của lòng tham, không có điều nào của giấc mơ ấy được thực hiện. Không một người Mỹ nào được đảm bảo bất cứ điều gì.
Đoạn kết bộ phim, nhân danh nhân dân, Moore đích thân cầm loa kêu gọi bắt giữ những trùm tài phiệt: “CNTB là một con ác quỷ. Bạn không thể điều khiển ác quỷ. Bạn phải tiêu diệt nó và thay thế nó bằng một thứ gì đó tốt đẹp hơn với tất cả mọi người. Và thứ đó gọi là nền dân chủ”. Dĩ nhiên, Moore hiểu rằng ông không thể làm điều đó một mình: “Tôi thực sự không thể làm thế này nữa trừ khi ai đó trong các bạn đang xem bộ phim này cùng gia nhập với tôi. Và xin bạn hãy khẩn trương lên”.
Nhà làm phim Michael Moore là một người Mỹ điển hình. Ông yêu nước Mỹ, vẫn đi lễ nhà thờ, là một hướng đạo sinh, và kết hôn với người đã gặp từ năm 17 tuổi. Ông đấu tranh, vì luôn tin rằng không có gì mạnh hơn sức mạnh của nhân dân: “Trong nền dân chủ, chúng ta có đủ quyền lực để thay đổi và làm những điều đúng đắn”. |
Vũ Thượng