101 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5-6-1911 – 5-6-2012)

Chuyện trồng người ở CEP

Những tờ giấy trắng
Chuyện trồng người ở CEP

LTS: Đã 101 năm ngày Bác Hồ rời bến cảng Sài Gòn (5-6-1911), khởi đầu hành trình dài tìm đường cứu nước, câu chuyện “trồng người” để xây dựng một nước Việt Nam mới mà “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” như mong muốn của Bác, cho đến bây giờ vẫn luôn là mối trăn trở của nhiều người. Kỷ niệm ngày 5-6 năm nay, chúng tôi mời bạn đọc cùng trải nghiệm một vài nét chấm phá về chuyện “trồng người” ở Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm TPHCM - Quỹ CEP, nơi đã giúp hàng vạn mảnh đời nghèo khó vượt lên số phận.

Chị Hoàng Vân, Giám đốc Quỹ CEP chia sẻ niềm vui với những thành viên nghèo.

Chị Hoàng Vân, Giám đốc Quỹ CEP chia sẻ niềm vui với những thành viên nghèo.

Những tờ giấy trắng

“Qua một chiếc xuồng chỉ đủ 2 người đi, chúng tôi đến nhà của chị Nguyễn Thị Ngọc Hương, Cụm 004-58A ấp 4, Phước Kiển, huyện Nhà Bè. Nhà chị nằm trên một cù lao khuất sau những rặng dừa nước xanh. Chúng tôi đến chỗ chị đúng mùa nước lên, cũng là lúc hai vợ chồng chị chuẩn bị cho việc kéo lưới để đánh bắt tôm cá. Có khi đánh bắt vào buổi tối, gia đình phải ngủ ngoài ghe để trông chừng lưới. Chị chia sẻ: “Gia đình 6 tháng ngủ ngoài ghe, 6 tháng ngủ ở nhà”. Con đường đến trường quen thuộc của 2 cháu bé là qua một chiếc xuồng thân thuộc của gia đình và đi thêm đoạn đường nữa khá xa trên chiếc xe đưa rước học sinh.

Có những ngày nước cạn, cha phải cõng từng đứa qua đoạn sình lầy bên bờ sông. Mong ước lớn nhất của chị lúc này là có tiền để lo cho 2 đứa con nhỏ học đến nơi đến chốn. Chúng tôi chúc cho ước mơ của chị sẽ thành hiện thực”. 9 tháng làm việc tại CEP đủ cho một chàng trai dân kinh tế, trước giờ quen sống ở phố phường như Võ Trần Trung - sinh năm 1989, nhân viên trẻ nhất của CEP, chi nhánh huyện Nhà Bè - viết nên những dòng đầy tình cảm như thế. Trung vốn là sinh viên tốt nghiệp loại ưu Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Ra trường, nộp đơn xin việc ở nhiều nơi nhưng cuối cùng Trung chọn CEP với lý do mà theo nhiều bạn trẻ khác có thể là rất màu hồng: Đem lại cơ hội cho người nghèo là một công việc có ý nghĩa! Nhà ở quận 10, đi làm ở Nhà Bè, mỗi ngày, cậu phải chạy xe máy gần 1 tiếng đồng hồ mới tới chỗ làm. Làm ở vùng sâu vùng xa, đối tượng tiếp xúc hàng ngày là người nghèo, Trung có những kỷ niệm khó quên. Nhớ nhất là lần đi thu nợ quá hạn của một ông cụ, trước ở Nhà Bè, sau chuyển về quận 4: “Ông cụ này bệnh nhiều lắm. Lần nào đến, em cũng ngồi nghe cụ than thở về bệnh chứ không đề cập gì tới chuyện thu tiền. Cụ khoe vừa đi châm cứu về, cụ đem giấy khám bác sĩ, toa thuốc rồi cả thuốc bày lên bàn cho em xem. Lần nào đến, em cũng chỉ im lặng ngồi nghe rồi hỏi thăm sức khỏe cụ. Vậy mà lần hồi, cụ lấy tiền ra góp. Em càng hiểu ra rằng người nghèo là những người cần nhất sự cảm thông” - Trung nói.

Võ Trần Trung chỉ là một trong rất nhiều bạn trẻ đã được môi trường làm việc ở CEP viết những dòng đầu tiên về bài học của tình người lên trang đời của mình.

Tin ở hoa hồng

Sau 9 tháng đi làm ở CEP, Trung khoe có thể tự trang trải cuộc sống, đóng tiền học cao học tại Trường Đại học Kinh tế vào ban đêm và gửi về cho mẹ mỗi tháng 500.000 đồng. Con số này, nếu Trung đem khoe với những bạn học kinh tế, ra trường làm kinh doanh, có thể sẽ nhận được những cái lắc đầu đầy cảm thông. Nhưng với Trung vậy là tốt lắm rồi. “Quan trọng là em được học hỏi nhiều điều để hoàn thiện mình. Chỉ cần cố gắng, em sẽ được trả xứng đáng với công sức mình bỏ ra”.

Nếu nhận tiền, quà biếu, hoa hồng, nhân viên CEP sẽ bị sa thải - đó là một quy định nằm trong các giá trị cốt lõi về văn hóa tổ chức của CEP. Ngoài ra, còn có các yếu tố quan trọng khác như sự trung thực, minh bạch, chính trực, tấm lòng đồng cảm, chia sẻ và tôn trọng người nghèo. CEP dạy cho nhân viên cách không làm cho người nghèo tổn thương. Chẳng hạn như đến một căn nhà ẩm thấp, bàn ghế không được sạch sẽ bạn không dám ngồi, đến một nơi có mùi hôi bạn đeo khẩu trang hoặc đưa tay bịt mũi thì chắc chắn người nghèo sẽ thấy đau. Tiêu chí để tuyển chọn nhân viên, ngoài bằng cấp, khả năng, CEP còn quan tâm đến cách ứng xử và cái tâm của mỗi ứng viên.

“Ưu thế cạnh tranh của CEP không phải là thu nhập. Nếu bạn chăm chỉ làm việc, CEP có thể đảm bảo cuộc sống vừa đủ cho nhân viên của mình. Cái được lớn nhất khi làm ở đây đó là mỗi người được là chính mình. Chúng tôi tin sự minh bạch, chính trực, sự đàng hoàng của một đơn vị vẫn có sức hút với nhiều người, đặc biệt là những người trẻ. Thời nào cũng vậy, lý tưởng sống đẹp vẫn tồn tại. Chỉ cần có đất sống và được vun bồi, mầm thiện sẽ vươn lên” - chị Nguyễn Thị Hoàng Vân, Giám đốc CEP tự tin.

CEP được UBND TPHCM chính thức cho phép thành lập vào ngày 2-11-1991, trực thuộc Liên đoàn Lao động TP. Mục đích của CEP là xây dựng những mối quan hệ mật thiết với nhân dân lao động, để hỗ trợ những khoản vay nhỏ giúp họ phấn đấu làm ăn vươn lên, cải thiện tình trạng nghèo túng thông qua các khoản vay tăng thu nhập và tạo việc làm. CEP đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động các hạng nhất, nhì, ba vì những đóng góp tích cực và hiệu quả trong việc cải thiện an sinh của các hộ gia đình nghèo ở Việt Nam.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục